Thái Lan thừa nhận bắn ngư dân Việt Nam: Họ bắn xối xả, không hề cảnh báo!

19/09/2015 08:40 GMT+7

Sau khi thiếu tướng Grittapol Yeesakhorn, người đứng đầu lực lượng cảnh sát biển Thái Lan, nói với Reuters rằng Cảnh sát biển Thái Lan đã nã súng vào 6 tàu cá của ngư dân Kiên Giang khi các tàu này chống trả, các ngư phủ sống sót khẳng định “hoàn toàn không có việc này”.

Sau khi thiếu tướng Grittapol Yeesakhorn, người đứng đầu lực lượng cảnh sát biển Thái Lan, nói với Reuters rằng Cảnh sát biển Thái Lan đã nã súng vào 6 tàu cá của ngư dân Kiên Giang khi các tàu này chống trả, các ngư phủ sống sót khẳng định “hoàn toàn không có việc này”.
 
Họ bắn xối xả, không hề cảnh báo !
Tài công tàu KG-94005 Huỳnh Văn Tửng (ngụ H.Châu Thành, Kiên Giang), người bị bắt lên ca nô của cảnh sát Thái Lan đi rượt bắn các tàu khác, một lần nữa khẳng định không hề có chuyện chống trả hay giải vây.
Anh kể lại: “Tôi đã chứng kiến toàn bộ vụ xả súng vì bị bắt ngồi ngay khẩu súng máy ở đầu ca nô của họ, tiếng đạn khiến cho tai tôi giờ này vẫn còn ong ong. Chúng tôi mong các cơ quan hỗ trợ làm rõ hành động tàn ác của phía cảnh sát Thái Lan và có biện pháp lên án để chúng tôi còn an tâm ra khơi”.
Cố tình kè tàu vào lãnh hải Thái Lan
Cũng theo anh Tửng, chiếc ca nô số hiệu Thai Police 528 của Cảnh sát biển Thái Lan đã cố tình kè tàu KG-94005 vào sâu lãnh hải Thái Lan mục đích là đòi tiền chuộc. “Họ chỉ thả chúng tôi về khi thấy đã xả súng quá tay và có người chết”, anh Tửng nói. Cùng đi trên tàu KG-94005, ngư phủ Nguyễn Văn Trường (ngụ TP.Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết: “Họ rượt bắn xối xả từ phía sau tàu, vết đạn vẫn còn đầy trên tàu, ai cũng có thể thấy. Họ không hề bắn cảnh cáo hay có hiệu lệnh gì cả”.
Theo anh Trường, tàu của anh chỉ cố gắng bỏ chạy khỏi làn đạn từ ca nô của cảnh sát Thái Lan. “Chúng tôi tăng tốc hết cỡ để chạy tránh đạn đến mức động cơ tàu bị nóng và hư, khói đen bốc lên. Lúc này họ mới áp sát lao lên tàu đánh tài công túi bụi. 19 ngư dân bị trói dồn vào một góc”. Ngư dân Nguyễn Thanh Tuấn (ngụ TP.Rạch Giá) còn bị buộc phải ôm bình gas bị xì đang sắp nổ quẳng xuống biển. “Họ đã chĩa súng vào đầu buộc tôi phải ôm bình gas đang xì. Tôi rất sợ nhưng phải liều vì không làm họ sẽ bắn chết ngay”, anh Tuấn nói.
Ở một tàu cá khác là KG-94059, ngư dân Chao Văn Sáng (ngụ H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã chứng kiến người chú ruột là tài công Ngô Văn Sinh bị bắn chết. Anh Sáng nói: “6 tàu chúng tôi đánh cách xa nhau không có chuyện chống trả vì họ bắn từ xa, chúng tôi chỉ cố chạy để tránh đạn. Họ cố tình chạy áp sát bên hông, cách tàu tôi chỉ 15 - 20 m để xả súng vào ca bin giết chết tài công”. Anh Sáng bức xúc: “Họ bắn quá dã man, chính tay tôi phải nhặt lại xương, hàm răng, hốc mắt của chú Sinh rồi lấy nước đá ướp cho chú”. Ngư phủ Sáng còn khẳng định ca nô Thai Police 528 đã từng bắt giữ tàu của anh trước đó hơn 2 tháng và thả ngay trên biển khi chủ tàu nộp 3,2 tỉ đồng tiền chuộc.
Trả lời Thanh Niên, đại tá Phạm Văn Sáng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, cho rằng: “Dù sao thì việc xả súng vào các tàu cá, cố tình giết chết ngư dân là phi nhân đạo, đáng lên án và cần phải làm rõ hành động này”.
