Theo chân giám đốc công ty 'ma' đi... trình báo công ty 'ma'

Trác Rin
Trác Rin
13/04/2021 06:16 GMT+7

Nhận đơn cầu cứu của nạn nhân bỗng phát hiện mình làm giám đốc công ty 'ma', PV Thanh Niên trực tiếp theo chân 'giám đốc' này, để ghi nhận cách tiếp nhận, xử lý công ty 'ma' của các cơ quan chức năng liên quan.

Báo Thanh Niên lại nhận đơn cầu cứu của nạn nhân bỗng phát hiện mình làm giám đốc công ty 'ma'. PV Thanh Niên trực tiếp theo chân “giám đốc” này, để ghi nhận cách tiếp nhận, xử lý công ty “ma” của các cơ quan chức năng liên quan.
Thanh Niên đã có nhiều loạt bài liên quan đến tình trạng đối tượng xấu lập công ty “ma”, nhưng sử dụng giấy chứng minh nhân dân (CMND) của một người không liên quan đứng tên giám đốc, đại diện pháp luật. Các cơ quan chức năng liên quan sau đó khẳng định sẽ tăng cường hậu kiểm để xử lý các công ty “ma”. Thế nhưng, PV ghi nhận thực tế vẫn chưa cơ quan nào “chịu” đứng ra xử lý!

Anh giáo viên “được” làm giám đốc

Sau khi đọc những bài viết liên quan đến vấn nạn công ty “ma” trên Thanh Niên, anh L.M.H (33 tuổi, quê Đồng Nai, tạm trú Q.12, TP.HCM), có đơn cầu cứu gửi đến tòa soạn, vì anh cũng mới phát hiện mình bỗng dưng làm giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng vận tải Bảo Ấn (viết tắt Công ty Bảo Ấn).
Anh H. cho biết đầu tháng 3 vừa qua, anh tra mã số thuế thu nhập cá nhân để làm hồ sơ thuế (anh H. là giáo viên), thì phát hiện có người sử dụng giấy CMND của anh đăng ký thành lập công ty. Ngày 5.3, anh H. làm đơn trình báo gửi Sở KH-ĐT TP.HCM; đồng thời mong muốn sở này sẽ hướng dẫn thủ tục, giải pháp để xử lý việc này.
Ngày 29.3, Sở có văn bản trả lời đơn của anh H., trong đó trích dẫn lại các nghị định, điều luật khẳng định Sở cấp phép đúng quy định. “Căn cứ quy định tại bộ luật Tố tụng dân sự, bộ luật Tố tụng hình sự, trường hợp của ông L.M.H có cơ sở xác định cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông, ông có thể tham khảo các quy định nêu trên và liên hệ cơ quan có thẩm quyền để được xem xét giải quyết theo quy định”, trích nội dung văn bản Sở KH-ĐT TP.HCM trả lời anh H.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Công ty Bảo Ấn thành lập ngày 5.7.2018. Địa chỉ trụ sở chính: 30/4 đường số 49, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM). Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc là ông L.M.H, số CMND cấp ngày 17.4.2008. Công ty này đăng ký 32 ngành nghề kinh doanh, ngành nghề chính là “vận tải hàng hóa bằng đường bộ”.
Vốn điều lệ của Công ty Bảo Ấn là 5,8 tỉ đồng. Trong đó, ông L.M.H góp 2,9 tỉ đồng; bà N.T.T.Y (quê Bến Tre) góp 2,9 tỉ đồng. Ngày 5.9.2019, Sở KH-ĐT TP.HCM cấp đăng ký thay đổi cho Công ty Bảo Ấn, mọi thông tin hầu như không thay đổi, riêng ngành nghề kinh doanh tăng thêm 6 (tức có 38 ngành, nghề kinh doanh).
“Năm 2008 tôi bị mất giấy CMND, tôi đã xin cấp lại giấy CMND mới (do Công an tỉnh Đồng Nai cấp ngày 29.10.2009). Tôi đi dạy học lương có bao nhiêu đâu mà tự nhiên làm giám đốc, còn có thêm mấy tỉ đồng góp vốn nữa”, anh H. nói.
Theo chân giám đốc công ty 'ma' đi... trình báo công ty 'ma'1

Địa chỉ công ty “ma” là một tiệm sửa xe

Qua tìm hiểu thông tin trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), PV ghi nhận, Chi cục Thuế Q.Thủ Đức (vẫn giữ nguyên sau khi hình thành TP.Thủ Đức) là đơn vị đóng thuế của Công ty Bảo Ấn. Hiện công ty này đã ngừng hoạt động, nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.

Cơ quan nào xử lý ?

