Thay đổi suy nghĩ

01/12/2014 05:00 GMT+7

Hôm nay (1.12) là ngày “Thế giới phòng chống HIV/AIDS ". Đó cũng là dịp để VN nhìn lại những gì đã làm cũng như chưa làm được trong "cuộc chiến" phòng chống HIV/AIDS với bộn bề cam go khi mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 ca nhiễm HIV mới được phát hiện.

 
Gái mại dâm “di động” tại TP.HCM - Ảnh: N.Phạm

HIV/AIDS vẫn là gánh nặng về bệnh tật cho ngành y tế và cả cho nền kinh tế nước nhà. Sự quay trở lại của đại dịch HIV/AIDS khi mức độ đầu tư cho công tác phòng chống đại dịch trên lại đang giảm xuống khiến nó càng trở nên lo ngại.

Một điều làm chúng ta chẳng vui gì khi bị nằm trong “top 5” của châu Á - Thái Bình Dương vì có số người nhiễm HIV nhiều nhất (chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan) với hơn 220.000 người.

Dịch HIV ở VN vẫn tập trung chủ yếu ở ba nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao, đó là: người nghiện và tiêm chích ma túy; quan hệ tình dục đồng giới nam và phụ nữ bán dâm.

Theo báo cáo, VN đã kiểm soát được tốc độ gia tăng của các ca nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS, nhưng xin đừng vội hài lòng! Bởi đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách quản lý đối với các tác nhân của đại dịch. Chẳng hạn, đối với mại dâm, có thể nên phải tính tới chuyện quản người hành nghề mại dâm, chứ không nên tiếp tục cấm (mà không cấm nổi).

Đầu năm nay, tại một hội nghị ở Quảng Ninh, PGS-TS Chung Á, một cựu quan chức của Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS, cho rằng: "Sở dĩ mại dâm gia tăng, khó kiểm soát, diễn biến phức tạp… là do hoạt động mại dâm ở nước ta không được công nhận. Tuy vậy, hàng loạt các dịch vụ nhạy cảm, có thể là mầm mống liên quan đến mại dâm như karaoke, massage... lại được cấp phép và phát triển rộng rãi". Vẫn lời ông: "Có quy định mới, gái mại dâm khi bị phát hiện không được đưa vào các trung tâm giáo dục mà chỉ xử phạt hành chính, mức phạt cũng quá nhẹ (300.000 đồng - 4 triệu đồng) nên nhiều người quan ngại mại dâm sẽ tràn lan".

Theo báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cả nước hiện có khoảng 32.700 người tham gia hoạt động bán dâm. Vì thế, theo ông Chung Á, cần phải tính đến một cách quản lý khác để ngăn chặn tác hại của việc lây truyền căn bệnh AIDS ra cộng đồng. Đó là phải đưa họ vào những "khu đèn đỏ" cho dễ quản. Không nên né tránh một khi cảm thấy bất lực hoặc kém hiệu quả trong cách quản lý.

Chính vì vậy, có lẽ đã tới lúc nên thay đổi cách làm lâu nay trong công tác bài trừ tệ nạn mại dâm, "cứ cái gì không quản được thì cấm" sang cách làm mới “cứ cái gì không cấm nổi thì nên quản”. Bởi nếu quản tốt, sẽ đỡ nhiều cho xã hội phải lo đối phó với đại dịch HIV/AIDS đang làm hao tốn biết bao ngân sách do dân phải đóng thuế, cũng như tiền của của mỗi nhà sẽ hao tổn khi có người nhiễm căn bệnh trên.

Quốc Phong

>> Mỹ tài trợ dự án kết nối cộng đồng phòng chống HIV tại phía Nam
>> Quảng Nam triển khai 4 dự án phòng chống HIV/AIDS
>> Nhiều bước tiến trong phòng chống HIV
>> Phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng
>> Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.