Thoát nước Sài Gòn tắc “chỗ hiểm”

07/11/2010 22:24 GMT+7

* Ngập nặng liên tiếp trên diện rộng Dự án (DA) Vệ sinh môi trường (VSMT) TP.HCM đã xong hơn 90% khối lượng, trong đó riêng phần lắp đặt cống thoát nước tại các quận trung tâm hoàn thành đến 97%, nhưng vì sao vẫn chưa thấy hiệu quả chống ngập được phát huy trên thực tế?

Có thể thấy, phần việc còn lại của DA tuy ít nhưng lại là những hạng mục rất phức tạp và là mấu chốt quyết định sự vận hành của toàn hệ thống. Cụ thể, gần 60 km cống đã lắp đặt tại các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp… vẫn chưa thể kết nối và phát huy hiệu quả thoát nước mưa chỉ vì vướng vài trăm mét cống chưa lắp đặt. Trong đó, tuyến cống trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thoát nước cho khu vực từ Bến xe Miền Đông đến cầu Thị Nghè hiện đã hoàn thành tới 99%, chỉ còn 1 điểm nút tại chân cầu Thị Nghè chưa thi công hố ga. Cống trên đường Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa cũng còn 800m chưa xong. Các tuyến cống này đều do Tổng công ty (TCT) xây dựng Hà Nội thi công quá ì ạch suốt thời gian qua.

 
Ngập nặng, hàng loạt xe chết máy trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) chiều 6.11 - Ảnh: Bạch Dương

Tương tự, tuyến cống chạy dọc đường Nguyễn Kiệm và Phan Đình Phùng thoát nước cho khu vực rất rộng từ ngã 6 Gò Vấp đến cầu Kiệu, đặc biệt chống ngập cho toàn bộ công viên Gia Định, vẫn chưa thể phát huy hiệu quả chỉ vì vướng một số công đoạn ít ỏi, chủ yếu do giao cắt với đường sắt và ống cấp nước hiện hữu. Tuyến cống trên đường Lê Văn Sỹ thoát nước cho khu vực từ Lăng Cha Cả đến cầu Lê Văn Sỹ cũng vướng một đoạn rất ngắn do băng ngang đường sắt…

Hậu quả của “bẫy” thầu giá rẻ

Có thể nói, sự bế tắc của DA VSMT hiện nay có nguyên nhân từ tình trạng bỏ thầu giá thấp mà Thanh Niên từng có loạt bài phản ánh. Trong đó, có thể lấy ví dụ trường hợp TCT xây dựng Bạch Đằng (đã bị cắt hợp đồng) hay TCT xây dựng Hà Nội thi công rất bê bối, chậm trễ. Trả lời Thanh Niên, ông John G.Dryburgh, Kỹ sư trưởng Công ty CDM (Mỹ), đơn vị tư vấn giám sát cho biết, cả 2 TCT này đều đủ trình độ để thực hiện công tác lắp đặt cống, song vấn đề chính của nhà thầu là tài chính không đảm bảo. Nguyên nhân là từ giai đoạn đấu thầu, nhà thầu đã không lường được các tiêu chuẩn quá cao cũng như những khó khăn của DA để có thể tính toán chính xác chi phí và vấn đề lời lỗ. Chính vì vậy, trong quá trình thi công, nhà thầu cảm thấy để đáp ứng đúng các tiêu chuẩn này thì họ phải bỏ ra nhiều chi phí hơn, thậm chí chịu lỗ.

Tiếp tục vướng “bẫy”
Đáng lo ngại là tình trạng thầu giá thấp sẽ chưa dừng lại ở đây, bởi theo Ban quản lý DA, mới đây đã có thêm một nhà thầu bỏ giá rất thấp cho gói thầu mới. Ban quản lý DA đã yêu cầu nhà thầu chứng minh với cái giá như vậy họ có thể đảm bảo được các tiêu chí kỹ thuật của gói thầu, với mục đích là để nhà thầu cân nhắc lại vấn đề lời lỗ mà tự rút lui. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn cam kết thực hiện gói thầu đúng kỹ thuật và chủ đầu tư đã không thể loại nhà thầu này. Như vậy, không ai dám khẳng định trong thời gian tới, gói thầu mới này không đi vào “vết xe đổ” của hàng loạt gói thầu giá rẻ vừa qua.

“Thực sự trong quá trình chọn thầu, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ. Tuy nhiên, chỉ những trường hợp đặc biệt chúng tôi mới có thể loại các nhà thầu giá thấp, bởi quy định của VN cũng như Ngân hàng Thế giới (nhà tài trợ ODA cho DA) không khống chế giá sàn nên rất khó loại nhà thầu giá thấp”, ông Dryburgh nói.

Hạng mục thoát nước thải của DA còn nan giải hơn vì cả 2 gói thầu trọng yếu hiện nay đều là phần việc  "khó nhai" nhất do các nhà thầu Trung Quốc chừa lại sau khi đã “gặm” hết “nạc”. Trong đó, gói thầu 10A di dời đường ống cấp nước phi 2.000 mm ở khu vực cầu Điện Biên Phủ đã được giao cho TCT cấp nước Sài Gòn (Sawaco) phối hợp với Công ty TDW (Mỹ) thi công. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trước đây nhà thầu CSCEC chỉ bỏ giá khoảng 300.000 USD cho hạng mục này nên nghiễm nhiên trúng thầu (trong khi các nhà thầu khác đều bỏ giá khoảng 2 triệu USD).

