Thêm điểm sạt lở, Hòa Bình lại sơ tán dân

02/08/2018 04:51 GMT+7

Ngoài vụ sạt lở tại P.Đồng Tiến (TP.Hòa Bình) khiến nhiều nhà dân sập đổ xuống sông Đà, tỉnh Hòa Bình đang đối mặt một vụ sạt lở nghiêm trọng khác xảy ra tại thôn Máy Giấy (xã Dân Hạ, H.Kỳ Sơn), cùng trên hạ lưu sông Đà.

[VIDEO] Xót xa nhà tiền tỉ tụt xuống sông Đà sau sạt lở đất
Sơ tán cả người sống lẫn người chết
Sáng 1.8, toàn bộ tài sản của gia đình ông Hà Văn Vinh (ngụ thôn Máy Giấy) được công an, dân quân giúp tháo gỡ, di chuyển đến dãy nhà xưởng của Công ty bột giấy Hòa Bình cách xa khu vực sạt lở gần 1 km. Đây là hộ dân cuối cùng được chính quyền địa phương yêu cầu sơ tán triệt để cả người và tài sản khỏi vùng sạt lở ở thôn Máy Giấy.
Ông Vinh bần thần đi lại khắp các phòng với tâm trạng nuối tiếc, rồi cùng người dân địa phương cẩn thận gỡ chiếc ti vi để mang đến nơi ở tạm. Vụ sạt lở xảy ra khi cả hai vợ chồng ông đều đi làm xa. Vợ đang là lao động xuất khẩu ở Malaysia, còn ông làm bảo vệ ở Hà Nội. “Vợ chồng tôi gửi các con ở với ông bà nội ngay gần nhà, cũng nằm trong vùng sạt lở. Khi nghe tin, tôi tức tốc đón xe về, đến nơi thì thấy nhà ông bà đã được sơ tán an toàn”, ông Vinh kể.
Dân quân giúp gia đình ông Hà Văn Vinh sơ tán tài sản ngày 1.8
Khu nhà ông Vinh nằm bên ta luy dương của tỉnh lộ 445, ngay phía sau nhà đã xuất hiện nhiều vết lún nứt sau trận mưa dai dẳng kéo dài liên tục gần 10 ngày. Cách đó khoảng vài mét, bùn đất vẫn tiếp tục chảy xệ tràn xuống mặt đường, trôi ra sông Đà. Còn ở phía đối diện nhà ông Vinh, 3 nhà dân khác cũng xiêu vẹo khi ta luy âm đang bị kéo tụt về phía bờ sông Đà. Theo UBND xã Dân Hạ, ngoài 8 hộ dân đã sơ tán thì 15 hộ khác nằm trong vùng ảnh hưởng sạt lở cũng phải di dời trong những ngày tới.
Trao đổi với PV Thanh Niên tại hiện trường, ông Nguyễn Mạnh Sáu, Chủ tịch UBND xã Dân Hạ, cho biết đã bố trí xong chỗ ở tạm cho người dân, nhưng vết sạt lở phần ta luy dương chỉ cách nghĩa trang thôn Máy Giấy khoảng 3 m, nơi đang có trên 100 phần mộ. “Không chỉ lo phương án bố trí tái định cư cho người dân, chúng tôi cùng lúc phải lên phương án di chuyển khẩn cấp 20 phần mộ có nguy cơ sẽ trôi theo sạt lở đất”, ông Sáu nói.
Đường giao thông ven sông Đà về Hà Nội bị cắt đứt
Tỉnh lộ 445 với điểm bắt đầu từ trung tâm H.Kỳ Sơn (Hòa Bình) men theo sông Đà là tuyến giao thông huyết mạch kết nối nhiều xã tại huyện miền núi này về phía H.Ba Vì và TX.Sơn Tây (Hà Nội), nhưng đã bị cắt đứt nhiều ngày qua do hơn 100 m đường qua địa bàn thôn Máy Giấy bị lún, nứt kéo dài. Ngoài những vết nứt rộng toác đã tụt sâu so với nền đường cũ, vẫn đang xuất hiện các vết rạn mới.
Nhà dân nghiêng, nứt tại thôn Máy Giấy