Ngày 18.9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Mai Anh Nhịn bức xúc cho biết UBND tỉnh Kiên Giang cực lực lên án hành động nã đạn vào ngư dân VN của Cảnh sát biển Thái Lan; đề nghị phía Thái Lan phải điều tra làm rõ sự việc và có trách nhiệm với thiệt hại của ngư dân. “Chưa biết đúng sai thế nào nhưng việc ngư dân đi đánh bắt ngoài biển và bị Cảnh sát biển Thái Lan dùng vũ lực để giải quyết như vậy là cực kỳ nguy hiểm. Có việc gì thì giữa hai bên phải đối thoại giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trao đổi thông tin xử lý vi phạm chứ không thể dùng vũ lực một cách vô nhân đạo như vậy”, ông Nhịn nói.
Ông Nhịn cũng thông tin sắp tới, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ làm việc với các cơ quan liên quan và các chủ ghe, tàu để tăng cường quản lý, giám chặt chẽ hơn việc đánh bắt của ngư dân, để ngư dân ra khơi an toàn; đồng thời tránh tình trạng vi phạm vùng biển nước khác, giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước có biển giáp ranh.
Hành động sai luật quốc tế
Trong vụ việc này, chưa nói đến khả năng xảy ra ở vùng chồng lấn hay trong vùng biển nào thì việc Cảnh sát biển Thái Lan dùng vũ lực đã là vi phạm luật pháp quốc tế. Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 cũng không cho phép điều đó. Trong trường hợp ngư dân nước này trong khi đánh bắt có vi phạm vùng biển nước kia thì cơ quan chức năng có thể bắt giữ, lập biên bản, đưa ra xét xử, thậm chí phạt tù tùy theo mức độ vi phạm. Các hành vi tấn công, phá hoại tàu thuyền, hành hung ngư dân là những hành động có tính chất cướp biển chứ không phải hành động của các quốc gia có văn minh tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tôi cho rằng về phía Thái Lan, họ phải có các biện pháp xử lý cụ thể, bồi thường cho các nạn nhân VN. Trong vụ việc này, tôi cho rằng các cơ quan chức năng của VN như Bộ Ngoại giao, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Biên phòng, Hội Nghề cá và chính quyền địa phương sở tại cần lập tức lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực, vô nhân đạo này của phía Thái Lan trước rồi tiến hành điều tra.
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ
Trường Sơn (ghi)
Phản đối hành vi vô nhân đạo của lực lượng cảnh sát Thái Lan
Trao đổi với Thanh Niên chiều 18.9 khi đang đến chia buồn động viên gia đình thuyền trưởng Ngô Văn Sinh (44 tuổi, ở xã Vĩnh Hòa Hiệp, H.Châu Thành, Kiên Giang) thiệt mạng trong vụ tàu Cảnh sát biển Thái Lan xả súng vào tàu cá VN, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) Lưu Văn Huy khẳng định sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của ngư dân VN.
Ông Huy cho biết những ngày qua Cục Kiểm ngư liên tục cập nhật thông tin vụ việc, thẳng thắn bày tỏ quan điểm kiên quyết lên án và phản đối hành vi vô nhân đạo của lực lượng cảnh sát Thái Lan, vi phạm nghiêm trọng quy định luật pháp quốc tế. “Chúng tôi đang bám sát sự việc để gửi kiến nghị mạnh mẽ lên cơ quan chức năng VN khi trao đổi với Thái Lan, phải yêu cầu nước này xử lý thích đáng hành vi của lực lượng cảnh sát biển và đền bù thiệt hại cho ngư dân VN”, ông Huy nói. Đối với gia đình thuyền viên gặp nạn, tàu cá ngư dân bị cảnh sát Thái Lan bắn phá Cục sẽ phát động các địa phương chung tay hỗ trợ, động viên để các ngư dân yên tâm, bám biển lao động sản xuất.
P.Hậu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.