Đến nay, sau khi giao lại cho Sawaco thì gói thầu này đã trở về đúng giá trị ban đầu là hơn 2 triệu USD. Tương tự, đoạn cống băng sông Sài Gòn do nhà thầu TMEC CHEC 3 (cũng của Trung Quốc) thi công cũng buộc phải tách thành gói thầu 7B và giao cho Công ty thoát nước đô thị TP. Lẽ ra, nếu thi công đúng tiến độ thì phần vốn cho gói thầu này cũng được lấy từ ODA của Ngân hàng Thế giới, song do chậm trễ suốt 4 năm qua nên cuối cùng đã phải thực hiện bằng ngân sách TP, tốn khoảng 70 tỉ đồng.

Dời ô nhiễm từ điểm này sang điểm khác

Trên thực tế, DA VSMT muốn phát huy hiệu quả chống ngập triệt để thì không thể chỉ trông chờ vào hệ thống cống thoát nước mưa mà phải hoàn thành đồng bộ hạng mục thoát nước thải, nạo vét lòng kênh và xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Bởi quy trình vận hành thoát nước của DA gồm, hệ thống cống bao tự chảy với đường kính 3m đặt dưới lòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm nhiệm vụ tải toàn bộ nước thải cho lưu vực rộng hơn 33 km2 ở khu trung tâm.

Bên cạnh đó, hệ thống cống thoát nước cấp 2 - 3 làm nhiệm vụ gom nước mưa trên các tuyến đường về cống bao, sau đó đưa về trạm bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) để lược rác, xử lý mùi trước khi đổ ra sông Sài Gòn. Quan trọng hơn là giai đoạn 2 của DA sẽ xây thêm nhà máy xử lý nước thải phía Q.2 để làm sạch nước thêm một bước nữa trước khi đổ ra sông.

 
Việc lắp đặt cống thoát nước mưa trên một số tuyến đường bị vướng đường sắt và công trình ngầm - Ảnh: P.T

Tuy nhiên, theo Trung tâm Quản lý điều hành chương trình chống ngập, hiện nay ngoài 3% cống thoát nước mưa chưa được lắp đặt, thì hạng mục thoát nước thải của DA vẫn còn vướng 2 đoạn quan trọng là kích cống bao dưới lòng kênh đoạn qua cầu Điện Biên Phủ và kích cống băng sông Sài Gòn. Do đó, dù trạm bơm đã hoàn tất, nhưng chưa thể vận hành do chưa đồng bộ với hệ thống thu gom.

Đáng lo ngại hơn là giai đoạn 2 của DA (xây dựng nhà máy xử lý nước thải) đến nay mới đang trong giai đoạn lập thiết kế cơ sở. Theo kế hoạch, sớm nhất thì đến năm 2016 nhà máy mới hoàn thành giai đoạn 1 có công suất 610.000 m3/ngày và đến 2025 hoàn thành giai đoạn 2 có công suất 800.000 m3/ngày.

Như vậy, DA VSMT giai đoạn 1 dù có xong cuối năm 2011 theo đúng kế hoạch thì việc thu gom và xử lý nước thải cũng chỉ dừng ở bước pha loãng trước khi xả ra sông Sài Gòn. Ngay từ giai đoạn thiết kế DA, nhiều chuyên gia đã cho rằng việc xử lý nước thải bằng phương án pha loãng chẳng qua cũng chỉ là chuyển ô nhiễm từ chỗ này sang chỗ khác, tức nước thải vốn xả thẳng vào kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè gây ô nhiễm thì nay sẽ cho ra sông Sài Gòn.

Ngập nặng liên tiếp trên diện rộng

Ghi nhận mới nhất từ 3 cơn mưa chiều 5, 6 và 7.11 cho thấy, hàng loạt tuyến đường ở các quận trung tâm và ven trung tâm TP.HCM đều ngập sâu, dù hệ thống thoát nước tại khu vực này đã được lắp đặt gần hoàn chỉnh. Trong đó, các đường Bùi Hữu Nghĩa, Ngô Tất Tố, Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh)... nước ngập sâu hơn nửa mét. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) cũng ngập nặng, đặc biệt một số hẻm cuối đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (gần kênh Thanh Đa) nước dâng cao đến 1m. Tương tự, đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu), Phan Đình Phùng, Ba Tháng Hai, Điện Biên Phủ, quốc lộ 13… nước ngập lênh láng, trắng xóa. Trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, xe cộ “bơi” giữa biển nước mênh mông, nhiều đoạn ngập hơn 1m.

Tại khu vực trung tâm Q.1, đường Nguyễn Thái Học, Cô Bắc, Nguyễn Khắc Nhu, Đề Thám… nước dâng khá cao. Dọc đường Bến Phú Định và Nguyễn Ngọc Cung (Q.8), nước từ kênh Tàu Hủ tràn qua đường vào nhà dân. Ở nhiều khu vực khác như đường Gia Phú (Q.6), vòng xoay Cây Gõ (Q.11,) vòng xoay Hùng Vương - Châu Văn Liêm (Q.5) trở thành những biển nước mênh mông khi mưa kết hợp với triều cường…

P.T

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.