Thế mạnh của những người đại diện cử tri

21/05/2016 06:57 GMT+7

Cách đây tròn 6 năm, những ai theo dõi sát sao các kỳ họp Quốc hội đều không thể bỏ qua sự kiện chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam đến phút cuối đã không được Quốc hội phê chuẩn.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội (QH) khóa 12, Chính phủ đã trình dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam xin QH chủ trương đầu tư. Trong bối cảnh nợ công tăng cao, có nguy cơ vượt “trần”, dư luận lúc đó lo lắng việc đầu tư dự án ngốn 56 tỉ USD này sẽ khiến nợ quốc gia thêm nặng gánh. Ý kiến của cử tri đã được nhiều đại biểu (ĐB) QH chuyển tải trong các phiên thảo luận với nhiều tình huống đặt ra: từ nguồn kinh phí thực hiện, hiệu quả đầu tư, đến khả năng thu hồi vốn, trả nợ...
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, sau nhiều phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ QH đã chuẩn bị dự thảo Nghị quyết để trình QH thông qua. Lúc đầu, dự thảo Nghị quyết có 2 nội dung chính là yêu cầu Chính phủ rà soát lại toàn bộ hệ thống đường giao thông Bắc - Nam, trên cơ sở đó cho làm thí điểm một trong hai đoạn Hà Nội - Vinh, hoặc TP.HCM - Nha Trang. Kết quả thế nào sẽ báo cáo QH quyết định chủ trương đầu tư toàn tuyến sau.
Bức thư tay gửi Chủ tịch QH
Khi đưa dự thảo ra thăm dò, có trên 300 ĐBQH tán thành. Nhưng sau đó, không rõ có sức ép thế nào, dự thảo Nghị quyết lại được bổ sung nội dung: “QH nhất trí tán thành chủ trương đầu tư làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam” (?!). Nhiều ĐB khi nhận dự thảo mới đã không đồng tình. Nhận thấy điều này, GS Thuyết đã nói sẽ thay mặt các ĐBQH cùng quan điểm viết thư gửi Chủ tịch QH đề nghị thảo luận lại. Vào thời điểm đó, ông Thuyết đang giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH. Bức thư gửi Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng được GS Thuyết soạn ngay tại chỗ, trong đó nói rõ dự thảo trước đó xin ý kiến ĐB đã được phần lớn đồng ý, giờ thêm một điều như thế này phải thảo luận lại. “Khi tôi đưa thư, anh Trọng nhận rất vui vẻ”, ông Thuyết kể.
Tuy nhiên, khi quay về chỗ ngồi, GS Thuyết chợt nghĩ: Chủ tịch QH bận đủ việc, nếu không nói cụ thể nội dung gì thì có thể tuần sau Chủ tịch mới đọc, thế thì “hỏng việc”, nên ông quay lại trình bày ngay nội dung lá thư. “Lúc tôi nói, bên cạnh anh Trọng là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Huỳnh Đảm, ngồi dưới nữa là các Phó chủ tịch QH; tất cả đều nghe tôi nói rất rõ. Mọi người rất ngạc nhiên”, GS Thuyết nhớ lại.
Theo thông lệ, khi ĐB đã có kiến nghị, Chủ tịch QH phải đưa ra Ủy ban Thường vụ QH bàn. GS Thuyết kể, rất may là đa số Ủy viên Thường vụ ủng hộ đề xuất của ông về việc phải đưa cả hai phương án để biểu quyết, chứ không thể đương nhiên sửa dự thảo đã trình QH. Ngày 19.6.2010, QH tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Cả 2 phương án dự thảo Nghị quyết đều không nhận được sự đồng tình quá bán để được thông qua. “Chính nhờ đưa 2 phương án mà cả 2 phương án đều hỏng”, GS Thuyết nhận xét.
