Thêm 300 người Trung Quốc vào ‘khu vực nhạy cảm’ ở Đà Nẵng

17/11/2015 07:15 GMT+7

UBND TP.Đà Nẵng vừa có quyết định cho phép Công ty TNHH Sichuan Huashi Trung Quốc đưa 300 người vào làm việc tại công trường thi công khách sạn 5 sao JW Marriott (đường Võ Nguyên Giáp, P.Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn).

UBND TP.Đà Nẵng vừa có quyết định cho phép Công ty TNHH Sichuan Huashi Trung Quốc đưa 300 người vào làm việc tại công trường thi công khách sạn 5 sao JW Marriott (đường Võ Nguyên Giáp, P.Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn).

Dự án JW Marriott được cho là chậm tiến độ khiến nhà thầu TQ điều chuyển 300 lao động vào để phục vụ thi công - Ảnh: Hoàng SơnDự án JW Marriott được cho là chậm tiến độ khiến nhà thầu TQ điều chuyển 300 lao động vào để phục vụ thi công - Ảnh: Hoàng Sơn
Số lượng “lớn chưa từng có”
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng, dự án khách sạn JW Marriott (chủ đầu tư là Công ty TNHH đầu tư và phát triển Silver Shores) đang chậm tiến độ nên nhà thầu đã đề nghị TP cho phép tăng thêm 650 lao động, trong đó 350 lao động tuyển trong nước, còn lại là “lao động kỹ thuật” sẽ được điều chuyển từ công ty mẹ (đóng tại Tứ Xuyên, Trung Quốc) sang Đà Nẵng để phục vụ thi công.
Số lao động này làm việc từ tháng 10.2015 đến tháng 10.2017. Nhà thầu cũng đưa ra một số nguyên nhân để đưa lao động Trung Quốc (TQ) sang là do công trình đang chậm tiến độ, kéo theo việc sẽ không kịp phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra vào năm 2017; nhân viên quản lý và thiết kế là người nước ngoài, ngôn ngữ bất đồng nên giao tiếp với người bản địa khó khăn; công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp nên phần lớn lao động VN không thích ứng được dẫn đến hiệu quả công việc thấp và lại bận việc đồng áng, nghỉ phép nhiều...
Tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mở rộng diễn ra cuối tháng 9.2015 cũng đã “nóng” lên với tình trạng người Trung Quốc “núp bóng” mua các dự án ven biển. Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT, đã thẳng thắn thừa nhận chuyện mua bán đất ven biển, nhất là tại khu vực đối diện với Crowne Plaza Đà Nẵng (tiếp giáp với Sân bay Nước Mặn - PV) là vấn đề “hết sức nhạy cảm về an ninh”, nên TP.Đà Nẵng hết sức thận trọng trong việc cấp phép đầu tư, xây dựng. Thời điểm đó, ông Trần Thọ đang còn giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã nhấn mạnh: “Đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm, phải đặc biệt lưu tâm. Công an thành phố cũng cần phối hợp, làm sao đảm bảo đúng luật, nhưng vẫn phải hạn chế cho được tình trạng này”.
Ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng, cho biết trước khi trình UBND TP phê duyệt, Sở đã có kiểm tra chi tiết và nhận thấy nhu cầu hoàn toàn chính đáng. “300 người TQ sẽ vào Đà Nẵng lần lượt chứ không vào ồ ạt một lần. Vào bao nhiêu thì phải xin giấy phép lao động bấy nhiêu, theo quy định hiện hành... Quan điểm của Sở cũng như Chủ tịch UBND TP là tạo điều kiện làm việc cho nhà thầu nhưng cũng thận trọng, giám sát”, ông An nói.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng, hiện trên địa bàn TP có tổng cộng 276 lao động TQ đang làm việc với những vị trí khác nhau. Riêng công trường thi công dự án JW Marriott hiện có khoảng 60 - 70 lao động TQ. Với số lượng 300 lao động TQ sắp được đưa vào, ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng), nói “số lượng lớn như thế là chưa từng có”.
“Có đảm bảo an ninh không?”
Việc cấp phép đối với lao động TQ đã nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến trái chiều. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, bày tỏ: “Theo tôi, phải tận dụng lao động trong nước, không có lý do gì mà đơn vị này nói không tuyển được lao động địa phương. Họ tuyển lúc nào, tiêu chuẩn ra sao? Chỉ khi không giải quyết được trong nước, ngay tại TP này thì mới tuyển lao động nước ngoài. Còn tiếng Trung thì chỉ cần bố trí phiên dịch, mà thật ra người thợ làm đâu có đối thoại với ông thiết kế làm gì, cho nên lấy tiêu chuẩn không biết tiếng Trung là không đúng. Đây là khu vực nhạy cảm nên phải rất, rất hạn chế. Cần lưu ý đây là công trình phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh APEC, họ làm như thế có đảm bảo về an ninh không?”.
Ông Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Đà Nẵng, thành viên Ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng, cho rằng: “Cấm thì không được nên chỉ có quản lý như thế nào cho chặt chẽ. Vị trí Sân bay Nước Mặn, dọc bờ biển là quan trọng hết chứ không chỉ riêng chỗ đó (công trình khách sạn JW Marriott - PV), giờ mở cửa làm ăn rồi thì mình phải cảnh giác chứ không nên cấm. Vừa qua Ban Pháp chế cũng đã đặt vấn đề chất vấn công an, quân sự, biên phòng trong việc kiểm soát đối với lao động nước ngoài này, họ làm gì mình phải biết”. 
Công an phường khó tiếp cận, kiểm tra
Cũng tại công trình này cách đây hơn 2 tháng, lực lượng chức năng Q.Ngũ Hành Sơn và Quản lý xuất nhập cảnh đã phát hiện 64 lao động là người TQ làm “chui”, sử dụng hộ chiếu du lịch. Một cán bộ P.Khuê Mỹ cho PV Thanh Niên biết, để tiến hành kiểm tra tình trạng sử dụng lao động và các vấn đề liên quan tại công trường của nhà thầu Sichuan Huashi là điều không dễ, thậm chí công an phường rất khó tiếp cận mà chỉ có công an quận mới thực hiện được.
H.S
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.