Thiệt hại hơn 310 tỉ đồng tại VCB Tây Đô: Nguyên giám đốc chịu trách nhiệm chính

Mai Trâm
Mai Trâm
06/05/2021 13:15 GMT+7

Liên quan đến vụ án hình sự vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra tại VCB Tây Đô, có 15 bị can bị truy tố.

Ngày 6.5, tin từ Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an cho biết đơn vị vừa chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và kết luận điều tra sang Viện KSND tối cao (Vụ 1) đề nghị truy tố 15 bị can liên quan đến vụ án hình sự Nguyễn Minh Chuyển cùng đồng phạm phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô).
Các bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Minh Chuyển (nguyên Giám đốc VCB Tây Đô), Trần Anh Huy (nguyên Trưởng phòng tín dụng VCB Tây Đô), Nguyễn Hữu Nghĩa (nguyên cán bộ tín dụng), Phạm Văn Trí, Đỗ Bảo Phương Quế, Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Công Trừng, Lê Tùng Huy, Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Trịnh Minh Tú, Nguyễn Thanh Hùng, Võ Vũ Bình, Trang Hồng Sơn, Võ Hoàng Thám, Cao Hoàng Thám.

Chuyển tội danh nhẹ hơn cho hầu hết các bị can

Kết luận điều tra (KLĐT) cũng cho biết trước đó đã chuyển tội danh nhẹ hơn đối với một số bị can từ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gồm: Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Công Trừng, Nguyễn Thanh Hùng, Trịnh Minh Tú, Võ Vũ Bình, Trang Hồng Sơn, Võ Hoàng Thám, Lê Tùng Huy, Nguyễn Thị Tuyết Trinh.
Riêng Đỗ Bảo Phương Quế được chuyển tội danh từ tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng sang tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đồng thời công bố thêm quyết định khởi tố bị can ngày 13.4.2021 của Cơ quan ANĐT đối với Phạm Văn Trí về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Xác định thiệt hại ít hơn nhiều so với KLĐT ban đầu

Theo KLĐT, ngày 19.1.2015, VCB Việt Nam có văn bản đề nghị Bộ Công an xác minh, làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của 4 nhóm khách hàng doanh nghiệp (DN) vay vốn tại VCB Tây Đô, gồm: Nam Sông Hậu, Trường Nguyên, Thép Đông Dương, An Đô.
Ngày 5.3.2015, Ngân hàng Nhà nước VN - Chi nhánh TP.Cần Thơ có quyết định thanh tra về chất lượng tín dụng tại VCB Tây Đô. Ngày 7.7.2015, đoàn thanh tra có kết luận thanh tra, đồng thời đề nghị chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra để làm rõ những hành vi vi phạm đối với 5 công ty, 11 cá nhân thuộc 6 nhóm khách hàng. Cụ thể, nhóm Nam Sông lậu có 14 công ty và 1 cá nhân; nhóm Trường Nguyên có 7 công ty và 1 cá nhân; nhóm An Đô có 9 công ty; nhóm Cơ khí Tây Đô có 7 công ty, 6 cá nhân; nhóm Thép Đông Dương có 5 công ty và 2 cá nhân; nhóm Du lịch Đại Dương có 3 công ty và 1 cá nhân với tổng nợ gốc khó thu hồi, có khả năng mất vốn là 3.063 tỉ đồng (chiếm 67,13% dư nợ) và lãi quá hạn chưa thu 101 tỉ đồng.
Ngoài ra, trong 45 công ty mà kết luận thanh tra chỉ ra, có 42 công ty thuộc 6 nhóm khách hàng nêu trên liên quan đến các khoản dư nợ tại VCB Tây Đô. Theo kết quả điều tra, ban đầu khi vay vốn, các DN thực hiện đúng quy định, sử dụng tiền đúng mục đích kinh doanh, trả nợ gốc và lãi đúng hạn. Từ năm 2011 đến tháng 12.2014, các DN thuộc 2 nhóm An Đô và Trường Nguyên làm ăn thua lỗ, không có tiền trả nợ gốc và lãi nên đề nghị Nguyễn Minh Chuyển cho khoanh nợ, giãn nợ, bán tài sản để trả nợ.
Do sợ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến việc xếp hạng tín dụng của VCB Tây Đô và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cá nhân và biết việc “đảo nợ” chưa có quy định hình thức xử lý cụ thể nên Chuyển đề nghị Nguyễn Hùng Cường (em ruột Chuyển) - chủ nhóm khách hàng Nam Sông Hậu - hỗ trợ nhận nợ nhóm khách hàng Trường Nguyên, do Lê Tùng Huy làm chủ. Đồng thời, Chuyển đề nghị Cường và Lê Tùng Huy, Nguyễn Thanh Hùng lập thêm công ty hoặc sử dụng công ty chưa vay vốn tại VCB Tây Đô để giải quyết cho vay, sử dụng tiền vay trả nợ cho hợp đồng cũ (thực chất là đảo nợ) và một phần cho DN sử dụng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Án sơ thẩm tháng 6.2019, TAND TP.Cần Thơ tuyên phạt Nguyễn Minh Chuyển 20 năm tù, Trần Anh Huy 18 năm tù, Nguyễn Hữu Nghĩa 1 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng.