Theo ông Nguyễn Mạnh Sáu, những vết sạt lở đầu tiên được phát hiện trong ngày 30.7. Sau mỗi giờ quan trắc, nền đường tiếp tục lún về phía sông Đà ít là 0,5 cm, nhiều là đến vài centimet. Hôm qua 1.8, vị trí lún sâu nhất đã hơn 60 cm, chỗ ít cũng 20 cm. Chính quyền địa phương đã cho dựng rào chắn và cử dân quân thay nhau cảnh giới, không cho người dân qua lại. UBND tỉnh Hòa Bình đánh giá các vết lún nứt tại thôn Máy Giấy tạo thành một khu vực rộng 300 m2, đang có nguy cơ trượt xuống sông Đà, gây ách tắc toàn bộ giao thông khu vực này trên tỉnh lộ 445.
Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng tại khu vực tổ 26, P.Đồng Tiến (TP.Hòa Bình) và tỉnh lộ 445 qua xã Dân Hạ (H.Kỳ Sơn), trong ngày 1.8, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức họp khẩn để chỉ đạo công tác khắc phục, ứng phó. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Quốc Toản, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, cho biết ở các điểm sạt lở nói trên, đoàn công tác của Bộ TN-MT phối hợp với Sở TN-MT tỉnh, Công ty thủy điện Hòa Bình và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã cử đoàn khảo sát đo đạc để vẽ địa hình lòng sông Đà, làm cơ sở đưa ra các biện pháp khắc phục triệt để trong những ngày tới.
Xuất hiện "hố tử thần" tại vùng lũ Hà Nội
Chiều 1.8, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết đêm 31.7 và ngày 1.8, nhiều khu vực ở Bắc bộ vẫn có mưa rào và giông trên diện rộng, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp. Trong đó, tại Ngân Sơn (Bắc Kạn) mưa 44 mm, Hiệp Hòa (Bắc Giang) 32 mm, Chí Linh (Hải Dương) 46 mm và Cúc Phương (Ninh Bình) 32 mm. Trong ngày 2.8, các tỉnh Bắc bộ vẫn còn có mưa vừa và rải rác có giông. Vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, trong cơn giông khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Các tỉnh Sơn La, Quảng Ninh và Hòa Bình vẫn có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất; Ninh Bình và Hà Nội có nguy cơ ngập úng ở vùng trũng thấp.
Trong khi đó, ông Trịnh Viết Quang, Phó chánh văn phòng HĐND, UBND H.Chương Mỹ (Hà Nội), cho biết đến chiều tối qua nước tiếp tục rút nhưng rất chậm, dù trời không có mưa. Lúc 17 giờ cùng ngày, mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt đo được là 7,22 m, giảm 0,3 m so với lúc đỉnh điểm.
Tuy đê tả Bùi đã an toàn, nhưng nhiều xã của H.Chương Mỹ vẫn tiếp tục ngập sâu. Mưa ngập không những khiến đời sống của người dân rất khó khăn vì thiếu các tiện ích sinh hoạt tối thiểu, phải chịu đựng mùi hôi thối do rác, xác động vật chết, mà còn đối mặt với những sự cố khó lường. Đơn cử, ngày 31.7, tại xã Thủy Xuân Tiên đã xảy ra hiện tượng sụt lún: một hố sâu khoảng 2,5 m, rộng khoảng 3 m xuất hiện trước nhà ông Nguyễn Văn Viên tại tổ 10, thôn Xuân Trung, đe dọa an toàn của 3 ngôi nhà. Các hộ dân trên đã được chính quyền vận động sơ tán, đưa tài sản và người đến nơi an toàn. Trong chiều 1.8, H.Chương Mỹ cũng đề nghị Sở Xây dựng TP về thẩm định và các cơ quan liên quan của huyện hỗ trợ về kỹ thuật để sớm khắc phục “hố tử thần” này.
Phan Hậu - Vũ Hân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.