Thu hồi tài sản thấp do định giá tài sản!

03/10/2016 08:00 GMT+7

Theo các chuyên gia pháp luật, việc định giá tài sản thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế bị coi là quá thấp.

Những ai quan tâm, theo dõi vụ án Epco - Minh Phụng ở thập niên 1990 đều biết trong quá trình tố tụng đã xảy ra tranh luận gay gắt giữa luật sư bào chữa cho các bị cáo và cơ quan định giá, cơ quan tố tụng về kết quả định giá tài sản của 2 nhóm Minh Phụng và Epco.

tin liên quan

Tài sản tham nhũng thu hồi được chưa đầy 8%
Tổng số tiền bị thiệt hại của các vụ án tham nhũng lên đến 59.750 tỉ đồng, trên 400 ha đất. Trong số này, các cơ quan chức năng đã thu hồi là 4.676,6 tỉ đồng, tức chưa đầy 8% và trên 219 ha đất.
“Mỗi mét vuông đất được tính bằng 3 que kem”
Theo đó, các luật sư và bị cáo đều cho rằng kết quả thẩm định giá tài sản quá thấp so với thị trường tại thời điểm định giá, rằng “mỗi mét vuông đất được tính bằng giá 3 que kem Tràng Tiền”. Gần nhất, trong vụ án Phạm Công Danh gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB) trên 9.000 tỉ đồng, các luật sư bào chữa cho bị cáo Danh cũng liên tục khiếu nại kết quả định giá tài sản đối với các lô đất tại sân vận động Chi Lăng và Trường Chinh (TP.Đà Nẵng). Tại tòa, đại diện Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự Đà Nẵng cho rằng quy định về định giá cho phép có nhiều lựa chọn và phía hội đồng đã chọn áp giá nhà nước và vì lấy giá nhà nước nên trị giá quyền sử dụng đất thấp hơn gần 8 - 10 lần giá thị trường. Không đồng ý, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Danh nêu: theo điều 2 Nghị định 26/2005/NĐ-CP về nguyên tắc định giá tài sản trong hội đồng định giá trong tố tụng hình sự là “phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm”.
Tương tự, quá trình thi hành án phần dân sự trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có những tài sản của bị cáo Như khi đưa ra định giá, đấu giá thì giá trị cực thấp. Chẳng hạn, những chiếc xe ô tô hiệu Audi, Lexus, Mercedes chỉ được định giá từ 300 - 500 triệu đồng.
Giải pháp bán tài sản trước khi án có hiệu lực
Chánh văn phòng Cục Thi hành án TP.HCM Vũ Thanh Xuân cho biết với cơ chế pháp luật hiện nay, bản án của tòa là quyết định cuối cùng, có hiệu lực về tội danh lẫn xử lý tài sản trong thi hành án. Do đó các cơ quan tố tụng khác có muốn phát mãi tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử là điều không thể. “Với tài sản là bất động sản, giá trị có thể tăng lên theo thời gian thì rất dễ xử lý, bảo quản. Nhưng với một số tài sản kê biên thi hành án như xe, hàng hóa, vì không và chưa có kho bãi bảo quản vật chứng nên tài sản này bị hư hỏng, hao mòn theo thời gian, dẫn đến khi định giá và bán đấu giá, tài sản không còn giá trị như thời điểm kê biên. Hiện nay, chỉ có 16/25 cơ quan thi hành án tại TP.HCM có kho hoặc địa điểm để xây kho bảo quản. Có những chi cục thi hành án đã có kho bãi nhưng lại không có các thiết bị chuyên dụng bảo quản vật chứng”, ông Xuân nói.
Để bảo đảm việc thu hồi tài sản tốt hơn, theo ông Xuân nếu bị can, bị cáo tự nguyện bán tài sản để khắc phục hậu quả ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử thì cũng là một giải pháp. “Viện kiểm sát phê chuẩn, tòa án ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và khi đó, thi hành án sẽ thực hiện việc bán đấu giá. Việc làm này vừa có lợi cho người có tài sản và người bị thiệt hại lẫn cơ quan nhà nước”, ông Xuân phân tích.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, để thay đổi được cơ chế kịp thời thì các chuyên gia pháp luật có thể góp ý kiến trong bộ luật Hình sự 2015 đang hoãn thi hành. “Đối với động sản có tính hao mòn theo thời gian hoặc bất động sản nhưng bị can, bị cáo hoặc gia đình bị can, bị cáo tìm được đối tác mua lại với giá tốt hơn giá theo định giá trong tố tụng hình sự thì chúng ta mạnh dạn làm. Và nếu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo khắc phục được 2/3 thiệt hại thì đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đây là sự công bằng để bị cáo và gia đình bị cáo bỏ đi suy nghĩ “hy sinh đời bố củng cố đời con”, LS Hậu nhận định.
Kiến nghị sửa đổi trong bộ luật Hình sự 2015
Nguyên thẩm phán TAND tối cao Nguyễn Quang Lộc cho biết ông ủng hộ việc cho phép các cơ quan tố tụng khác ngoài thi hành án được phép phát mãi tài sản ngay nếu được bị can, bị cáo đồng ý để khắc phục hậu quả tốt hơn. Tiền thu được sẽ nộp vào kho bạc để bảo đảm thi hành án. “Tôi sẵn sàng kiến nghị quan điểm này trong bộ luật Hình sự 2015 đang bị dừng thi hành. Ví dụ, cơ quan điều tra kê biên 1 chiếc ô tô. Lúc kê biên là tháng 1.2014 nhưng đến tháng 1.2015 mới đưa vụ án ra xét xử, rồi phải mấy năm sau mới thi hành án được. Tài sản là ô tô mà không sử dụng trong chừng ấy thời gian thì bị hỏng hóc; giá trị xe không được sử dụng, khai thác là thiệt thòi cho chủ tài sản. Đáng lẽ nếu bán tài sản tại thời điểm được kê biên thì có thể đã bồi thường xong thiệt hại, nhưng chờ mãi đến khi án có hiệu lực thì tài sản bán đi không đủ để bồi thường”, ông Lộc nói.
Cũng theo ông Lộc, khi pháp luật cho phép cơ chế từng cơ quan tố tụng có thể xử lý tài sản ngay thì cũng nên quy định hồ sơ đang ở giai đoạn nào thì cơ quan đó được áp dụng việc kê biên, đấu giá, phát mãi tài sản và Viện kiểm sát sẽ là cơ quan kiểm sát quá trình đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.