Thanh Niên 35 năm phát hành số đầu tiên: Chuyện chưa kể nơi đầu sóng

31/12/2020 05:01 GMT+7

Sau những cuộc điều động tức tốc, các phóng viên thuộc Văn phòng đại diện miền Trung của Báo Thanh Niên lập tức tỏa đi các tỉnh để tác nghiệp chi viện trong thảm họa dồn dập năm 2020 mãi là những kỷ niệm khó quên...

Những cuộc điều động giữa đêm

PV Mạnh Cường nhớ như in khi đang tác nghiệp tại Quảng Nam hồi giữa tháng 10 thì nhận được thông tin lũ lịch sử Quảng Bình, hàng ngàn người kêu cứu và đang cần lực lượng chi viện ra cánh bắc. Không một chút do dự, Mạnh Cường đã nhắn tin xin lãnh đạo Văn phòng đại diện (VPĐD) miền Trung xung phong ra tuyến đầu tiếp ứng cho PV Trương Quang Nam.
Sau vài phút trao đổi, triển khai công việc nhanh gọn qua điện thoại, Cường tức tốc bắt xe từ Quảng Nam ra Quảng Bình, đến H.Lệ Thủy khi trời đã tối mịt. Bấy giờ, lũ đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1979.
Những thông tin về mưa lũ tại Quảng Bình mà PV Mạnh Cường và Trương Quang Nam thực hiện đã phải chật vật lắm mới có thể gửi về để biên tập xử lý, bởi toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc của địa phương bị “ách tắc” do lũ.
Hoàng Sơn - Huy Đạt cũng là đội lính chi viện thiện chiến của VP miền Trung trong các vụ thảm họa thiên tai 2020. Những ngày giữa tháng 10.2020, Hoàng Sơn và Huy Đạt nhận lệnh điều động của VP miền Trung từ Đà Nẵng ra sát cánh cùng PV Bùi Ngọc Long, Đình Toàn tác nghiệp trong vụ thảm họa thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế), nơi liên tiếp sạt lở núi chôn vùi 17 công nhân thủy điện và 13 cán bộ đoàn công tác làm nhiệm vụ cứu nạn.
Những ngày dầm mưa, lội lụt tại Huế tưởng rồi sẽ tạm ổn, lại bị “nối dài” bởi lũ lụt lịch sử ở Quảng Bình và sạt lở liên tiếp ở Quảng Trị. 5 giờ sáng 19.10, từ Thừa Thiên - Huế, Hoàng Sơn - Huy Đạt tiếp tục nhận lệnh điều động di chuyển ra cánh bắc dù kế hoạch theo sát lễ truy điệu 13 cán bộ cứu nạn vụ Rào Trăng 3 đã “chốt” đâu ra đó. “Việc điều động đột xuất và thay đổi liên tục như vậy trong suốt thời gian tác nghiệp bão lũ, vì chúng tôi hiểu rằng, thích ứng diễn biến thảm họa để có những sản phẩm tốt”, Hoàng Sơn tâm sự.
Đặt chân đến TP.Đông Hà (Quảng Trị), Huy Đạt lập tức thuê xe máy để di chuyển đến vùng ngập lụt, cập nhật vụ việc người dân trung tâm thành phố phải ngồi trên nóc nhà cầu cứu suốt đêm. “Nửa buổi sáng, tôi nhận được cuộc điện thoại của Trưởng VPĐD miền Trung báo tin PV Nguyễn Phúc ở Quảng Trị vừa thoát chết trong gang tấc, và dặn dò anh em phải hết sức cẩn thận. Có một khoảng lặng chừng hơn 10 giây, hai chị em không ai nói được thêm câu nào… Nhưng rồi tôi khóa chặt chốt gài áo phao, tiến vào rốn lũ, cập nhật tình hình đời sống bà con vùng rốn lũ ngay trung tâm TP.Đông Hà”, Huy Đạt nhớ lại.
Khi các điểm nóng Quảng Trị và Quảng Bình tạm ổn, nhóm PV được điều động rút về để dưỡng sức sau nhiều ngày “chiến đấu” và có thể lại tiếp tục di chuyển chi viện. Điều không mong muốn đã đến sau đó chừng 1 tuần: Cuồng phong Molave đổ bộ khiến Quảng Nam và Quảng Ngãi tan hoang.
PV Huy Đạt thêm một lần nữa xuyên đêm từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ để cùng PV Mạnh Cường theo chân lực lượng công binh Quân khu 5 mở đường lên xã Trà Leng, H.Nam Trà My (Quảng Nam), lội bộ vượt qua nhiều điểm sạt lở, có những nơi đất đá chờ chực trên đầu và dưới chân bùn lầy ngập đến đầu gối…

Ám ảnh những con số

Không chỉ có PV Huy Đạt chi viện gấp vào phía nam. Cố nuốt miếng cơm sau một ngày mệt nhoài “đeo bám” đưa tin về công tác chống bão số 9 đổ bộ vào Đà Nẵng hôm 28.10.2020, PV Hoàng Sơn nhận được tin báo về vụ sạt lở ở Trà Leng (H.Nam Trà My, Quảng Nam) lúc 21 giờ đêm. Mờ sáng hôm sau, anh cũng xách vali lên đường…

