Thoát ra từ bẫy buôn người: Liều mình cứu con

Như Lịch
Như Lịch
25/12/2019 07:44 GMT+7

Khi biết con mình bị lừa bán, có những bà mẹ bất chấp hiểm nguy lần theo dấu vết kẻ buôn người và gõ cửa khắp nơi kêu cứu. Một số may mắn tìm được con mình...

Luôn tay luôn chân với các thùng phuy nhuộm - xả vải, chốc chốc chị P. (Sa Pa, Lào Cai) lại chạy ra trước nhà xem chừng mấy đứa con nhỏ. Chị phân trần: “Nhà mình từng có con bị chúng nó dụ dỗ mang đi bán, nên sợ lắm! Mất con, mình không ăn không ngủ, từ sáng sớm đến tối mịt chạy đi tìm...”.

Sợ bị đánh, vẫn truy tìm thủ phạm

Ngày 30.4.2016, chị P. và con gái 14 tuổi Hà Thị Lý (tên nhân vật đã được đổi) về thăm mẹ ruột của chị. 6 giờ tối, Lý xin phép mẹ quay về vì bạn bè muốn đến thăm nhà. Chị P. dặn con nhớ mang thịt, rau rừng đãi bạn.
Thoát ra từ bẫy buôn người: Liều mình cứu con

Chị P. vui mừng khôn xiết khi tìm được con gái

Trong đêm đó, con gái đầu của chị gọi điện báo tin Lý đã bị bán sang Trung Quốc. Vật vã khóc than một hồi, như sực tỉnh, chị P. chạy xuống TP.Lào Cai rửa ảnh của Lý và ảnh của Nam, người lừa bán Lý để trình báo với chính quyền địa phương và Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Nhiều người thắc mắc vì sao chị có ảnh của Nam, chị P. chỉ vào chiếc điện thoại di động đem theo: “Con Lý dùng chung Facebook trên điện thoại của tôi. Hình Nam gọi điện cho Lý qua Facebook đây này, trước khi Lý mất tích”.
Rồi chị bươn bả đến H.Mường Khương (Lào Cai) tìm nhà Nam. Đi đến đâu, chị cũng lấy ảnh Nam ra hỏi: “Có biết thằng này không?”. Lần hồi mãi cũng tìm được nhà của Nam, chị bật khóc thuật lại câu chuyện. Bố Nam không tin: “Sáng hôm qua thằng Nam mang ba lô đi làm thuê bên Trung Quốc rồi mà!”. Chị P. khăng khăng: “Không phải đâu, chiều hôm qua Nam đến Sa Pa gọi điện cho con gái của mình. Bảo nó nhanh nhanh cho con gái mình về nhà đi!”. “Sao mày biết? Thế ai nhìn thấy nó đi Sa Pa?”, bố của Nam giận dữ. Chị P. lại lôi điện thoại kiên nhẫn giải thích. Người cha tức tối gọi cho Nam nhưng không liên lạc được. Ông hướng dẫn chị P. đến nhà những người bạn của Nam để tìm...
Thoát ra từ bẫy buôn người: Liều mình cứu con

T. (con bà X.), nạn nhân bị mua bán, chỉ vết tích do “chồng hờ” bên Trung Quốc gây ra

Chị P. nghẹn ngào: “Ngày nào mình cũng ra khỏi nhà từ sáng sớm và về lúc tối mịt, có hôm đi tìm gần 100 cây số. Mình cũng sợ bị trả thù, nhưng vẫn đi kiếm con. Con mình đẻ ra, nó mà chết thì mình không sống nổi”. Sau năm ngày ròng rã lùng sục, bất ngờ chị nhận cuộc gọi của Lý từ Trung Quốc. Ngay đêm đó, chị từ Sa Pa xuống cửa khẩu Lào Cai, thao thức chờ sớm mai qua biên giới tìm con. Không có hộ chiếu, visa, chị P. đánh liều “đi chui” bằng thuyền…
Tiếp xúc với chúng tôi, Lý kể tối đó Nam rủ Lý và người bạn của Lý đi uống nước rồi lừa bán hai cô gái sang Trung Quốc. Sau khi mua Lý, nhóm người Trung Quốc đưa Lý đi ăn cùng một thông dịch viên Việt Nam. Chị thông dịch tò mò hỏi Lý: “Em còn nhỏ sao không đi học, mà tự nguyện sang đây lấy chồng?”. Lý nức nở: “Em bị bắt sang đây”. Nghe chị kia thuật lại, nhóm người mua Lý đã gọi bên bán đến, đòi tiền lại. Bên bán định kéo Lý lên xe nhưng Lý đứng giữa đường đông đúc khóc to, khiến họ bỏ chạy vì sợ lộ. Lúc đó, một cặp vợ chồng người Việt bán hàng ở Hà Khẩu (Trung Quốc) vội đưa Lý về chỗ ở của mình và cho mượn điện thoại liên lạc với mẹ… Phút giây đoàn tụ, hai mẹ con ôm nhau khóc ròng.

Học lớp xóa mù để viết đơn cứu con

Còn nhiều người bị bán, chưa tìm được...

