Thời tiết sẽ khắc nghiệt hơn

16/02/2014 09:10 GMT+7

Mưa tuyết, băng giá, nắng nóng gay gắt, mưa bão với cường suất lớn..., những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang và sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong năm 2014.

Thời tiết sẽ khắc nghiệt hơn
Băng giá phủ trắng Mẫu Sơn khi nhiệt độ xuống âm 2,5 độ C - Ảnh: Duy Thắng (CTV)

Đó là nhận định của ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa và hạn dài - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên chiều 15.2.

Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết năm 2013 thời tiết, thủy văn có nhiều biến động bất thường và diễn biến rất phức tạp. Trong năm ghi nhận 19 cơn bão, áp thấp xuất hiện trên biển Đông, nhiều nhất trong 64 năm trở lại đây. Nắng nóng đến sớm hơn, nhiệt độ ghi nhận ở tháng 5.2013, thời điểm bước vào mùa nóng lên tới 38 - 39 độ C, đã phá kỷ lục cao nhất trong lịch sử cùng thời kỳ. Về mưa có nhiều diễn biến khó lường, mưa cường suất lớn nhất trong ngày đo được tại vùng Ba Tơ (Quảng Ngãi) trong cơn bão số 15 lên tới trên 600 mm/ngày cũng chưa từng có trong lịch sử. Bước vào mùa đông, không khí lạnh hoạt động sớm, có cường độ mạnh. Nửa cuối tháng 12.2013, đợt không khí lạnh đầu tiên của mùa đông gây ra đợt rét đậm rét hại sớm hơn, kéo dài đến 18 ngày làm xuất hiện mưa tuyết với cường độ mạnh như ở H.Sa Pa và Bát Xát cũng là điều chưa từng ghi nhận trong 35 năm qua.

 

Quan điểm cá nhân tôi, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan như đã từng ghi nhận

Ngay trong đợt rét đậm rét hại đầu tiên năm 2014, băng giá xuất hiện ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Yên Tử (Quảng Ninh) và trước đó là ở Nghệ An, đó có phải là những hiện tượng phản ánh thời tiết đang diễn biến bất thường?

Thời tiết tháng đầu tiên năm nay có những dấu hiệu nổi bật. Nửa cuối tháng 1 vừa qua rất ấm. Nhiệt độ cao nhất ở Bắc bộ lên tới 32 - 33 độ C, Nghệ An trên 30 độ C, Hà Nội cũng xấp xỉ 30 độ C. Nhưng sau đó, do ảnh hưởng của 2 đợt không khí lạnh nên nhiệt độ tụt xuống rất nhanh. Ở Mẫu Sơn là âm 2,5 độ C nhưng chưa phải là mức thấp nhất nếu so với thời điểm năm 2011 là âm 3 độ C. Tháng 2 vẫn là tháng chính đông nên các khu vực núi cao như Sa Pa (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) hoặc ở địa hình núi cao có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển trở lên thì nhiệt độ hạ xuống dưới 0 độ C - điều kiện có hiện tượng băng giá - là bình thường.

Theo dự báo, đợt rét đậm rét hại ở miền Bắc kéo dài sang ngày 16.2, trời sẽ ấm nhanh hơn. Đến khoảng đêm 18 rạng ngày 19.2 có thêm đợt không khí lạnh cường độ mạnh tăng cường gây ra đợt rét đậm rét hại mới kéo dài trong 2 - 3 ngày. Sau đó nhiệt độ sẽ nhích dần lên và dao động ở mức 15 - 20 độ C, rét đậm và rét hại nếu có chỉ xuất hiện ở các vùng núi cao.

Vượt mốc lịch sử

Thời tiết trong những tháng tới sẽ diễn biến cụ thể theo chiều hướng ra sao?

Trong khoảng tháng 3 và tháng 4, thời tiết ở miền Bắc có ấm hơn, không khí lạnh vẫn còn hoạt động nhưng rất hiếm có thêm các đợt rét đậm rét hại như thời gian qua. Mưa ở miền Bắc không nhiều, chỉ là mưa rào nhẹ nên cũng không cải thiện nhiều về tình trạng khô hạn ở khu vực này. Còn tại Trung bộ đang vào thời kỳ mưa ít nhất trong năm, tình hình mưa không có nhiều cải thiện, cần cảnh giác đề phòng cho tình huống hạn hán. Ở các tỉnh Tây nguyên và Nam bộ, lượng mưa trong tháng 3 sẽ hụt so với những năm trước nhưng bước sang tháng 4 sẽ xuất hiện các cơn mưa trái mùa, dù lượng không lớn nhưng sẽ cải thiện phần nào tình trạng hạn hán ở Tây nguyên, xâm nhập mặn ở Nam bộ dự báo không còn gay gắt như những năm trước.

Nhìn lại những biến động bất thường của thời tiết năm 2013, ông nhận định thế nào về tình hình thời tiết năm nay?

Hiện chưa có bằng chứng nào chứng minh các hiện tượng bất thường thời tiết nước ta những năm gần đây có phải do biến đổi khí hậu hay không. Đây là vấn đề nhiều nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân chính xác. Nhưng theo nhận định sơ bộ của chúng tôi qua nhiều năm theo dõi thì các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa tuyết, băng giá, bão mạnh như đã có trong năm vừa qua đang có xu hướng, tần suất xuất hiện ngày càng nhiều hơn, dự báo sẽ vượt qua các mốc lịch sử, kỷ lục ghi nhận trước đó. Các đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ càng ngày càng cao gia tăng so với những năm về trước. Một nghiên cứu gần đây nhất cũng chỉ ra nguy cơ mưa lớn xảy ra không nhiều nhưng lại có cường độ khốc liệt, rất khó dự báo như từng ghi nhận ở vùng rốn mưa Ba Tơ (Quảng Ngãi) khoảng 3.000 - 4.000 mm/năm nhưng chỉ một ngày đã mưa trên 600 mm. Quan điểm cá nhân tôi, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan như đã từng ghi nhận.

Gia súc chết rét, người nhập viện tăng đột biến

Theo ghi nhận tại tỉnh Lào Cai đến chiều 15.2, số lượng gia súc chết rét đã tăng lên hơn 70 con, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng cao như Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà và Sa Pa là địa phương thiệt hại nặng nhất. Tại Hà Giang, trong 4 ngày qua, Khoa Nhi Bệnh viện tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân điều trị các bệnh về đường hô hấp. Ở khoa nội, số bệnh nhân là người cao tuổi điều trị các bệnh suy tim, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, hen suyễn gia tăng bất thường. Chính quyền, ngành giáo dục ở các địa phương đã cho phép các trường học chủ động cho học sinh nghỉ học tránh rét... Còn tại khu du lịch Mẫu Sơn (H.Lộc Bình, Lạng Sơn) những ngày qua có hàng nghìn lượt du khách đổ về chứng kiến hiện tượng băng giá bao phủ trắng xóa các cành cây, vạt rừng trên núi cao; trong khi người dân địa phương lo thiệt hại về hoa màu, gia súc đối mặt tình trạng thiếu nguồn thức ăn tự nhiên...

H.Phan - H.Minh - K.Vân

Phan Hậu
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.