Thu ngân sách phải trông vào doanh nghiệp

22/05/2013 02:18 GMT+7

Đó là khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển khi trao đổi với PV Thanh Niên bên lề QH.

Trước đó, báo cáo thẩm tra của ủy ban này đã chỉ rõ dấu hiệu hụt thu, khi 4 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 244.000 tỉ đồng, bằng 29,9% dự toán, trong đó đặc biệt thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi thu không đủ, ở đầu ra, chi ước đạt 303.000 tỉ đồng, tăng 31% so dự toán, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Ông Hiển cảnh báo: “Thu không đủ bù cho chi thì cũng không thể vay tiền về để tiêu được. Năm nay căng hơn năm ngoái rất nhiều, nếu ngay lúc này đây không tính toán cắt chi đi, để mất cân đối ngân sách thì ngân sách mất cân đối”.

Chi đầu tư, chi thường xuyên, chi lương… khoản nào Chính phủ báo cáo QH cũng là cần thiết, cấp bách. Vậy còn chỗ nào để cắt nữa, thưa ông?

Đúng là trong bối cảnh hiện nay nói cắt giảm thì dễ nhưng làm rất khó. Chi đầu tư xây dựng cơ bản 175.000 tỉ đồng QH “chốt” trong 2013 là mức tối thiểu rồi, nếu không chi đầu tư thì kinh tế lấy gì tăng trưởng. Chỉ có chi thường xuyên như hội họp, hội nghị, khánh tiết, lễ hội, đi nước ngoài là còn dư địa có thể cắt giảm được. Đặc biệt, 24 địa phương bị hụt thu ngân sách năm ngoái, phải cắt giảm, sắp xếp lại trên cơ sở các khoản chi tiêu, phải thực hiện khoán chi cho chặt chẽ. Chúng ta không còn cách nào khác cả, không ai đi vay để tiêu được vì đi vay chỉ phục vụ mục tiêu xây dựng cơ bản thôi. Hiện giờ chỉ có thể trông chờ vào thu, mà thu không đáp ứng được thì chỉ có thể cắt giảm chi một cách quyết liệt.

Đã nhìn thấy khó khăn này, nên Chính phủ vừa rồi cũng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương phải giảm 10% chi thường xuyên, trong đó cắt giảm tối thiểu 30% chi hội họp, đi nước ngoài, ông bình luận gì về những con số này?

Mức này thực tế cũng đã căng rồi, bởi năm ngoái chúng ta cũng đã làm, tuy nhiên con số trên cũng đưa ra để định hướng thôi, còn theo tôi không ai khác chính từng cơ quan, đơn vị thụ hưởng phải tự mình sắp xếp. Ngay từ bây giờ đã phải tính toán xem chi tiêu như thế nào, bởi một số khoản cần thiết nếu theo đúng luật, hụt thu thì phải cắt giảm chi tương ứng. Đến giờ phút này chưa xác định được hụt thu bao nhiêu, nhưng không vì thế mà không chủ động, vì sau 4-5 tháng đầu năm 2013, ngân sách có dấu hiệu sụt giảm rõ rệt. 

Khoản nào sụt giảm rõ rệt, và ông dự báo tình hình thu - chi năm nay so với năm ngoái thế nào?

Năm nay chắc chắn tình hình sẽ khó khăn hơn năm ngoái rất nhiều, khó gấp bội phần. Bởi tăng trưởng kinh tế khả năng không đạt được như mong muốn, kéo theo thu ngân sách sẽ rất ít. Ngoài ra, những năm vừa qua chúng ta liên tiếp hụt thu từ nội địa, nhất là thu cân đối xuất nhập khẩu, trong khi đó thu dầu khí tăng lên nhưng cũng chỉ bù đắp được chút ít. Đặc biệt, năm nay nhiều khoản thu khác cũng tiếp tục bị hụt như thu nội địa, thu từ xuất nhập khẩu, từ đất đai.

Thu ngân sách phải trông vào doanh nghiệp
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển

Không thể trông chờ mãi vào tài nguyên

Nói vậy, chúng ta không còn khoản thu nào khác có thể trông chờ, kể cả các doanh nghiệp?

Không thể trông chờ được nữa, vì trong cân đối ngân sách, trần nợ công, bội chi QH đã nhất trí kiểm soát ở mức 4,8% GDP. Do đó, thu hụt đi rõ ràng chi phải cắt thôi, đó là con đường duy nhất. Nền kinh tế nào thu ngân sách cũng phải trông vào doanh nghiệp (DN). DN có doanh số, lợi nhuận, có trả lương thì mới thu được thuế từ đó. Khi đó người lao động có lương, chi tiêu tăng sẽ kích cầu, chưa kể nhà nước còn thu được thuế GTGT, thuế TNDN. Người lao động có lương cao còn nộp thuế thu nhập cá nhân. Như vậy cuối cùng vẫn là DN, còn thu từ đất đai tài nguyên chỉ có hạn. Bây giờ chúng ta không thể trông chờ vào tài nguyên mãi, dầu thô năm ngoái là cứu tinh, năm nay lỡ không thu được tăng thì căng lắm. Chúng ta phải tự lực, dù ít - đó là điều sống còn.

DN là nền tảng nguồn thu thì phải nuôi dưỡng, nhưng ngân sách eo hẹp như thế thì lấy gì để cứu trợ, hay hỗ trợ. Và nhiều ý kiến cho rằng, cũng khó có thể kỳ vọng gì vào gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hay gói miễn, giảm thuế?

Cứu trợ xét cho cùng cũng là nguồn lực ngân sách. Hiện nay, chúng ta cứu trợ bằng chính sách tài khóa và tiền tệ. Tiền tệ tung ra gói 30.000 tỉ đồng cho bất động sản, hỗ trợ, miễn, giãn thuế. Nó tạo điều kiện tập trung vào điểm nghẽn nhất là thị trường bất động sản. Tuy nhiên, dù sao nguồn lực để đầu tư không lớn nên cú hích không mạnh được. Vì vậy, điều quan trọng các chủ thể, các DN phải tìm cách. DN không thể khư khư giữ giá như cũ, phải giảm giá đi, thậm chí phải bán lỗ, còn hơn để đó dòng tiền không luân chuyển được. Bán lỗ sau đó tìm cách đầu tư lại để có lãi trong giai đoạn sau. Phải thay đổi tư duy ăn xổi, lướt sóng, lợi dụng vốn của nhau, của người mua nhà. Thời buổi giờ khác hẳn rồi, phải làm ăn đàng hoàng, bài bản, công trình xây dựng hoàn chỉnh, người ta mới đến mua.

Như báo cáo của các ủy ban, chính sách ra sớm nhưng thực thi lại quá chậm, thủ tục lại nhiều. Vậy có cứu nổi không?

Đúng thế, chính sách có ra sớm đến mấy nhưng khi thực thi lại triển khai làm chậm thì cũng không mang lại hiệu quả. Chúng ta cần phải nhìn thấu vấn đề này để khắc phục ở từng lĩnh vực, dự án, con người cụ thể. Cần phải có cả chế tài, trách nhiệm của người liên quan. Còn thủ tục hành chính thì vô cùng quan trọng, cần phải cải cách nhanh trong cấp phép, đăng ký, chuyển đổi dự án phải làm sao rất thông thoáng, gọn gàng, đảm bảo các yêu cầu đặt ra, tránh sự lợi dụng. 

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.