Theo GS Thuyết, sở dĩ dự án này QH “bác” được, một phần là do T.Ư, Bộ Chính trị chưa ra Nghị quyết. Điều này có lẽ xuất phát từ kinh nghiệm thảo luận, thông qua Nghị quyết về dự án mở rộng Hà Nội. Mặc dù khi thảo luận, rất nhiều ĐB không tán thành dự án này và khi bỏ phiếu thăm dò, số phiếu ủng hộ và bác bỏ dự án ngang nhau (đều là 226 ĐB) nhưng do trước đó, T.Ư đã ra Nghị quyết tán thành nên Đảng đoàn phải lãnh đạo QH biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành là 92,9%.
Chất vấn thẳng thắn
Theo GS Thuyết, trong thực tế, có nhiều ĐBQH không dám nêu chính kiến của mình. Nguyên nhân là họ ngại va chạm hoặc không biết “quyền lực” của mình đến đâu. Ngược lại, những ĐBQH được người dân nhớ đến và trông đợi ở từng nhiệm kỳ, từng sự kiện là những ĐB mạnh mẽ, dấn thân, vì nắm vững quyền hạn, chức trách của những người đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân.
GS Thuyết đặc biệt ấn tượng với ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, là một trong số ít ĐB có tính chuyên nghiệp cao. GS Thuyết nhớ lại: “Trong dịp đánh giá 5 năm thực hiện Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, anh Trân gửi thư đến 27 bộ ngành yêu cầu báo cáo kết quả. Chỉ là bức thư từ một ĐBQH, không có con dấu, nhưng 27 bộ đều có văn bản trả lời. Điều này cho thấy “quyền lực” của ĐQBH lớn đến đâu. Tôi trộm nghĩ: Nghe tên anh Trân, chắc các bộ cũng “hãi”, vì anh ấy có thể đứng giữa QH kê tên từng bộ không trả lời yêu cầu của ĐB. Tại kỳ họp 5.2006, ĐB Trân khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, đã thẳng thắn đề nghị Bộ trưởng giải trình rõ một số vấn đề trước khi rời Bộ Tài chính để nhận trách nhiệm mới (Phó thủ tướng). “Anh Trân còn nói trước hội trường: Việc Bộ trưởng sau đây có được QH tín nhiệm bầu vào vị trí Phó thủ tướng hay không phụ thuộc vào sự giải trình và tinh thần thật sự cầu thị của Bộ trưởng. Ý kiến này của ĐB Trân cũng có ảnh hưởng đến số phiếu bầu cho ông Nguyễn Sinh Hùng sau đó”, GS Thuyết nói.
Một trong những ĐB khác gây ấn tượng là ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa 11 và 12. GS Thuyết vẫn nhớ rõ sự vụ gây sóng gió ở QH diễn ra ngày 19.11.2009 khi ĐB Lê Văn Cuông chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô 5 lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng. Sau “cú” chất vấn này, ông Cuông bị tỉnh Hà Giang phản ứng dữ dội, thậm chí đoàn ĐBQH Hà Giang còn gửi công văn do Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất ký gửi tất cả các đoàn ĐBQH chất vấn ngược ông Cuông về việc bêu xấu lãnh đạo, nói xấu tỉnh Hà Giang và đề nghị xem xét trách nhiệm của ông Cuông. “Nhưng nhiều ĐBQH, trong đó có tôi, ủng hộ anh Cuông vì anh ấy nói thẳng thắn, có cơ sở. Sau này ông Tô cũng đã bị kỷ luật, bãi nhiệm do các sai phạm”, GS Thuyết nói và cho rằng: “Cùng với vai trò cốt yếu của các ĐBQH, đặc biệt là các ĐB giàu trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, thì việc Đảng chủ trương đổi mới, trong đó có đổi mới hoạt động của QH, là yếu tố mang tính chất quyết định thúc đẩy tiến trình dân chủ trong hoạt động của QH. Yêu cầu đổi mới, vì thế, cần phải được tiếp tục và thực hiện triệt để hơn nữa, để QH những khóa tới hoạt động ngày càng dân chủ, hiệu quả, đáp ứng được ngày càng cao nguyện vọng, lợi ích chính đáng của cử tri và nhân dân”.
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.