Thống nhất kiến nghị 'siết' nhập khẩu phế liệu

24/07/2018 17:15 GMT+7

Tại cuộc họp sáng nay, 24.7, lãnh đạo Bộ TN-MT chủ trì với các bên liên quan đã thống nhất sẽ kiến nghị Thủ tướng “siết” nhập khẩu phế liệu .

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cảnh báo, nước ta đang đứng trước nguy cơ trở thành bãi chứa phế liệu của khu vực và thế giới. Nguyên nhân khách quan là một số nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan… cấm nhập khẩu phế liệu, nên chắc chắn lượng hàng đổ dồn vào nước ta.
Thực tế, ở nhiều cảng biển hiện nay đã tồn tại nhiều container phế liệu vô thừa nhận, khó khăn trong việc giải quyết. Cụ thể, tại các cảng biển ở TP.HCM đang tồn đọng lượng container chứa phế liệu khá lớn, lên đến hơn 4.000 container; tại một số cảng ở miền Bắc, tập trung phần lớn ở Hải Phòng, là hơn 1.200 container. Trong đó, 80% container là phế liệu nhựa và 20 container phế liệu khác.
Nguyên nhân chủ quan là pháp luật về nhập khẩu phế liệu của nước ta chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế phòng vệ từ xa. “Hàng rào ngăn chặn nhập khẩu phế liệu vào nước ta còn nhiều lỗ hổng. Qua kiểm tra, bên cạnh những nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng thật, còn tình trạng buôn bán phế liệu ngầm, nhập khẩu không chính thức. Phế liệu theo con đường ngầm vào các làng nghề, gây ô nhiễm rất nghiêm trọng đến môi trường như ở Hưng Yên, một số địa phương quanh TP.Hà Nội…”, ông Hà nói.
Bộ trưởng cũng cho hay, theo luật Bảo vệ môi trường, chỉ những đối tượng đủ năng lực mới được phép nhập khẩu, kinh doanh buôn bán phế liệu. Điều kiện cụ thể quy định khá rõ về kho bãi, nhà máy, công nghệ xử lý… Đợt rà soát để lấp “lỗ hổng” về pháp lý để thực hiện theo các nguyên tắc ngăn ngừa loại mã hàng tiềm ẩn gây ô nhiễm cao; mã hàng ít nhập về…
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các bên liên quan, hiệp hội ngành nghề đều thống nhất cần có phương án thắt chặt, loại bỏ những loại/mã phế liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là các loại phế liệu thuộc danh mục 24 loại chất thải mà Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu; đồng thời, loại bỏ những loại phế liệu không được, hoặc ít được các doanh nghiệp nhập khẩu, vốn có nguồn cung cấp ở trong nước. 
Đối với khoảng hàng nghìn container phế liệu đang tồn đọng tại các cảng, lãnh đạo Bộ TN-MT và các bên liên quan cũng thống nhất khẩn trương xử lý, tái xuất hoặc tiêu hủy; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết số lượng hàng tồn đọng, vừa hỗ trợ cho những doanh nghiệp có nhu cầu thực sự, vừa xử lý nhanh chóng đảm bảo những yêu cầu về môi trường, bến bãi.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị Bộ Công thương cấm những hàng hóa phế liệu nằm trong nhóm cấm nhập lợi dụng cơ chế tạm nhập, tái xuất để trung chuyển phế liệu, tránh tình trạng tồn đọng tại Việt Nam.
Ông Hà cũng cho biết Bộ này sẽ kiến nghị Chính phủ “siết” nhập khẩu phế liệu. “Nếu nhập khẩu mà không xác định được giấy phép, chủ hàng thì kiên quyết không cho bốc dỡ hàng lên cảng, yêu cầu chủ tàu tái xuất. Nhiều trường hợp hàng tạm nhập tái xuất, cho bốc dỡ lên cảng rồi bỏ luôn hàng ở cảng, hậu quả nước ta phải gánh chịu. Vì vậy, phải tuyệt đối không cho loại hàng này về. Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định về nhập khẩu phế liệu, ban hành cơ chế phối hợp giữa liên ngành để kiểm soát tốt việc nhập khẩu phế liệu”, ông Hà nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ TN-MT đề nghị Bộ Công an vào cuộc, xác minh những cá nhân, tổ chức chuyển hàng phế liệu đến cảng nhưng không nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.