Thái độ của một người có trách nhiệm

04/08/2005 22:59 GMT+7

Tôi không cho rằng cơ quan chức năng kiểm soát được hoàn toàn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), nhưng cũng không nói là không kiểm soát được" đó là tuyên bố của Phó giám đốc Sở Y tế kiêm Phó ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP TP.HCM, bác sĩ Lê Trường Giang trong cuộc trao đổi với Báo Thanh Niên. Những quan điểm và thái độ của ông Giang dưới đây có thể hiện được tinh thần trách nhiệm hay không cũng cần được bàn cãi...

* Thưa ông, vừa qua dư luận rất lo lắng về  tình hình VSATTP hiện nay và cho rằng ngành y tế phải chịu trách nhiệm trong việc này?

- VSATTP là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không riêng của ngành y tế. Để có thực phẩm an toàn khi đến miệng người tiêu dùng thì thực phẩm đó phải được an toàn ngay từ khâu sản xuất. Vì vậy, VSATTP là một chuỗi liên hoàn từ nông trại đến lúc dọn lên bàn ăn. Ngành y tế không lo được từ nông trại cho đến bàn ăn, mà ngành y tế chỉ lo khi thực phẩm nằm trên bàn ăn. Do đó, chúng ta đặt ra chuỗi VSATTP là như thế.

* Nhưng thưa ông, trong chuỗi dài đó, phải có ai, cơ quan nào đó chịu trách nhiệm về VSATTP chứ?

- Nhà nước đã giao trách nhiệm cho mỗi ngành, ngành y tế chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành khác, nhằm đảm bảo VSATTP cho người tiêu dùng.

* Vậy sự phối hợp đó đã được tiến hành tới đâu, thưa ông?

- Chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP. Tại TP.HCM ban này do ông Nguyễn Thành Tài - Phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban, còn tôi làm phó ban.

* Như vậy, thực trạng VSATTP đang báo động như hiện nay, cho thấy ban này hoạt động chưa hiệu quả, chưa kiểm soát được tình hình VSATTP?

- Tôi chưa thống nhất lắm với việc cho rằng tình hình VSATTP đang báo động, cũng như cho rằng Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP của TP.HCM hoạt động chưa có hiệu quả. Tôi cũng không cho rằng cơ quan chức năng kiểm soát được hoàn toàn VSATTP, nhưng cũng không nói là không kiểm soát được. Bởi nếu nhìn lại chúng ta sẽ thấy tình hình VSATTP của TP.HCM cũng như cả nước ngày càng được cải thiện, ngày một tốt hơn so với trước đây. Tôi cho rằng hiện nay tại TP.HCM sự phối hợp của liên ngành là khá tốt. Tuy nhiên, do sự phát triển liên tục của các quán ăn, nhà hàng, lượng người, cũng như nhu cầu đòi hỏi của xã hội ngày một cao hơn, nên thấy rằng chúng ta luôn phải chạy theo công việc.

* Ông nhận định rằng, VSATTP ngày càng tốt hơn, nhưng thời gian qua, báo chí đã nêu rất nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm, từ nhỏ đến lớn, cả cơ sở có tiếng tăm cũng vi phạm các quy định VSATTP. Cụ thể gần đây, Báo Thanh Niên đã nêu chuyện đậu hũ trộn thạch cao công nghiệp, cà phê tẩm hóa chất, nước tương nấu từ xương thối... Khi báo chí lên tiếng về thực trạng đó, thì Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP cũng như Sở Y tế không có phản ứng gì. Cơ quan chức năng hình như không quan tâm đến vấn đề mà báo chí nêu?

- Chúng tôi rất quan tâm, ghi nhận những gì báo chí nêu. Tuy nhiên, tùy theo vụ việc, chúng tôi sẽ có những cách xử lý khác nhau, chứ không có nghĩa vụ việc nào báo chí nêu thì chúng tôi cũng xử lý như nhau. Chúng tôi hoan nghênh sự phát hiện của báo chí. Việc sử dụng hóa chất vào thực phẩm là vấn đề cần giải quyết. Giải quyết nó cần có những giải pháp căn cơ và hiệu quả. Sở Y tế đã có tờ trình và làm việc với UBND thành phố để cải thiện việc này một cách cơ bản, bằng cách sẽ quy định hóa chất, phụ gia dùng trong thực phẩm phải được mua bán ở các cơ sở thực phẩm. Tuy nhiên, kế hoạch này không phải làm một ngày, một buổi. 

* Ông cho rằng, đảm bảo VSATTP là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Thế nhưng, gần đây khi Báo Thanh Niên phát hiện một số cơ sở sản xuất thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, dự định phối hợp với phía y tế để lấy mẫu kiểm nghiệm, sở cho biết  không hỗ trợ được gì?

