Thêm nhiều quyền lợi bảo vệ phụ nữ tại nơi làm việc từ năm 2021

Thu Hằng
Thu Hằng
08/03/2021 07:00 GMT+7

Vừa “giỏi việc việc nước”, vừa “đảm việc nhà”, gánh nặng “kép” dồn hết lên vai phụ nữ Việt Nam . Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ năm 2021 đã bổ sung nhiều chính sách nhằm bảo vệ lao động nữ tại nơi làm việc.

Thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu

Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ trong vấn đề bình đẳng giới, song giữa lao động nam và lao động nữ trong nền kinh tế thị trường vẫn còn nhiều khoảng trống. Một trong những điểm mới đáng chú ý của bộ luật Lao động mới là giảm khoảng cách tuổi nghỉ hưu của lao động nam và lao động nữ.
Trước đây, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và của nữ là 55, khoảng cách tuổi nghỉ hưu cách nhau 5 năm dẫn đến thiệt thòi cho người phụ nữ về thu nhập; lương hưu của nữ chỉ bằng 84% nam giới, thu nhập của lao động nữ thấp hơn nam khoảng 15%. Thu nhập của nữ giới luôn thấp hơn nam giới, vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội của nữ giới ngắn hơn nam giới 5 năm.
Vì vậy, từ năm 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi 3 tháng; và 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Thay vì khoảng cách tuổi nghỉ hưu của 2 giới là 5 năm, theo bộ luật Lao động 2019, khoảng cách đã giảm xuống còn 2 tuổi.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự tương thích với các Công ước quốc tế VN đã tham gia như: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế.

Không được sa thải lao động nữ khi mang thai

Quy định về bảo vệ thai sản cho lao động nữ được quy định chi tiết hơn về quyền lợi và lợi ích tại điều 137. Đây là một trong những điểm mới nổi bật trong bộ luật Lao động 2019.
Theo đó, trường hợp lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn, hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích. Thời gian thực hiện cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động đang mang thai và nuôi con nhỏ (trừ trường hợp người sử dụng lao động bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc UBND cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật).
Đồng thời, trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.
Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày. Nếu ở xa nơi khám bệnh mà có bệnh lý hoặc thai không bình thường, thai phụ được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám.
Đặc biệt, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian “đèn đỏ” và 60 phút/ngày để vắt sữa cho con bú

Theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực từ 1.2.2021, lao động nữ đến ngày "đèn đỏ" được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tính vào giờ làm việc và hưởng nguyên lương. Số ngày có thời gian nghỉ do chủ sử dụng lao động và NLĐ thỏa thuận, nhưng tối thiểu 3 ngày làm việc mỗi tháng.
Thời điểm nghỉ từng tháng do lao động nữ chủ động thông báo tới chủ sử dụng. Nếu lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn, thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp.
Trong trường hợp lao động nữ vẫn làm việc bình thường, sẽ được trả thêm tiền lương cho công việc đã làm trong ngày "đèn đỏ". Khoản này sẽ nằm ngoài lương và không tính vào thời giờ làm thêm.
Theo Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB-XH, số lương trả thêm được tính theo 30 phút mỗi ngày nhân với số ngày không nghỉ. Nếu tháng đó lao động nữ không nghỉ thì tiền lương được tính là 1,5 tiếng của ngày làm việc bình thường.
Ngoài ra, Nghị định cũng hướng dẫn trong thời gian lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi sẽ được nghỉ mỗi ngày 60 phút để cho con bú, vắt sữa, nghỉ ngơi. Thời gian này được tính vào giờ làm việc, hưởng nguyên lương. Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Nếu lao động nữ không có nhu cầu nghỉ ngơi trong thời gian này, ngoài tiền lương, sẽ được trả thêm một khoản theo công việc mà người đó đã làm trong thời gian được nghỉ.
Ngoài các quy định trên, bộ luật Lao động 2019 còn bổ sung quy định người sử dụng lao động được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với NLĐ có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, đặc biệt là lao động nữ.
Như vậy, bộ luật Lao động sửa đổi hướng tới đảm bảo cho gần một nửa lực lượng lao động của Việt Nam là nữ giới có thể nhận được thành quả xứng đáng cho những đóng góp của mình, thông qua giải quyết các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.