Nhóm các DN (nguyên các giám đốc) gồm: Nguyễn Thanh Hùng 20 năm tù, Nguyễn Hùng Cường 19 năm tù, Võ Vũ Bình 18 năm tù, Cao Hoàng Thám 12 năm tù; Trịnh Minh Tú, Nguyễn Công Trừng, Trang Hồng Sơn, Võ Hoàng Thám mỗi bị cáo 7 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời buộc các bị cáo trên trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt và thanh toán lãi phát sinh đối với các hợp đồng tín dụng đã ký đến ngày khởi tố vụ án (1.6.2015) với số tiền 2.500 tỉ đồng.

Sau khi tuyên án sơ thẩm, có 10/11 bị cáo kháng cáo; trong đó 9 bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 5.11.2019, sau hơn 1 ngày xét xử phúc thẩm tại TP.Cần Thơ, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại từ đầu.

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, mặc dù đại diện VKS cấp cao giữ quyền công tố đã nêu quan điểm, bác toàn bộ kháng cáo của 9 bị cáo (chỉ đề nghị giảm 1 năm tù cho 1 bị cáo nhóm DN) và đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm về tội danh của các bị cáo nhưng không được HĐXX chấp nhận.

Nguyên Giám đốc Nguyễn Minh Chuyển chịu trách nhiệm chính

Nguyễn Minh Chuyển đã có hành vi chỉ đạo Hội đồng tín dụng cơ sở (HĐTDCS), Phòng khách hàng VCB Tây Đô chấm điểm xếp hạng tín dụng không đúng quy định, lập khống biên bản họp HĐTDCS, không kiểm tra DN sau giải ngân, lập khống biên bản kiểm tra đơn vị để 42 DN thuộc 6 nhóm khách hàng nêu trên vay vốn tai VCB Tây Đô. Tính đến ngày 1.6.2015 (thời điểm khởi tố vụ án), 6 nhóm khách hàng còn dư nợ gốc và lãi quá hạn với số tiền hơn 2.609 tỉ đồng.
Cụ thể, VCB Tây Đô giải ngân theo 56 hợp đồng tín dụng thể hiện trên 983 giấy nhận nợ với số tiền hơn 2.697 tỉ đồng. Trong đó, VCB Tây Đô và các nhóm khách hàng sử dụng hơn 2.386 tỉ đồng để trả cho các khoản vay cũ (trả nợ cho các hợp đồng cũ) và cho khách hàng rút ra hơn 310 tỉ đồng từ 40 hợp đồng tín dụng phục vụ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đến nay không thu hồi được.
Cơ quan ANĐT cũng xác định, do VCB Tây Đô và các nhóm khách hàng đã sử dụng số tiền hơn 2.386 tỉ đồng để trả nợ gốc và lãi cho các hợp đồng cũ của chính các nhóm khách hàng tại VCB Tây Đô. Tiền chưa ra khỏi VCB Tây Đô nên VCB không bị thiệt hại số tiền này. Do đó, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định hành vi này không vi phạm pháp luật hình sự.
Đối với số tiền hơn 310 tỉ đồng mà các DN rút ra theo chỉ đạo cho vay sai quy định của Nguyễn Minh Chuyển, VCB Tây Đô không kiểm soát được dòng tiền sau giải ngân, do vậy VCB đã bị thiệt hại số tiền này.
Đồng thời, Cơ quan ANĐT Bộ Công an cũng xác định số tiền hơn 310 tỉ đồng là hậu quả thiệt hại do Nguyễn Minh Chuyển, Trần Anh Huy và các đồng phạm đã có hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây ra cho VCB Tây Đô.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.