Thi hành án làm sai, tiền đâu bồi thường?

Thi hành án làm không đúng trách nhiệm dẫn đến người dân bị thiệt hại và kiện đòi bồi thường. Tòa xử tuyên thi hành án thua kiện buộc phải bồi thường cho người bị thiệt hại, tiền đâu để cơ quan này bồi thường?

Thi hành án tắc trách
Ngày 29.8, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, đã y án sơ thẩm, tuyên buộc Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) H.Bình Chánh (TP.HCM) phải nộp gần 277 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền sử dụng đất cho Chi cục Thuế H.Bình Chánh, để nguyên đơn là ông Phạm Đức Duy được cấp giấy chủ quyền nhà đất. Nguyên nhân sau khi ông Duy mua nhà đất E13/5A ở ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh từ năm 2010 theo hình thức bán đấu giá, đã nộp đủ số tiền 1,16 tỉ đồng, nhưng vì Chi cục THADS H.Bình Chánh chi trả hết số tiền bán đấu giá cho người được thi hành án, không giữ một khoản tiền để thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ tài sản cũ nên ông Duy không được UBND H.Bình Chánh cấp sổ hồng.

tin liên quan

Xử đi xử lại vụ “biệt thự ngàn lượng”
Theo hồ sơ vụ kiện, căn biệt thự 36 Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM) có diện tích hơn 500 m2 thuộc quyền quản lý của nhà nước, được giao cho gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Tao ở từ năm 1975. Đến năm 1999, bà Tao bán căn nhà này cho bà Dương Thị Bạch Diệp với giá 900 lượng vàng. Sau khi ký hợp đồng, bà Diệp đặt cọc 410 lượng SJC.

Tháng 6.2017, TAND TP.HCM cũng tuyên buộc Cục THADS TP.HCM cùng Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM (trung tâm) liên đới bồi thường cho ông Hoàng Ngọc Tài, người mua trúng đấu giá tài sản là biệt thự 36 Nguyễn Thị Diệu, P.6, Q.3 (TP.HCM) số tiền hơn 6 tỉ đồng do chậm giao nhà trúng đấu giá. Trước đó, ngày 16.5.2006, ông Tài mua trúng đấu giá căn nhà trên với giá 3.505 lượng vàng SJC. Ngày 23.5.2006 ông Tài nộp đủ vàng vào trung tâm nhưng chờ mãi không được thi hành án giao nhà nên tháng 6.2012, ông khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng bán đấu giá và đòi bồi thường thiệt hại.
Hay trường hợp Chi cục THADS H.Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) phải có nghĩa vụ thi hành án hơn 100 triệu đồng cho ông Trang Thanh Bình, bà Hồ Thị Đẻn vì ông bà này đã mua trúng đấu giá tài sản từ thi hành án nhưng không được sử dụng. Vụ án này được TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm, tuyên án từ tháng 10.2016 nhưng đến nay Chi cục THADS H.Châu Thành vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ với lý do không thu hồi được số tiền bán đấu giá để trả về lại ông Bình, bà Đẻn.
Cố tình kéo dài thời gian
Tháng 7 vừa qua, tại một hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức, các chuyên gia pháp luật cũng như cán bộ ngành thi hành án thừa nhận, từ khi bản án, quyết định có hiệu lực đến khi thi hành án xong là cả một quá trình gian nan, thông thường phải từ 18 tháng trở lên. Có trường hợp thi hành án cố tình kéo dài thời gian gây bức xúc cho đương sự.
Tại một cuộc họp giữa Cục THADS TP.HCM và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tháng 7.2017, đại diện Ngân hàng TM TNHH MTV dầu khí toàn cầu phản ánh trường hợp Chi cục THADS Q.9 đã bán đấu giá thành một tài sản, người mua trúng đấu giá đã nộp tiền từ cuối tháng 5.2017 nhưng đã 2 tháng trôi qua phía thi hành án vẫn chưa giao tiền cho ngân hàng (trong khi quy định chỉ có 10 ngày). Đại diện Chi cục THADS Q.9 cho hay do chi cục trưởng bệnh nên chưa làm thủ tục chuyển tiền cho ngân hàng (!).
Truy trách nhiệm cá nhân
Những thiệt hại kiểu tương tự như trên không thuộc các trường hợp bồi thường theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Chi cục trưởng Chi cục THADS H.Bình Chánh Đỗ Huy Du cho biết, ngay khi nhận được bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM, chi cục sẽ xin ý kiến lãnh đạo Cục THADS TP.HCM về nguồn tiền để nộp cho Chi cục Thuế H.Bình Chánh như tòa đã tuyên, để ông Duy không phải chờ đợi thêm; còn việc thu hồi nguồn tiền do chấp hành viên làm sai sẽ xử lý sau.
Phó cục trưởng Cục Công tác phía nam (Bộ Tư pháp) Trần Hoài Phú nhận định, dù chưa có quy định nào về nguồn tài chính trong trường hợp thi hành án phải có nghĩa vụ bồi thường, nhưng khi bản án có hiệu lực buộc thi hành án thực hiện nghĩa vụ thì cơ quan này phải có trách nhiệm thi hành ngay để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. “Cơ quan thi hành án không thể cho rằng không có tài sản, nguồn tài chính để chậm việc thi hành án. Nếu nơi làm sai không có nguồn tài chính dự phòng thì phải xin ngân sách của cơ quan thi hành án cấp trên để có nguồn tiền chi trả, bồi thường. Sau đó mới quay lại việc thu hồi nguồn tiền đã chi trả cũng như quy trách nhiệm cá nhân trong nội bộ ngành”, ông Phú nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.