'Thiệt hại gần 1.700 tỉ đồng tại BHXH Việt Nam': Giảm án cho nhiều bị cáo

Thái Sơn
Thái Sơn
22/02/2020 07:28 GMT+7

Các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Ngoài ra, BHXH Việt Nam xác nhận thời kỳ các bị cáo Hồng và Ban làm giám đốc đã đem lại lợi nhuận lớn… Từ đó, tòa phúc thẩm quyết định giảm án cho một số bị cáo.

Ngày 21.2, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm đối với 5 bị cáo về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại gần 1.700 tỉ đồng tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Huy Ban, cựu Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, 12 năm tù (sơ thẩm 14 năm tù); bị cáo Lê Bạch Hồng, cựu Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cựu Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, 5 năm 3 tháng tù (sơ thẩm 6 năm tù); bị cáo Hoàng Hà, cựu Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp, Ban Kế hoạch - tài chính BHXH Việt Nam, 4 năm tù (sơ thẩm 7 năm tù). HĐXX bác kháng cáo và giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Phước Tường, cựu Kế toán trưởng BHXH Việt Nam và Trần Tiến Vỹ, cựu Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp thuộc Ban Kế hoạch - tài chính, BHXH Việt Nam, cùng 3 năm tù. Về dân sự, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên Agribank và các bị cáo phải liên đới bồi thường cho BHXH Việt Nam số tiền thiệt hại trong vụ án.
Phiên xét xử phúc thẩm được mở từ ngày 19.2. Trước tòa, 5 bị cáo kháng án đều thừa nhận có tội nhưng không chấp nhận tội danh cố ý làm trái mà là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (có mức án nhẹ hơn).
Tuy nhiên, HĐXX xác định, trong vụ án, các bị cáo Lê Bạch Hồng và Nguyễn Huy Ban với cương vị Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, bắt buộc phải biết hành vi cho Công ty cho thuê tài chính 2 (ALC II) vay tiền là sai đối tượng và trái quy định. Trong đó, bị cáo Nguyễn Huy Ban được xác định giữ vai trò chính, là người đầu tiên quyết định cho ALC II vay vốn. Bị cáo Lê Bạch Hồng giữ vai trò thứ hai khi ký một số hợp đồng cho doanh nghiệp thuộc Agribank vay vốn trái quy định.
Tuy nhiên, các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo… Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn xác nhận thời kỳ các bị cáo Hồng và Ban làm giám đốc đã đem lại lợi nhuận lớn… Từ đó, tòa phúc thẩm quyết định giảm án cho một số bị cáo.
Theo cáo trạng, từ tháng 4.2008 - 8.2009, BHXH Việt Nam đã ký 14 hợp đồng cho ALC II thuộc Agribank vay vốn từ Quỹ BHXH với tổng số tiền 1.010 tỉ đồng trái với quy định của luật BHXH. Từ tháng 7.2018, TAND TP.HCM tuyên bố ALC II phá sản. Số tiền ALC II còn nợ BHXH Việt Nam nhưng không còn khả năng thanh toán là 1.697 tỉ đồng, gồm hơn 769 tỉ đồng tiền gốc và hơn 928 tỉ đồng tiền lãi.
Bị cáo Nguyễn Huy Ban đã ký 11 hợp đồng cho ALC II vay 630 tỉ đồng, gây thiệt hại nhà nước hơn 1.263 tỉ đồng. Bị cáo Lê Bạch Hồng ký 3 hợp đồng cho ALC II vay vốn, trong đó có 1 hợp đồng ngắn hạn đã được tất toán, 2 hợp đồng với số tiền 180 tỉ đồng sai đối tượng, gây thiệt hại nhà nước 434 tỉ đồng.
Các bị cáo Nguyễn Phước Tường, Hoàng Hà và Trần Tiến Vỹ có vai trò tham mưu, trình để bị cáo Ban và Hồng ký các hợp đồng cho vay trái quy định và gây ra thiệt hại nêu trên.
Trong vụ án này, Vũ Quốc Hảo, cựu Tổng giám đốc ALC II, có vai trò đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, Vũ Quốc Hảo và một số người khác đã bị xét xử trong một số vụ án tại ALC II, trong đó Hảo đã 2 lần bị tuyên phạt án tử hình về tội tham ô tài sản nên không đề cập xử lý tại vụ án này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.