Thoát khỏi thủ tục trì trệ: TP.HCM rất cần Trung ương tăng cường hỗ trợ

09/10/2019 06:00 GMT+7

Nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh nỗ lực tự thân, TP.HCM rất cần được Trung ương tăng cường hỗ trợ để phát triển mạnh mẽ hơn

Liên quan đến những “nút thắt” mà Thanh Niên phản ánh trong loạt bài Thoát khỏi thủ tục trì trệ đăng các ngày 7, 8.10, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh nỗ lực tự thân, TP.HCM rất cần được Trung ương tăng cường hỗ trợ để phát triển mạnh mẽ hơn.

“Đầu tàu” yếu ảnh hưởng cả đoàn tàu

Khi đề cập đến những “ách tắc hạ tầng”, ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, cho rằng trong nhiều năm qua TP luôn tìm cách vượt qua một thực tế khó khăn “là nhu cầu vốn đầu tư nhiều mà khả năng đáp ứng có hạn”. Điều này dẫn đến cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, phát triển chưa như ý muốn. “TP rất cần Trung ương (T.Ư) tăng cường hỗ trợ, ưu tiên các dự án trọng điểm, bởi nếu đầu tàu kinh tế mà yếu thì khó tăng tốc đoàn tàu”.
Về cơ chế, chính sách, ông Cao Thanh Bình cho rằng T.Ư đã có quan tâm với Nghị quyết 54 của Quốc hội, qua đó tạo thêm điều kiện để TP phát triển, vì TP có đặc thù riêng, được xem là “siêu đô thị”. Tuy nhiên, cần quan tâm nhiều hơn nữa để kịp thời tháo gỡ các rào cản pháp lý phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật mà có những quy định chưa thật sự rõ ràng, còn chồng chéo.
Nêu ý kiến về “nỗi sợ vô hình” sau một số vụ thanh tra, kiểm tra, truy cứu trách nhiệm hình sự về công tác quản lý nhà nước đối với đất đai, khiến nhiều thủ tục, dự án bị “đứng bánh”, ông Bình cho rằng: “Đó không phải là vấn đề chính trong sự chùn bước của TP. Nhiều vấn đề luật đã rõ, không làm theo luật là không đúng. Tâm thế là phải giải quyết, làm đúng thì cứ làm, chứ đừng vin vào lý do đó (sợ thanh tra, kiểm tra, truy trách nhiệm - PV) mà gây chậm trễ”.
Thoát khỏi thủ tục trì trệ: TP.HCM rất cần Trung ương tăng cường hỗ trợ1

Thiếu hụt nguồn lực đầu tư khiến TP.HCM ngày càng đối mặt áp lực căng thẳng về kẹt xe, ngập nước

Ảnh: Ngọc Dương

Đừng làm vì lợi ích riêng

Trong khi đó, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết thời gian qua TP có những biến động, khó khăn, thậm chí một số sai phạm của lãnh đạo TP đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, tăng trưởng của TP trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, nếu nhìn thấu đáo thì đây cũng là vấn đề bình thường trong quá trình phát triển của TP. Tức là sự phát triển không thể mãi một đường thẳng theo hướng đi lên mà có lúc phải đi xuống, thậm chí là thất bại.
Theo ông Trực, dù trong khó khăn nhưng có thể thấy TP vẫn rất năng động và tìm cách xoay xở dù rằng sự xoay xở, năng động đó phải trải qua những quy trình kiểm tra, cơ chế và chính sách chặt chẽ hơn. “Tôi ví dụ một công trình được người dân cả nước và TP quan tâm là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Với công trình này, tôi thấy TP xoay xở dữ lắm, thậm chí dám chịu trách nhiệm ứng tiền ra để công trình tiếp tục được triển khai. TP cũng điều động Giám đốc Sở GTVT qua làm Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị để thúc đẩy dự án này”, ông Trực nói.
Ông Trực cho rằng dù TP đã cố gắng thúc đẩy và xoay xở, nhưng đến nay dự án metro số 1 vẫn “giậm chân tại chỗ” vì thiếu vốn và những cơ chế, chính sách mà tự TP không thể quyết định được. Do đó, trong những khó khăn của TP hôm nay cần có sự phối hợp của cơ quan, bộ ngành T.Ư để cùng nhau tháo gỡ. Ngoài ra, để thúc đẩy sự phát triển, xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, thì T.Ư cần tập trung nhiều nguồn đầu tư cho TP hơn nữa, nhất là tập trung vào cơ chế, chính sách và nguồn vốn phát triển...
Nhớ lại thời gian làm Phó chủ tịch UBND TP.HCM (phụ trách đầu tư nước ngoài, ngoại thương) những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Phạm Chánh Trực cho hay đó là thời gian đất nước mở cửa, hội nhập, tạo cho TP nhiều thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách và khó khăn, nhất là liên quan đến công tác điều hành. “Điển hình nhất là khi TP có chủ trương xây dựng Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận. Đây là KCX đầu tiên của cả nước nên chưa có nhiều quy định pháp luật liên quan, TP phải cử người sang Cao Hùng (Đài Loan) học tập mô hình, vừa làm vừa dò dẫm. Sau này TP là nơi đề xuất quy định về xây dựng quy định KCX, khu công nghiệp nhân rộng khắp cả nước”, ông Trực nói.
“Tôi nghiệm lại thấy khi đó anh em làm việc không vì lợi ích riêng mà tập trung vào quyền lợi chung của TP, của người dân. Chính vì vậy nên mỗi khi gặp khó khăn cần sự đồng lòng của tập thể rất dễ giải quyết”, ông Trực đúc kết.

