Thất thoát trong đầu tư xây dựng chưa kiềm chế được

19/11/2015 07:15 GMT+7

Theo sự phân công của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT thay mặt 3 bộ trưởng (gồm Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng) trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) về tình trạng thất thoát, lãng phí.

Theo sự phân công của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT thay mặt 3 bộ trưởng (gồm Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng) trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) về tình trạng thất thoát, lãng phí.

Thất thoát trong đầu tư xây dựng chưa kiềm chế được - Ảnh: Trương Quang NamThất thoát trong đầu tư xây dựng chưa kiềm chế được - Ảnh: Trương Quang Nam
ĐB Phúc hỏi: “Các bộ có thể giúp Chính phủ tính toán định lượng được những thất thoát, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn nhà nước, có thể ước tính được những thất thoát, lãng phí đó chiếm bao nhiêu phần trăm GDP trong nhiệm kỳ QH khóa 13, từ năm 2011 đến nay?”.
Thất thoát ngay từ khâu thẩm định dự án
Theo Bộ trưởng Vinh, việc tính toán định lượng thất thoát, lãng phí là có thể, tuy nhiên khó chính xác vì vấn đề câu hỏi đặt ra rất rộng từ tài nguyên khoáng sản cho đến vốn, nhân lực... Bộ trưởng Vinh thừa nhận thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước còn nghiêm trọng và “đang là hiện tượng chưa kiềm chế được”. QH và Chính phủ làm rất quyết liệt, các địa phương cũng vào cuộc, nhưng thất thoát, lãng phí vẫn còn lớn, không chỉ riêng trong đầu tư xây dựng cơ bản mà kể cả trong các doanh nghiệp nhà nước.
Dẫn chứng vụ việc rút bớt thép trong thi công cầu Bản Phiệt tại QL70, tuyến Hà Nội - Lào Cai, một kỹ sư bị bắt khai rút bớt là do thiết kế thừa, có bị rút cũng không ảnh hưởng. Kỹ sư này khai là do người thiết kế được ăn chia theo tỷ lệ phần trăm của giá trị công trình. Công trình càng lớn thì được hưởng phần trăm càng nhiều.
Theo Bộ trưởng Vinh, tình trạng lãng phí, thất thoát có ngay từ khâu thẩm định dự án chứ không phải chỉ trong thi công. Thất thoát lãng phí còn là chuyện dùng ngân sách nhà nước đi học tập trao đổi kinh nghiệm nước ngoài không hiệu quả, gửi giá trong mua sắm… “Tôi nghĩ đây là vấn đề mà VN cần ngăn chặn. Bởi vì dứt khoát muốn đất nước phát triển, những vấn đề như vậy phải được ngăn chặn”, Bộ trưởng Vinh nói.
Hai bộ đổ qua đổ lại
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) về thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận “thất thoát là có thật và đây là vấn đề hết sức bức xúc”, nhưng “hiện chưa có một số liệu chính xác và chưa nghiên cứu toàn diện về thất thoát trong xây dựng công trình là bao nhiêu phần trăm”.
Theo Bộ trưởng, qua kiểm tra các dự toán ban đầu, các địa phương, các ngành, số liệu báo cáo năm 2013 đã cắt giảm 9,2%, năm 2014 cắt giảm được 5,39% và 9 tháng của 2015 cắt giảm được 5,66% tổng dự toán công trình. Bộ trưởng cũng cho biết, từ 2011 - 2015 Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành 286 đoàn kiểm tra, công bố 267 kết luận và ban hành 189 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, kiến nghị xử lý về kinh tế với số tiền 3.300 tỉ đồng trên tổng mức đầu tư là 82.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, với tổng đầu tư bằng vốn nhà nước mỗi năm chiếm khoảng gần 40% tổng đầu tư xã hội, việc hạn chế thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực này cũng rất lớn.
Về việc thất thoát, lãng phí những công trình đầu tư công, các công trình đã xây dựng xong mà không đưa vào sử dụng được, Bộ trưởng Dũng nói: “Vấn đề này thuộc lĩnh vực của Bộ KH-ĐT. Vì đây là chủ trương đầu tư, công trình xây xong nhưng không có người sử dụng hoặc sử dụng ít, kém hiệu quả”.
Trong phần giải trình, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh thừa nhận quản lý về đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều vấn đề nhưng ông cũng “nói lại một cách đầy đủ” là Bộ KH-ĐT quản lý nhà nước, các bộ chủ quản quản lý công trình, tiêu tiền mới là người phải chịu trách nhiệm quản lý đồng tiền này xem có lãng phí hay không.
“Công trình như anh Mạnh Hùng đoàn Thái Nguyên nói là công trình KTX sinh viên ở Đà Lạt, công trình đó Bộ Xây dựng quản lý là người quản lý, phân bổ, duyệt dự án”, Bộ trưởng Vinh dẫn chứng.
Vụ “bôi trơn” sổ đỏ ở Hà Nội chờ kết luận của Công an
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong cấp sổ đỏ ở Hà Nội, nhất là vụ “bôi trơn” sổ đỏ tại dự án chung cư Mễ Trì Thượng (Q.Nam Từ Liêm), Hapulico (Q.Thanh Xuân) ông từng chất vấn Bộ trưởng Quang cách đây hơn một năm (9.2014) nhưng chưa được trả lời.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, sau khi nhận được câu hỏi của ĐB Cương, Bộ đã làm việc với Sở TN-MT Hà Nội và UBND Q.Nam Từ Liêm, đồng thời Thành ủy, UBND TP.Hà Nội cũng đã chỉ đạo thanh tra cụ thể vụ việc. Theo thông báo của UBND TP.Hà Nội về kết quả thanh tra (27.11.2014) cho thấy có dấu hiệu nhân viên của hai chủ đầu tư hai dự án trên đã yêu cầu một số hộ dân nộp tiền để làm sổ đỏ nhanh.
Về dấu hiệu tiêu cực và xử lý tiêu cực thì UBND TP đã giao Thanh tra TP chuyển toàn bộ tài liệu, đơn thư liên quan, phiếu cung cấp thông tin của các hộ dân và kết quả xác minh của thanh tra cho Công an TP.Hà Nội để điều tra làm rõ, xử lý.
“Hiện nay, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đang điều tra, chưa có kết luận chính thức. Báo cáo ĐB Cương là việc này sẽ chờ kết luận chính thức của Công an TP.Hà Nội”, Bộ trưởng Quang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.