Thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thi hành án phạt tù

19/10/2007 16:27 GMT+7

Sáng 19.10, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 3, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thi hành án phạt tù. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu giao UB Tư pháp phối hợp với Bộ Công an rà soát và chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, câu chữ trong dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung; đồng thời kết luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Theo đó, những nội dung sẽ được sửa đổi, bổ sung gồm: Quy định chấp hành hình phạt tù tại trại tạm giam; phân loại trại giam; chế độ ăn, mặc, lao động; chế độ đối với người đang chấp hành hình phạt tù chết trong trại giam; thủ tục khiếu nại, tố cáo.

Cụ thể như, người đang chấp hành hình phạt tù tại trại tạm giam có nghĩa vụ và quyền lợi như người đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam. Người bị kết án phạt tù là người chưa thành niên, người bị bệnh hiểm nghèo, bệnh truyền nhiễm, là phụ nữ được giam giữ riêng. Kết quả lao động của người chấp hành hình phạt tù sau khi trừ chi phí hợp lý được sử dụng để chi trả bổ sung mức ăn cho người chấp hành hình phạt tù; bổ sung vào quỹ phúc lợi của trại giam và đầu tư trở lại cho trại giam, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ lao động và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức lao động, dạy nghề cho người chấp hành hình phạt tù.

Người đang chấp hành hình phạt tù được hưởng chế độ phòng, chống dịch bệnh, khám và chữa bệnh ở bệnh xá của trại giam. Trường hợp mắc bệnh nặng phải điều trị tại cơ sở chữa bệnh khác của Nhà nước thì giám thị trại giam thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị.

Khi người đang chấp hành hình phạt tù chết trong trại giam, sau 24 giờ kể từ khi thông báo cho cơ quan hữu quan và thân nhân người chết, giám thị trại giam có trách nhiệm tổ chức an táng và tùy theo điều kiện địa lý, phong tục, tập quán để quyết định hỏa táng hay địa táng. Trong trường hợp thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người chết có đơn đề nghị được nhận thi thể để tự an táng thì tùy từng trường hợp cụ thể, giám thị trại giam có thể xem xét, quyết định cho nhận thi thể, trừ trường hợp ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Người đang chấp hành hình phạt tù chết hoặc bị thương tật do tai nạn lao động thì được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật...

Cũng trong sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến vào dự thảo Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển. Theo Phó Chánh án TANDTC Đặng Quang Phương, Dự thảo gồm 8 chương, 63 điều quy định về: Yêu cầu bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải; yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển; yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án; tương trợ tư pháp về việc bắt giữ tàu biển; thủ tục bắt giữ tàu biển; thủ tục thả tàu biển đang bị bắt giữ, bắt giữ lại tàu biển và bán đấu giá tàu biển đang bị bắt giữ.

Các ủy viên UBTVQH quan tâm và tập trung thảo luận chủ yếu xoay quanh việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Pháp lệnh. Theo TAND tối cao, có 2 loại ý kiến khác nhau về vấn đề này: Thứ nhất, đề nghị chỉ quy định thủ tục bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải. Thứ hai là đề nghị quy định thủ tục bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành án dân sự và thực hiện uỷ thác tư pháp.

Hầu hết các thành viên UB Tư pháp cho rằng, Pháp lệnh bắt giữ tàu biển chỉ điều chỉnh việc bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải là phù hợp với Điều 40 và Điều 41 Bộ luật hàng hải quy định việc bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, "nhưng không bao gồm việc bắt giữ tàu biển để thi hành bản án, quyết định của Tòa án hoặc cưỡng chế khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền". Phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh cũng phù hợp với khoản 2 Điều 1 và khoản 2 Điều 2 Công ước quốc tế về bắt giữ tàu biển năm 1999. Khỏan 2 Điều 2 Công ước này quy định: "Một con tàu chỉ có thể bị bắt giữ về một khiếu nại hàng hải chứ không thể bị bắt giữ vì liên quan đến khiếu nại khác".

Kết luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu giao cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến chỉnh lý để trình UBTVQH xem xét thông qua tại phiên họp tiếp theo. Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, như phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh, theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, nếu với tên gọi "thủ tục bắt giữ tàu biển", phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh không chỉ riêng thủ tục bắt giữ để giải quyết khiếu nại hàng hải, mà còn thủ tục bắt giữ tàu biển trong trường hợp khẩn cấp, thủ tục bắt giữ tàu biển trong trường hợp thi hành án và thủ tục bắt giữ tầu biển trong vấn đề tương trợ tư pháp... Dự thảo Pháp lệnh cần quy định rõ hơn về thủ tục, thời hạn bắt giữ tàu biển.

Về thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển, nhất trí giao TAND cấp tỉnh. Mức lệ phí bắt giữ tàu biển cụ thể phải tính toán thêm; cần có quy định về vai trò của Viện kiểm sát, trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.