Tham nhũng chưa giảm

09/09/2013 02:26 GMT+7

Từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 36 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 4 người bị xử lý hình sự.

Tham nhũng chưa giảm
Các bị cáo trong vụ án tham nhũng liên quan đến đất đai tại Hóc Môn (TP.HCM) đã được đưa ra xét xử - Ảnh: Lê Nga

Đó là con số theo báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 Chính phủ vừa gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phục vụ cho công tác thẩm tra trước khi Ủy ban TVQH cho ý kiến vào ngày 18.9 tới. Theo đó, đã có 364 cán bộ, công chức nộp, trả lại quà tặng với tổng giá trị 178 triệu đồng.

 Bản báo cáo do Thanh tra Chính phủ chuẩn bị cho biết, trong 8 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng. Kết quả, đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Cụ thể, có 4 người bị xử lý hình sự (ở Bắc Giang và Bắc Ninh), 4 trường hợp khác đang được xem xét, còn lại chỉ xử lý hành chính.

Toàn ngành thanh tra đã phát hiện 73 vụ với 80 đối tượng có các hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền trên 117 tỉ đồng, đã chuyển cho cơ quan điều tra 11 vụ với 34 đối tượng. Lực lượng cảnh sát phòng chống tham nhũng của Bộ Công an đã phát hiện khởi tố mới 230 vụ và 562 bị can, so với cùng kỳ tăng 8 vụ và 91 bị can, thu hồi ngân sách nhà nước hơn 180 tỉ đồng.

Về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, Thanh tra Chính phủ cho biết trong quá trình xác minh đã phát hiện ra ba trường hợp kê khai không trung thực và các đối tượng này đều bị xử lý cảnh cáo. Đã có 58 trường hợp (chủ yếu ở TP.HCM) bị xử lý kỷ luật vì chậm kê khai, chậm nộp báo cáo.

Cho rằng kết quả tốt hơn cùng kỳ năm trước nhưng đánh giá của Chính phủ cho biết, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh gây phiền hà ở một bộ phận cán bộ công chức gây bức xúc cho dân và dư luận xã hội. Tham nhũng, lãng phí trong một số ngành như quản lý đất đai, xây dựng, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội.

Thường vụ Quốc hội thảo luận kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban TVQH khai mạc hôm nay, 9.9, Ủy ban TVQH sẽ nghe và thảo luận báo cáo về kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và HĐND các cấp theo Nghị quyết 35 của Quốc hội.

Ngoài nội dung trên, trong 2 tuần diễn ra phiên họp, Ủy ban TVQH cũng sẽ cho ý kiến về nhiều dự luật, như luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sĩ quan QĐND Việt Nam; luật Công an nhân dân (sửa đổi); luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Hôn nhân và gia đình; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế; luật Phá sản (sửa đổi); dự luật Đầu tư công…

Một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng sẽ được TVQH tiếp tục “mổ xẻ” tại phiên họp này.

Ngoài ra, TVQH sẽ nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo bổ sung (nếu có) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012; Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13; Dành một ngày để thảo luận về báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2013 và nghe báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội.

Đáng chú ý, cũng tại phiên họp này, TVQH sẽ cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng cũng như việc thi hành luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; kế hoạch kiểm toán năm 2014; nghe Chính phủ và Đoàn giám sát báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 26/2008 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.  

Bảo Cầm

3 trường hợp bị xử lý vì vi phạm kê khai tài sản

Theo Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 của Chính phủ, trong năm 2012 đã có gần 113,5 ngàn người kê khai tài sản lần đầu, trên tổng số gần 116 ngàn người phải kê khai (đạt 97,9%); Có hơn 519 ngàn người kê khai bổ sung (đạt 98,6%); có hơn 376 ngàn người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác; có 3 trường hợp qua xác minh đã kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do kê khai chậm, chậm tổng hợp, báo cáo.

Thái Sơn - Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.