Vì Sở KH-ĐT TP.HCM trả lời phải liên hệ “các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định”, ngày 8.4, anh H. xin nhà trường (nơi đang làm việc) nghỉ dạy một buổi để đi trình báo, tố cáo Công ty Bảo Ấn vô cớ lấy tên anh làm giám đốc.
“Tôi muốn khóa mã số thuế vì công ty này mạo danh tôi, và muốn biết công ty có nợ thuế không?”, anh H. trao đổi với cán bộ Chi cục Thuế Q.Thủ Đức, vị cán bộ này trả lời: “Người ta đã nộp hồ sơ giải thể, tạm khóa công ty này rồi. Còn vụ giả mạo thông tin cá nhân của anh để thành lập công ty, bên Sở KH-ĐT TP.HCM tiếp nhận, cấp giấy phép, bên thuế không làm khâu này. Về khai báo thuế, công ty này vẫn khai báo thuế đầy đủ”.
Sau khi xem đơn khiếu nại và văn bản trả lời của Sở KH-ĐT TP.HCM gửi cho anh H., một cán bộ Chi cục Thuế Q.Thủ Đức “hiến kế”: “Anh phải làm đơn… kiện Sở, để họ giải quyết, sau đó họ mới chuyển cho cơ quan công an xử lý. Làm đơn trình báo thì họ… không giải quyết là phải rồi”. Vị cán bộ này cho rằng, nơi nào cấp thì nơi đó có trách nhiệm xử lý, bên thuế không xử lý được trường hợp này. Trách nhiệm của Sở phải đi xác minh hoặc có văn bản đề nghị công an phối hợp xác minh. “Đừng kiếm thuế, đừng kiếm công an, mà kiếm ngay Sở KH-ĐT TP.HCM, vì chính sở này cấp giấy phép”, vị cán bộ này hướng dẫn.
Sau đó, anh H. đến trụ sở Công an TP.Thủ Đức để gửi đơn trình báo, thì được cán bộ trực ban hướng dẫn đến Công an P.Hiệp Bình Chánh, nơi có trụ sở công ty để trình báo, rồi phường sẽ chuyển lên cho đơn vị xử lý.
Làm theo hướng dẫn, anh H. đến Công an P.Hiệp Bình Chánh trình báo sự việc. Sau khi nghe anh H. trình bày, cán bộ công an phường xem qua một số giấy tờ, nhận định: “Trong nội dung trả lời cho anh, Sở KH-ĐT TP.HCM chẳng nói cơ quan nào, ai sẽ giải quyết… Trong khi Sở này cấp phép, nhưng lại không hướng dẫn cho người dân đơn vị nào giải quyết, vậy thẩm quyền xử lý là ai?”. Vị cán bộ công an này cho rằng, giờ tìm ra nơi giải quyết việc này mới là quan trọng.
“Sở dựa vào quy định để nói không có trách nhiệm xác minh sự việc là không đúng. Cho đăng ký đại trà thì phải có biện pháp xử lý cho người ta chứ. Giờ nếu muốn, phường chỉ giúp anh khâu xuống kiểm tra địa chỉ công ty này thôi”, cán bộ Công an P.Hiệp Bình Chánh nói và nói anh H. phải lên Sở KH-ĐT TP.HCM giải quyết.

Hướng dẫn kiện... công ty “ma” (!)

Làm theo hướng dẫn, chiều 8.4, anh H. đến Sở KH-ĐT TP.HCM đề nghị xử lý vụ việc. Một cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT TP.HCM) trả lời: “Cái thứ nhất là bên Sở đã trả lời (văn bản trả lời anh H. ngày 29.3) đúng quy định. Thứ hai là có gì anh liên hệ cơ quan công an để xác minh bị giả mạo thông tin. Còn muốn dừng hoạt động của công ty, phải cơ quan công an, tòa án… mới đề nghị được, cá nhân không đề nghị được”.
Anh H. nói “phía công an cho biết phải có văn bản từ Sở đề nghị xác minh mới xử lý” và đề nghị được cung cấp hồ sơ Công ty Bảo Ấn, thì cán bộ Sở lại nói: “Chỉ có cơ quan công an, tòa án và viện kiểm sát đề nghị thì Sở mới cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan. Tụi tôi làm theo quy định pháp luật. Anh phải cung cấp giấy tờ chứng minh công ty này giả mạo anh, bên Sở mới làm văn bản phối hợp với công an”.
“Vậy cuối cùng tôi phải tìm cơ quan nào giải quyết?”, anh H. nản lòng. “Giờ có 2 cách, một là gửi đơn, kiện công ty giả mạo anh đến tòa án, để tòa xem xét, tuyên hồ sơ đó là giả mạo. Khi Sở nhận được kết luận của tòa mới có cơ sở ngăn chặn công ty này hoạt động. Hai là gửi đơn cho công an điều tra, xác minh”, cán bộ Sở KH-ĐT TP.HCM “chốt” phương án giải quyết. Nghe vậy, anh H. thở dài ra về, vì công an không nhận đơn, kiện thì chẳng biết kiện ai vì công ty “ma” do chính anh đứng tên...
Trong quá trình ghi nhận thực tế tại các cơ quan chức năng, PV nhận thấy nhiều cán bộ liên quan đều nhìn nhận lỗ hổng trong khâu cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Việc “mở cửa” đăng ký kinh doanh vô tình tạo điều kiện cho nhiều đối tượng xấu lập công ty “ma” gây hệ lụy đến nhiều cá nhân như Thanh Niên đã phản ánh.

“Tự nhiên đến nhà tôi treo bảng hiệu”

Sau khi tìm đến địa chỉ Công ty Bảo Ấn, chúng tôi phát hiện ra đó là... tiệm sửa xe. Nhưng cửa đóng kín mít nên không biết liên hệ ai để làm rõ. Gọi điện thoại cho chủ nhà, người này khẳng định: “Trước đây tự nhiên có ai đến địa chỉ nhà tôi treo bảng hiệu Công ty Bảo Ấn. Trong khi gia đình tôi chẳng biết đến công ty này. Sau đó tôi gỡ bảng hiệu và đến UBND P.Hiệp Bình Chánh trình báo công ty “ma” này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.