Thiếu úy công an tử vong vì ngộ độc ma túy: Giới chuyên môn nói gì?

16/08/2018 19:01 GMT+7

Liên quan đến vụ thiếu úy công an tử vong vì ngộ độc ma túy, giới chuyên môn giải thích thêm về liều lượng ngộ độc ma túy dẫn đến tử vong.

Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 14.8, gia đình thiếu úy Nguyễn Đức Đạt bức xúc phản ánh tới Báo Thanh Niên cho rằng do sự thờ ơ, tắc trách của bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long khiến thiếu úy Đạt tử vong.
Bà Trần Thị Xuân Tươi (mẹ thiếu úy Đạt, ngụ P.9, TP.Vĩnh Long) kể tối 13.7, Đạt cùng đồng đội vây bắt các tụ điểm mua bán ma túy tại xã Long Phước, H.Long Hồ. Tại một tụ điểm, trong quá trình vây bắt các nghi phạm đưa lên xe về trụ sở công an xã làm việc, do khát nước nên khi thấy ca nước tại nhà nghi phạm, thiếu úy Đạt đã uống.
Trên đường về trụ sở Công an xã Long Phước, thiếu úy Đạt có biểu hiện khó chịu nên kêu đồng đội còng tay mình lại do lo sợ không kiểm soát được hành vi, sau đó báo gia đình Đạt biết để cùng đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Cũng theo bà Tươi, khi vào BVĐK tỉnh Vĩnh Long, gia đình năn nỉ nhờ cấp cứu nhưng bác sĩ tại đây cho biết phải đưa qua BV Tâm thần nên gia đình phải làm theo. Đến khi chở đến BV Tâm thần thì thiếu úy Đạt đã ngưng thở, gia đình chở ngược lại BVĐK tỉnh Vĩnh Long thì thiếu úy Đạt tử vong.
Theo báo cáo của BVĐK tỉnh Vĩnh Long gửi Sở Y tế, lúc 23 giờ 52 ngày 13.7, BV tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Đức Đạt trong tình trạng kích động, la hét, hoảng loạn. Điều dưỡng tiếp nhận cố định tay bệnh nhân vào giường. Bác sĩ trực nhận định đây là một tình trạng rối loạn hành vi, biểu hiện của bệnh lý tâm thần cấp tính và giải thích với người nhà BV không có chuyên khoa sâu tâm thần nên đề nghị đưa bệnh nhân đến BV Tâm thần. Trong lúc bác sĩ vào phòng làm giấy chuyển viện thì bệnh nhân tự đứng dậy rời khỏi BV cùng với người nhà lúc 23 giờ 59.
ngo_doc_ma_tuy
Bằng khen của thiếu úy Đạt Ảnh: Gia đình cung cấp
Còn theo báo cáo của BV Tâm thần, lúc 0 giờ 15 phút ngày 14.7, bệnh nhân Đạt nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, mất ý thức, da tím tái, thở ngáp, đồng tử giãn. Khoảng 1 giờ hồi sức tích cực, bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở và tử vong. Đến khoảng 1 giờ 34 ngày 14.7, bệnh nhân trở lại nhập viện ở BVĐK tỉnh Vĩnh Long trong tình trạng ngừng hô hấp tuần hoàn, tím tái toàn thân, mạch, huyết áp bằng 0, đồng tử hai bên giãn to 4 mm, không phản xạ ánh sáng, ECG đẳng điện. Hồi sức tích cực không hiệu quả, bệnh nhân tử vong. Chẩn đoán bệnh nhân chết trước khi vào viện chưa rõ nguyên nhân.
Theo Công an tỉnh Vĩnh Long, kết quả giám định chất lỏng mà thiếu úy Đạt uống trong ca tại nhà một nghi phạm mua bán ma túy là methamphetamine (ma túy đá) thể tích 500 ml, khối lượng methamphetamine còn lại trong 500 ml là hơn 10 gr. Công an xác định nguyên nhân tử vong của thiếu úy Đạt là do ngộ độc methamphetamine.
Trao đổi qua điện thoại với PV Thanh Niên vào chiều 16.8, một nguồn tin cho biết trong ca nước mà thiếu úy Đạt uống tại hiện trường còn có 2 túi ni lông nhỏ.
Cùng ngày, trao đổi với PV Thanh Niên, một bác sĩ chuyên khoa tâm thần, BV Tâm thần TP.HCM, cho biết với methamphetamine (ma túy đá) liều gây tử vong (lethal dose) được trang website y khoa PubMed (một cơ sở dữ liệu miễn phí truy cập chủ yếu qua cơ sở dữ liệu Medline về các tài liệu tham khảo và tóm tắt về các chủ đề khoa học đời sống và y sinh học uy tín của Mỹ - PV) tính như sau: Nếu đốt và hít trực tiếp (cách mà những người chơi ma túy thường sử dụng) là 50 gr, đường tiêm là 100 gr, đường uống là từ 150 - 200 gr.
Cũng theo bác sĩ nói trên, sở dĩ đường hít liều thấp nhất vì ma túy đi trực tiếp luôn và không bị hủy ở gan trong. Như trường hợp thiếu úy công an Nguyễn Đức Đạt Long là đường uống thì ít nhất nạn nhân đã uống phải 150 gr ma túy đá.
Một người bị ngộ độc thuốc này sẽ rơi vào tình trạng bức rức, kích động, nhưng sau đó là vật vã vì bắt đầu ảnh hưởng lên tuần hoàn và hô hấp, tim đập nhanh, nhịp thở nhanh và thân nhiệt tăng (sốt), huyết áp tăng đồng tử (con ngươi) giãn nở. Nặng hơn thì người bệnh không còn kích động mà bắt đầu mê sảng, đổ nhiều mồ hôi. Đây là tất cả triệu chứng mà y khoa gọi là “cường giao cảm. Chỉ trừ heroin là có chất đối kháng, các loại ma túy khác thì không có chất đối kháng. Trong trường hợp bị ngộ độc methamphetamine thì không có thuốc giải độc đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng, duy trì chức năng sống cho người bị ngộ độc như tuần hoàn và hô hấp, chờ chất độc từ từ loại ra khỏi cơ thể nạn nhân.
Sáng 16.8, ông Trần Văn Út, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết vừa nhận được công văn của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về việc khẩn trương xác minh thông tin báo chí đã nêu, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan vụ thiếu úy Nguyễn Đức Đạt tử vong.
Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh khẩn trương xác minh thông tin mà báo chí nêu. Nghiêm khắc xử lý các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành.
Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng yêu cầu báo cáo về Cục trước ngày 23.8 và công khai thông tin cho các cơ quan truyền thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.