Thanh tra ATTP... qua giấy

11/03/2017 08:12 GMT+7

Qua một năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, phường ở TP.Hà Nội và TP.HCM, không thấy các lỗi vi phạm liên quan đến sử dụng chất cấm, chất phụ gia.

Đây là thông tin đáng chú ý tại Hội nghị tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) cấp quận, phường của TP.Hà Nội và TP.HCM, do Bộ Y tế tổ chức ngày 10.3.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 1 năm triển khai Quyết định 38 của Thủ tướng về thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 2 địa phương trên, đã có 10 quận, huyện và 20 xã, phường triển khai thực hiện. Kết quả, tại Hà Nội, 65 đoàn thanh tra đã thanh tra 3.563 cơ sở, xử lý vi phạm 786 cơ sở, phạt tiền 371 cơ sở, với tổng tiền phạt 1,16 tỉ đồng (so với năm 2015, số cơ sở bị phạt tăng 215 cơ sở, tiền phạt tăng 678 triệu đồng). Tại TP.HCM, 29 đoàn đã thanh tra 3.968 cơ sở, xử lý vi phạm 2.163 cơ sở, phạt tiền 923 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 4,1 tỉ đồng (tăng 580 cơ sở bị phạt, số tiền phạt tăng gần 2,2 tỉ đồng). Các vi phạm bị xử phạt chỉ do các cơ sở không có chứng nhận liên quan hoặc có nhưng đã quá hạn. Về số vụ ngộ độc thực phẩm, trong thời gian thí điểm, chỉ có TP.HCM xảy ra 1 vụ, không có người tử vong.
Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, đánh giá việc thanh tra chuyên đề mới chỉ dừng lại ở các vi phạm chưa có giấy phép, hoặc có giấy phép hết hạn. “Nếu chỉ thanh, kiểm tra mỗi giấy phép, mà lập đoàn 3 - 4 người đi đến các quán ăn, cơ sở kinh doanh thực phẩm ngó nghiêng, kiểm tra, vừa mất thời gian, công sức, vừa tốn tiền bạc. Vì vậy, việc thanh tra phải đi sâu vào thực chất kiểm tra những gì, có dư lượng thuốc, có chất cấm, có nhiễm khuẩn gây ngộ độc hay không...”, ông Cường nói.
Thí điểm... thêm 1 năm
Theo ông Trần Văn Chung - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thời gian tập huấn ngắn, kiến thức và kinh nghiệm hạn chế, nên còn e ngại.
Phó chi cục trưởng Chi cục ATTP TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai thì giải thích: “Do nhân sự đoàn thanh tra chuyên ngành tuyến quận, huyện, phường, xã còn hạn chế, kiêm nhiệm nên thời gian dành cho công tác thanh tra không nhiều. Bên cạnh đó, đa số các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại phường, xã, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thức ăn đường phố thường xuyên biến động, gây khó khăn cho việc thanh tra, xử lý vi phạm hành chính”.
Để có thêm cơ sở thực tiễn đánh giá mô hình này, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết sẽ đề xuất với Chính phủ kéo dài thời gian thí điểm thêm 1 năm nữa. Ngoài tiếp tục mở rộng địa bàn xã, phường, quận, huyện của Hà Nội và TP.HCM để thanh tra, sẽ mở rộng ra 3 thành phố là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 3 tỉnh có văn bản đề nghị được thí điểm là Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Gia Lai. Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương hướng dẫn chi tiết, đánh giá tiêu chí cụ thể về chỉ tiêu đối tượng cỡ mẫu; đồng thời đề xuất mức xử phạt, những hành vi phải đưa vào xử lý hình sự.
Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ KH-CN (Bộ Công thương) cũng đánh giá: “Qua thực tế, việc tranh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, phường chỉ phù hợp với đô thị lớn, giải quyết cơ sở nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, còn các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh lớn không phù hợp. Bộ Y tế nên xem lại việc mở rộng ra các địa phương”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.