Nên tăng tỷ lệ giữ lại ngân sách ?

Liên quan đến kiến nghị của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân về việc tăng thêm cho TP 2% tổng thu ngân sách trên địa bàn để tập trung đầu tư hạ tầng kết nối vùng, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ giữ lại ngân sách trên tổng nguồn thu hằng năm của TP.HCM không thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Tài chính. Theo quy trình, TP.HCM sẽ làm đề xuất, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến, sau đó trình ra Quốc hội tiếp tục thảo luận, bỏ phiếu thống nhất.
Theo lãnh đạo này, tại kỳ họp Quốc hội 14 diễn ra năm 2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết, theo đó vẫn “chốt” tỷ lệ này là 18%, dù TP.HCM tha thiết đề xuất tăng thêm.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết hiện ngoài nguồn vốn ngân sách được giữ lại theo tỷ lệ 18%, TP được hưởng khá nhiều cơ chế đặc thù trong huy động vốn. Cụ thể, TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho TP vay lại... Đáng chú ý, ngân sách TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc T.Ư quản lý trên địa bàn TP (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng KT-XH thuộc nhiệm vụ đầu tư công. Bên cạnh đó, ngân sách TP được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP quản lý và sử dụng nguồn thu này để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH.
Chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, trong suốt nhiều năm qua TP.HCM vốn được ví như đầu tàu kinh tế của cả nước, trung tâm phát triển, song tình trạng tắc nghẽn diễn ra vô cùng nghiêm trọng. Nguyên nhân có nhiều, từ giải phóng mặt bằng, thủ tục, năng lực đầu tư hạn chế... nhưng cũng xuất phát từ việc TP thiếu nguồn vốn tương xứng. Tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TP.HCM hiện nay ở mức thấp nhất cả nước, cụ thể: TP.HCM 18%, Hà Nội 35%, Bình Dương 36%, Đồng Nai 47%, Quảng Ninh 65%... “TP.HCM cũng có thể đi vay, phát hành trái phiếu, lấy tiền từ cổ phần hóa, thu phí và lệ phí… nhưng những nguồn này có lẽ không thấm vào đâu cả. Do đó, việc xem xét để lại cho TP.HCM một tỷ lệ ngân sách thu hằng năm cao hơn 18% năm cũng cần phải được xem xét thêm”, ông Long đề xuất.
Có sự mất cân đối tài chính nghiêm trọng
TS Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright) cho rằng bình quân mỗi người dân TP.HCM đóng góp vào ngân sách cả nước cao gần gấp 3 lần bình quân của cả nước, nhưng chi ngân sách chỉ bằng 53% bình quân của cả nước. Nếu tính dân số trên thực tế khoảng 14%, thì con số còn thấp hơn rất nhiều. Khi tính toán theo số chi tại các địa phương và dân số thực tế, thì TP.HCM bằng chưa đến 80% bình quân của cả nước.
Giai đoạn đầu thập niên 1980, TP.HCM được giữ lại hơn 40% nguồn thu ngân sách, nhưng tỷ lệ này giảm xuống quanh mốc 30% vào đầu thập niên 1990. Đến nay thì chỉ còn 18%. Chi ngân sách của TP trong những năm gần đây vào khoảng 7 - 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), tức chỉ bằng 1/3 Thượng Hải, Bắc Kinh và bằng một nửa so với Hà Nội hay Singapore. Như vậy, có sự mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Từ đó dẫn đến việc TP khó có cơ sở để phát triển bền vững, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và cơ hội phát triển thịnh vượng của TP.HCM nói riêng và cả đất nước nói chung.
Tiêu Phong
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.