Thủ đoạn trộm tài sản trong container

18/11/2012 03:25 GMT+7

Trong vòng 9 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 62 vụ trộm cắp trong container, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng, đồng thời gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín các doanh nghiệp VN. Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an vừa có báo cáo chuyên đề về thủ đoạn trộm cắp này.

Thủ đoạn trộm tài sản trong container
Các bị can trong vụ trộm cắp container tại 4 tỉnh phía bắc vừa phát hiện - Ảnh: T.S

Kết quả điều tra bước đầu của C45 về chuyên án này cho biết, từ tháng 1.2012 đến nay, trên địa bàn các tỉnh, thành Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn đã xảy ra 20 vụ mất tài sản trong container, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng cho doanh nghiệp. Tài sản mất trộm khá đa dạng, từ giày dép, máy in, vải cho đến hạt dẻ, cá đông lạnh, sắt phế liệu…

Lấy tên giả xin làm tài xế

Qua truy xét, C45 đã khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can về hành vi trộm cắp tài sản, tiêu thụ tài sản trộm cắp do người khác phạm tội mà có. Trong các bị can, C45 xác định Nguyễn Mạnh Hòa (28 tuổi, ở H.Kim Thành, tỉnh Hải Dương); Phạm Ngọc Hiếu và Phạm Ngọc Thiện (ở Tuyên Quang) là những người chủ mưu, cầm đầu. Thủ đoạn của bọn chúng là giả hồ sơ để xin vào làm lái xe cho doanh nghiệp, sau khi được giao lái xe vận chuyển hàng thì dùng nhiều cách để lấy trộm.

Tháng 8.2012, Phạm Ngọc Hiếu lấy tên giả là Phạm Văn Phương xin vào làm lái xe cho Công ty TNHH Nam Sơn Hà, khi được giao xe đầu kéo chở hàng từ Hải Phòng đi Quảng Ninh, Hiếu đã cạy container lấy 7,4 tấn chân gà trị giá hơn 220 triệu đồng rồi bỏ trốn. Trước đó, vào tháng 4, cũng thủ đoạn này Hiếu đã lấy trộm 540 kiện hàng trị giá 1,2 tỉ đồng trong container của một doanh nhiệp khác ở TX.Móng Cái rồi vứt xe bỏ trốn.

Tương tự, cuối tháng 9, Nguyễn Mạnh Hòa lấy tên giả là Nguyễn Văn Nhàn để chở hàng thuê cho Công ty Vinalines Logistics. Trong quá trình vận chuyển hàng chuối khô trị giá khoảng 800 triệu đồng từ Hải Phòng lên Lạng Sơn, Hòa đã lấy trộm toàn bộ số hàng trong container, bỏ xe tại một cây xăng ở thị xã Chí Linh, Hải Dương rồi bỏ trốn vào TP.HCM.

Thiệt hại hàng trăm tỉ đồng

 

Nhiều trường hợp hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, khi đối tác kiểm đếm mới phát hiện bị thiếu hụt nên điện báo cho doanh nghiệp trong nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu trong nước

Đại tá Nguyễn Phúc Thuận, Trưởng phòng Phòng ngừa và Đấu tranh chống tội phạm trên tuyến giao thông

Theo đại tá Nguyễn Phúc Thuận, Trưởng phòng Phòng ngừa và Đấu tranh chống tội phạm trên tuyến giao thông (thuộc C45), trong vòng 3 năm trở lại đây, tình trạng trộm cắp tài sản trong container đã trở nên đáng báo động. Năm 2010 chỉ xảy ra 37 vụ, năm 2011 tăng lên 52 vụ và chỉ trong 9 tháng đầu năm nay đã có 62 vụ. Tuy nhiên đây chỉ là thống kê chưa đầy đủ vì có nhiều vụ người bị hại không trình báo.

Trước đây, loại tội phạm này chỉ xuất hiện ở các tỉnh thành kinh tế trọng điểm ở phía nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương thì nay đã lan rộng ra nhiều tỉnh phía bắc. Cuối năm 2011, C45 đã bắt băng nhóm do Nguyễn Thái Quân cầm đầu gây án tại TP.HCM với 20 vụ trộm cắp hàng hóa trong container, gây thiệt hại hơn 100 tỉ đồng. Công an Bình Dương cũng đã bắt băng nhóm do Đỗ Thành Hiếu cầm đầu thực hiện 20 vụ, thiệt hại trên 20 tỉ đồng. Đáng chú ý, qua phân tích các vụ án đã khởi tố cho thấy có tới 57% thủ phạm có nghề nghiệp là lái xe container và trực tiếp thực hiện các hành vi phạm tội.

Đại tá Thuận phân tích, với thủ đoạn làm giả hồ sơ vào xin việc, những kẻ phạm tội này biết quy định của ngành giao thông vận tải là người lái xe container phải có bằng FC, trên thực tế loại bằng này rất ít so với nhu cầu của doanh nghiệp nên đã dễ dàng sử dụng các giấy tờ giả cùng với việc biết lái xe để qua mặt các doanh nghiệp. Những kẻ này sau đó đã câu kết với nhau thực hiện hàng loạt vụ việc tại nhiều địa phương.

Chưa hết, trong nhiều vụ việc, kẻ gian còn sử dụng các công cụ hàn xì phá container để rút ruột hàng hóa, sau đó hàn sơn lại như cũ. Nơi giao nhận hàng chỉ căn cứ vào niêm phong kẹp chì nguyên vẹn nên không biết hàng hóa bị mất.

“Nhiều trường hợp hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, khi đối tác kiểm đếm mới phát hiện bị thiếu hụt nên điện báo cho doanh nghiệp trong nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu trong nước”, ông Thuận nói.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.