- Cần hiểu rằng, nguồn lực không phải vô hạn, hằng năm Nhà nước cho chúng tôi một số tiền để thực hiện một số việc, nếu muốn làm ngoài việc đó, thì kinh phí lấy đâu ra. Không có tiền, thực tế là như vậy! Nếu hôm nay một người dân, hay nhà báo đề nghị đi lấy mẫu mặt hàng nào đó để kiểm nghiệm, rồi hôm sau cũng có người khác đến yêu cầu như vậy, chúng tôi cứ chạy theo đó mà kiểm nghiệm thì nguồn lực đâu, kinh phí lấy đâu ra mà làm! Cho nên trách nhiệm đầu tiên trên sản phẩm thuộc về nhà sản xuất. Vì thế, những việc báo chí nêu chúng tôi rất quan tâm, nhưng quan tâm trong sự cân nhắc, tính toán, để đề xuất giải pháp giải quyết; không có nghĩa nhảy nhổm lên mới là quan tâm.

* Xin cám ơn ông!

Cần có sự  hợp tác của 8 bộ, ngành

Đó là ý kiến của ông Chu Quốc Lập, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Trong bài trả lời phỏng vấn dưới đây, ông Lập còn thừa nhận ngộ độc thực phẩm do hóa chất tồn dư gần như là "đặc thù" của chúng ta...

- Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước vấn đề này có liên quan tới 8 bộ, ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủy sản, Công nghiệp, Thương mại, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thông tin, Tài chính. Pháp lệnh cũng đã nêu rõ,  Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền quy định để thực hiện quản lý nhà nước về VSATTP trên địa bàn trong suốt quá trình sản xuất, từ nuôi trồng, thu hái, đánh bắt, khai thác, giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển đến khi thực phẩm đến tay người tiêu dùng; quản lý vệ sinh an toàn đối với thức  ăn đường phố, chợ, khu du lịch, lễ hội. Như vậy, Bộ Y tế chỉ là một  thành viên trong một chuỗi các thành viên tham gia quản lý về VSATTP.

*  Với nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế đã đảm đương tốt nhiệm vụ của mình?

- Bộ Y tế được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để thực hiện quản lý nhà nước về VSATTP  đối với thực phẩm lưu thông trên thị trường và nhập khẩu; tổ chức thực hiện kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hóa chất trong thực phẩm; chủ trì với các bộ, ngành có liên quan trong việc kiểm tra, thanh tra VSATTP... Với nhiệm vụ được giao, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã làm hết sức mình trong điều kiện con người và cơ sở vật chất hiện có. Tôi thấy rằng, những nỗ lực cũng có đưa đến những kết quả nhất định. Không chỉ phối hợp thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý cũng đã có phối hợp các bộ ngành, các địa phương xây dựng những mô hình điểm về đảm bảo VSATTP tại một số tỉnh, thành phố. Như Hà Nội đang làm mạnh về thức ăn đường  phố. Không chỉ kiểm tra, chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn, cơ quan quản lý dự kiến sẽ có các thông báo để người dân biết và tìm đến những cơ sở chế biến, kinh doanh tin cậy. Theo tôi, đây là cách làm hay. Bởi khi ta giúp cho người tiêu dùng từ chối sử dụng các sản phẩm hoặc  thức ăn không hợp vệ sinh thì các cơ sở có sản phẩm kém chất lượng sẽ phải thay đổi.

* Tuy nhiên, có những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh không thể nhìn thấy qua hành vi hay màu sắc, đó là vấn đề tồn dư hóa chất...

- Đúng vậy, ngộ độc thực phẩm do hóa chất tồn dư gần như là "đặc thù" của chúng ta. Trong khi ở  nhiều nước, ngộ độc chủ yếu là do vi sinh. Ngộ độc hóa chất thực sự là nguy hiểm, bởi có thể nó không gây cấp tính nhưng dễ dẫn đến các nhiễm độc lâu dài, gây ung thư. Vấn đề gốc lại ở người trồng trọt. Họ cần có kiến thức và cả ý thức trong quá trình thực hiện gieo trồng, thu hoạch, bảo quản. Vấn đề này đã được giao cho Bộ Nông nghiệp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về VSATTP đối với sản phẩm thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất. Chúng tôi không né tránh trách nhiệm, mà một lần nữa nhấn mạnh việc cần hợp tác chặt chẽ giữa các bộ ngành.

* Việc khắc phục hậu quả, bồi thường cho người bị ảnh hưởng sức khỏe do thực phẩm không an toàn hầu như còn chưa được quan tâm ?

- Trong trường hợp người sử dụng thực phẩm, sản phẩm bị ngộ độc của mình bị ngộ độc thì cơ sở đó phải báo cáo ngay với cơ quan y tế, chính quyền để khắc phục. Cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng, sản phẩm gây ngộ độc phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người sử dụng.

Việc truyền thông giáo  dục cho người dân ý thức về VSATTP là rất quan trọng. Diễn đàn về ATTP của Báo Thanh Niên đã có  ý nghĩa thiết thực, không chỉ người tiêu dùng mà trực tiếp với người làm quản lý. Bản thân tôi đều theo dõi mỗi ngày. Tôi  cảm thấy tựa đề "Tuyên chiến" có phần nặng nề, tuy nhiên, trong suốt diễn đàn, các ý kiến là rất đa chiều, hữu ích.

Liên Châu
(thực hiện)

Kim Trí - Thanh Tùng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.