Ông Nguyễn Tường Long - cán bộ Sở LĐ-TB-XH, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai, trăn trở: “Vừa qua, chúng tôi đi làm truyền thông phòng chống buôn bán người ở chợ phiên Lùng Phình, H.Bắc Hà. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, có đến 6 người báo rằng thân nhân của họ bị lừa bán, nhiều năm nay không biết trôi dạt phương nào. Tôi đưa micro để bà con chia sẻ cho mọi người cảnh giác. Điều này phản ánh trong cộng đồng còn biết bao người bị bán mà chưa tìm được”.

Chị P. (Sa Pa, Lào Cai) tâm tư: “Tôi may mắn tìm được con mình. Nhưng xung quanh tôi còn nhiều gia đình vẫn biền biệt tin con. Họ khóc suốt, khổ lắm!”.
Chúng tôi đến Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) khi đường sá đang sửa chữa, nhiều đoạn lầy lội khó đi. Cách tu viện cổ không xa, bà X. chỉnh trang lại nhà mình để làm du lịch homestay. Bà xuýt xoa: “Đợt này bận quá, nên tôi chưa đi truyền thông phòng chống buôn bán người. Hiện còn rất nhiều đứa trẻ bị lừa bán như con tôi ngày trước. Gia đình mình từng rơi vào đau khổ nên phải chia sẻ kinh nghiệm giúp người khác”.
Thoát ra từ bẫy buôn người: Liều mình cứu con

Bà X. quyết học lớp xóa mù chữ để đi tìm con

Được biết, cuối năm 2015, T. (con bà X.) bị hai người chị họ cùng làng rủ đi chợ “coi quần áo đẹp và rẻ” rồi lập mưu bán sang Trung Quốc. Lúc đó T. 14 tuổi, bị ép buộc làm vợ người đàn ông 38 tuổi. T. nhớ lại: “Ông đấy lớn tuổi hơn bố em. Hằng ngày ông bắt em đi đập đá, vận chuyển đá bằng xe rùa. Mỗi bữa, em chỉ được ăn bát cơm be bé hay dùng đựng nước chấm. Ông thường xuyên đánh đập, cưỡng hiếp em, trong khi bố mẹ ông ấy đứng canh ngoài cửa phòng...”. Chỉ vào vết sẹo ở cổ tay trái, T. nói do ông ta lấy dao cắt làm máu chảy lênh láng.
Sau gần 6 tháng, T. chạy trốn. Gia đình người chồng phát hiện, đuổi vào tận đồn công an và đòi bắt T. về. Họ khai T. 21 tuổi, đang làm dâu làm vợ nhà họ. Đối chiếu tường trình của T., công an Trung Quốc bảo T.: “Em đúng là người bên Việt Nam gửi đơn và hình ảnh nhờ chúng tôi tìm kiếm. Mẹ em đi tìm em lâu lắm rồi, em mau về nhà kẻo gia đình mong”. T. đi tàu ba ngày bốn đêm về đến cửa khẩu Lào Cai, vỡ òa vui sướng khi gặp lại gia đình.
Từ ngày con mất tích, bà X. lặn lội tìm khắp nơi và nhiều lần đến trình báo các cơ quan chức năng. Bà X. cho hay mình không biết đọc, không biết viết. Mỗi lần nhờ ai làm đơn “xin cứu con”, người phụ nữ H’Mông này thường đưa cho 3 - 4 người khác đọc lại, nếu nội dung giống nhau mới đem gửi. Tương tự, khi nhận được thư phản hồi, bà cũng dùng cách “kiểm tra chéo” thông qua nhiều người.
“Lần nào ra Hà Nội, tôi cũng tìm mấy chú lính gác ở khu lăng Bác để hỏi đường cho chính xác. Từ đó, tôi đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an để trình bày”, bà X. kể.
Để có thể tự viết, tự đọc đơn thư, bà X. quyết tâm học lớp xóa mù chữ ở địa phương. Ngày đi tìm con, đêm bà bền bỉ đánh vật từng con chữ, bất chấp lớp học xa nhà và những hôm mưa gió (dù trước đó xã vận động nhưng bà không tham gia). Bà nhìn nhận: “Tôi nghĩ nhà mình kinh tế đủ ăn, không phải đi làm thuê, bản thân cũng lớn tuổi nên chả cần học làm gì. Chỉ đến khi đứa con tôi ra đi, gia đình dính dáng đến pháp lý, tôi mới thấy con chữ rất quan trọng”.
Từ những đơn thư kêu cứu của bà X., cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc đã phối hợp tìm kiếm, giải cứu T. Giữa tháng 6.2016, bà X. và gia đình mừng rỡ khôn xiết đón T. trở về tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Sau biến cố trên, bà X. ao ước có nguồn tài trợ và tình nguyện viên để mở các lớp tiếng Anh, tiếng Trung cho thanh thiếu niên địa phương. Bà cắt nghĩa: Thứ nhất, các cháu có thể làm du lịch, kiếm tiền nuôi thân. Thứ hai, nhỡ đứa nào bị bán sang nước khác chúng còn biết viết, biết nói là “tôi đang gặp nguy hiểm, hãy giúp cho tôi về Việt Nam!” (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.