Thu nhập bình quân người lao động SCIC lên tới 37,8 triệu đồng/tháng

Vũ Hân
Vũ Hân
20/05/2019 12:17 GMT+7

Theo báo cáo mới nhất của Kiểm toán Nhà nước, thu nhập của người lao động tại một số doanh nghiệp nhà nước khá cao, trong đó có Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với 37,8 triệu đồng/tháng.

PVN đứng đầu về lợi nhuận

Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2017 của 253 doanh nghiệp thuộc 31 tập đoàn, tổng công ty và công ty; 1 chuyên đề Hoạt động đầu tư xây dựng và hiệu quả đầu tư dự án của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và 5 tổng công ty điện lực kinh doanh điện năng thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); 8 dự án độc lập trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Kết quả kiểm toán cho thấy, 30/31 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước kinh doanh có lãi.
Đứng đầu trong số các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về lợi nhuận sau thuế năm 2017 là PVN với 40.632 tỉ đồng, tiếp đó là EVN với 7.255 tỉ đồng, SCIC 6.450 tỉ đồng, MobiFone 4.657 tỉ đồng, VNPT 4.358 tỉ đồng,... 
Các DNNN tiếp tục bảo toàn và phát triển được vốn, trong đó nhiều doanh nghiệp đã đi đầu trong hoạt động chuyển giao công nghệ, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, làm tốt công tác bình ổn thị trường, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, có tỷ suất lợi nhuận.
Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA): Samco 11,88%; SCIC 15,3%; MobiFone 14,2%; Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam 7,31%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SCIC là 16,3%;...
Đáng chú ý, thu nhập bình quân của người lao động ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước khá cao, tiêu biểu là SCIC với 37,8 triệu đồng/tháng; MobiFone 24,68 triệu đồng/tháng; Công ty Hoa tiêu 1 và Công ty Hoa Tiêu 9 (đều thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam) lần lượt là 34,2 triệu đồng và 25,49 triệu đồng/tháng; Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé (thuộc Samco) là 22,67 triệu đồng/tháng; PVFCCo 23,1 triệu đồng/tháng; Công ty mẹ - VNPT 23,44 triệu đồng/tháng; VNPT-Media 28 triệu đồng/tháng.

PVN cũng đứng đầu về nợ khó đòi

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rất nhiều hạn chế của các DNNN, như phần lớn còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí.
Cụ thể, tổng tài sản, nguồn vốn tăng 6.343 tỉ đồng và hơn 1,5 triệu USD, giảm 14,8 tỉ đồng; tổng doanh thu, thu nhập tăng 4.184 tỉ đồng và 219.929 USD, giảm 6,17 tỉ đồng; tổng chi phí tăng 1.304 tỉ đồng, giảm 1.161 tỉ đồng và 1.322.976 USD. Kiến nghị tăng thu NSNN 10.896 tỉ đồng và gần 337.000 USD.
Nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn như Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) 122 tỉ đồng; Công ty mẹ - MobiFone 510 tỉ đồng; VNPost 45 tỉ đồng; EVN 547 tỉ đồng; Tổng Công ty Sông Đà 1.907 tỉ đồng; Viwaseen 46 tỉ đồng; Becamex: Công ty mẹ 8.765 tỉ đồng (chiếm 91% nợ phải thu), Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật 513 tỉ đồng (chiếm 44%), Công ty CP Xây dựng và giao thông Bình Dương 348 tỉ đồng (chiếm 38%); Công ty mẹ - Resco 119 tỉ đồng...
Đặc biệt, một số doanh nghiệp phát sinh nợ khó đòi lớn như Công ty mẹ PVN 11.368 tỉ đồng; PVFCCo 354 tỉ đồng; VNPT: Công ty mẹ 432 tỉ đồng, Vinaphone 385 tỉ đồng; Công ty mẹ - MobiFone 322 tỉ đồng; UDIC 166 tỉ đồng; VNS 328 tỉ đồng; Viglacera 199 tỉ đồng; Công ty CP Phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 là 191 tỉ đồng (chiếm 91,28%); Dofico 172 tỉ đồng; Satra 266 tỉ đồng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.