Thành lập Ban chỉ huy tiền phương, chúng tôi xác định nhiệm vụ chông gai sẽ kéo dài với công tác nội dung, hậu cần, cứu trợ xã hội... Và trên hết, không để anh em cảm thấy cô đơn nơi chiến tuyến

Nhà báo Vũ Phương Thảo, Trưởng VPĐD miền Trung

Suốt những ngày ròng rã được điều động tác nghiệp ở Huế, Quảng Trị và bây giờ đến Quảng Nam, những con số về nạn nhân mất tích vừa lạnh lùng vừa ám ảnh. Hoàng Sơn kể, suốt đêm nhận tin dữ Quảng Nam, anh không thể ngủ vì trong đầu cứ hiện lên hình ảnh những người già, phụ nữ vùng cao Nam Trà My, Phước Sơn sống sót đang gào khóc, cố gắng đào bới đất đá để tìm người thân mất tích… Câu chuyện 10 ngày trước đó tái hiện, khi Hoàng Sơn đang tác nghiệp ở Huế, vụ thủy điện Rào Trăng 3. Con số 30 người chết và mất tích những tưởng đã quá sức chịu đựng, lại thêm vụ sạt lở tại H.Hướng Hóa (Quảng Trị), 22 quân nhân bị vùi lấp. Ngay PV Nguyễn Phúc tại Quảng Trị trên đường tiếp cận hiện trường cũng hút chết vì sạt lở núi.
Dù chai lì đến mấy thì lúc đứng giữa vùng thảm họa để truyền tin tức, tận mắt thấy nỗi mất mát của đồng bào, các PV nhiều lúc thấy chông chênh, đứng không vững. Nhưng rồi, họ phải sớm tự “cân bằng” để vượt qua những cảm xúc rất con người đó, lấy lại tỉnh táo để tác nghiệp...
Chuyện chưa kể nơi đầu sóng1

PV Hoàng Sơn tác nghiệp tại hiện trường vụ sạt lở ở Trà Leng (H.Nam Trà My, Quảng Nam)

ẢNH: S.X

Chúng tôi không cô đơn

Ban chỉ huy tiền phương của VPĐD miền Trung thiết lập tại TP.Đông Hà ngay trong sáng 19.10, một điều chưa từng có trong tiền lệ. Trước đó, 23 giờ 30 đêm 18.10, nhà báo Vũ Phương Thảo, Trưởng VPĐD, vừa đưa đoàn cứu trợ “chạy lũ” từ Quảng Trị vào Đà Nẵng để còn kịp cho các chương trình cứu trợ những ngày tiếp ở phía nam. Nhưng 5 rưỡi sáng hôm sau, chị đã tức tốc quay ra lại Quảng Trị để lập Ban chỉ huy tiền phương sau khi nhận hàng loạt tin dữ: sạt lở ở Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 và các huyện miền núi Quảng Trị; lũ dâng lịch sử tại Quảng Bình; tại Huế, việc tìm kiếm Rào Trăng vẫn còn chưa kết thúc và lễ truy điệu cũng đang được tổ chức sáng cùng ngày.
Ngay lập tức, chị Lê Diệu Hiền, Phó trưởng VPĐD, được phân công phụ trách các chuyến hàng cứu trợ cánh Quảng Nam, Quảng Ngãi còn dang dở. Anh Hứa Văn Đông, Phó trưởng VPĐD, tham gia trực nội dung và là cầu nối giữa Ban chỉ huy tiền phương với tòa soạn thông qua các cuộc họp trực tuyến hằng ngày. Mỗi người mỗi việc, khi anh em nơi chiến tuyến vật lộn hiểm nguy tác nghiệp, cứu trợ thì một ê kíp biên tập của VPĐD miền Trung và các phòng, ban tòa soạn luôn hỗ trợ phía sau để Báo Thanh Niên có những sản phẩm chất lượng, những hoạt động thấm đẫm nhân văn, kịp thời nhất. Anh em miền Trung không cảm thấy cô đơn bởi ngay lập tức chúng tôi được tòa soạn hỗ trợ tăng cường thêm người ở các sự kiện phát sinh, rồi các đồng nghiệp ở các VP Nha Trang, Bình Định cũng luôn trong tư thế sẵn sàng...
Những mẩu lương khô cùng nước lọc thất thường ở tuyến đầu hay chén cơm tối nguội lạnh lúc 23 giờ của đội ngũ biên tập đã là “chuyện thường ngày” của anh em VPĐD miền Trung giai đoạn nóng bỏng đó. Nhưng chúng tôi vẫn thấy có nguồn năng lượng dồi dào và luôn tự hào về ngôi nhà chung của mình.
“Hàng loạt sản phẩm chất lượng trên các kênh ấn phẩm Thanh Niên, hàng chục tỉ đồng tiền và hàng cứu trợ đã theo Thanh Niên đến với hàng ngàn hộ dân vùng bão lũ miền Trung ròng rã 3 tháng qua là thực chứng của một cam kết: Thanh Niên xứng đáng là tờ báo của mọi gia đình”, chị Vũ Phương Thảo, Trưởng VPĐD Báo Thanh Niên tại miền Trung, chia sẻ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.