Thẩm quyền của trọng tài thương mại nên mở từ từ

18/01/2010 11:39 GMT+7

(TNO) Sáng 18.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 27, với việc cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự thảo Luật trọng tài thương mại.

Các ủy viên UBTVQH đã làm rõ hơn nữa về phạm vi điều chỉnh của luật. Luật này chỉ giải quyết trong những trường hợp hợp đồng thương mại hay giải quyết cả những tranh chấp dân sự khi các bên có yêu cầu?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đa số các ý kiến phát biểu tại Kỳ họp thứ 6 đều nhất trí cho rằng, luật chỉ giới hạn điều chỉnh trong phạm vi các hoạt động thương mại và có mở rộng thêm các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại và tranh chấp giữa các bên phát sinh không từ hoạt động thương mại nhưng được quy định ở các luật khác (Phương án 1 do ban soạn thảo đề xuất).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận đề nghị mở rộng thẩm quyền của trọng tài thương mại, có thể giải quyết cả những tranh chấp dân sự trong trường hợp các bên có yêu cầu. Ông Thuận lên tiếng: “Trách nhiệm của nhà nước là cung cấp các dịch vụ cho người dân. Tại sao người ta không muốn ra tòa để giải quyết mà cứ bắt họ phải ra tòa?”.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh cho rằng, ông rất muốn mở rộng thẩm quyền của trọng tài thương mại như Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhưng trong bối cảnh hiện tại thì nếu mở rộng như vậy sẽ rất khó khả thi, vì những hạn chế về năng lực của trọng tài. Ông Phạm Quốc Anh đề nghị: “Nên theo phương án 1”.

Ủy viên UBTVQH Trần Thế Vượng góp ý: “Bao nhiêu năm trời, trọng tài thương mại mới giải quyết được 280 vụ, chứng tỏ uy tín của anh chưa đủ để người dân tín nhiệm”. Ông Vượng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay thì tôi tán thành phương án 1, còn sau này uy tín của trọng tài tăng lên thì ta tính tiếp”. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chia sẻ: “Bản thân trọng tài thương mại chưa vươn lên để có niềm tin với công chúng, trao cho trọng tài thương mại thẩm quyền đến đâu phải xuất phát từ thực lực thực tế”. Cả Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên và Uông Chu Lưu đều thống nhất lựa chọn phương án 1.

Trọng tài được chủ động thu thập chứng cứ

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh và Ủy viên UBTVQH Trần Thế Vượng chung quan điểm, nhất thiết phải có quy định về tiêu chuẩn đối với trọng tài viên. Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu tán đồng: “Quy định tiêu chuẩn trọng tài viên, đó là cơ sở để nhà nước quản lý trong vấn đề lựa chọn, thanh tra trọng tài thương mại”.

Dự Luật trọng tài thương mại quy định, Tòa án hỗ trợ Hội đồng trọng tài thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo hiệu lực của các phán quyết trọng tài. Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba cho biết, Thường trực UB này ủng hộ việc tăng cường vị trí, vai trò của Hội đồng trọng tài trong việc chủ động tiến hành thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp. Bà Lê Thị Thu Ba băn khoăn: “Giao cho tòa án nhiều quá, tôi e rằng là khó. Tòa án chỉ nên hỗ trợ thu thập chứng cứ đối với người thứ 3, còn lại là trọng tài tự làm được, như vậy tránh được sự lệ thuộc vào tòa án. Trọng tài có quyền yêu cầu hai bên phải cung cấp chứng cứ, nếu anh không cung cấp chứng cứ thì anh tự bỏ quyền lợi của mình”. 

Tách chức năng làm chủ đầu tư ra khỏi các cơ quan sự nghiệp 

Cùng ngày, UBTVQH đã thảo luận và thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010. Chính phủ đề nghị UBTVQH cho phép bổ sung dự án Luật đầu tư công và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa IX và năm 2010.

Theo Tờ trình của Chính phủ, nguồn vốn đầu tư công hiện nay chiếm tới trên 22% tổng mức đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2000 – 2005 và khoảng trên 20% trong giai đoạn 2006 – 2010. Chính phủ khẳng định: “Việc quản lý và sử dụng có hiệu quả phần vốn đầu tư này là rất quan trọng và cấp thiết”. Nhưng hiện tại lại chưa có một văn bản luật thống nhất về đầu tư công, hoạt động đầu tư bằng nguồn vốn của nhà nước chịu sự điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm khác nhau như Luật xây dựng, Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật đất đai… Từ thực tiễn trên, Chính phủ cho rằng, việc ban hành Luật đầu tư công sẽ bổ sung kịp thời những nội dung phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về đầu tư trong thời gian tới, đồng thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của QH và Chính phủ để thực hiện tăng cường quản lý, chống thất thoát và lãng phí trong đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Theo Bộ Tư pháp, đầu tư công ở đây được hiểu là đầu tư từ nguồn vốn của nhà nước bao gồm từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, Công trái quốc gia và một số nguồn vốn khác của nhà nước chi đầu tư phát triển và sự nghiệp có tính chất đầu tư vào các đối tượng là chương trình, dự án không nhằm mục đích kinh doanh.

Dự luật đầu tư công gồm 8 chương, quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc quản lý đầu tư, kế hoạch đầu tư, theo dõi kiểm tra giám sát đánh giá đầu tư…

Các ý kiến phát biểu đều tán đồng với việc cần thiết phải ban hành Luật đầu tư công.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm: “Theo tờ trình của Chính phủ thì diện đưa ra là hẹp, thiếu hẳn một mảng là lượng tiền của nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước”. Ông Hiển băn khoăn: “Nếu không cẩn thận thì luật này nó là tổng hợp của các luật khác gộp lại”.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, chủ đầu tư công được quy định là các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng vốn đồng thời phải là tổ chức được giao quyền quản lý sử dụng, khai thác dự án. Trong các trường hợp không đáp ứng các điều kiện này thì người có thẩm quyền quyết định đầu tư thành lập đơn vị mới hoặc lựa chọn tổ chức có đủ điều kiện để làm chủ đầu tư. Như vậy, theo nguyên tắc trên, các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư không trực tiếp làm chủ đầu tư trừ dự án xây dựng cơ sở vật chất của cơ quan. Quy định này sẽ đảm bảo tách bạch chức năng quản lý của các cơ quan nhà nước và chức năng quản lý dự án của chủ đầu tư, tránh tình trạng lẫn lộn chức năng ở một số bộ, ngành và địa phương như hiện nay. Trong trường hợp, tổ chức được giao vốn và trực tiếp quản lý sử dụng dự án đầu tư nhưng không có lực lượng chuyên môn đủ năng lực quản lý đầu tư thì cho phép chủ đầu tư ủy thác cho tổ chức khác có đủ điều kiện làm chủ đầu tư. Quy định này áp dụng trước hết đối với chủ đầu tư không có đơn vị có chức năng quản lý thực hiện đầu tư trong cơ cấu bộ máy của cơ quan như các đơn vị sự nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.