Thắc mắc quanh dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi

04/06/2020 05:00 GMT+7

Dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi đang được lấy ý kiến thu hút sự quan tâm của bạn đọc Báo Thanh Niên , đặc biệt là phân loại hạng giấy phép lái xe và dự thảo quy định về “nhường đường cho xe buýt”.

Ngoài vấn đề “xe máy, xe đạp điện phải bật đèn ban ngày” (mục Lăng kính bạn đọc - Báo Thanh Niên từng đề cập), bạn đọc (BĐ) còn quan tâm đến cách phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) trong dự thảo.

Bối rối

Theo quy định hiện hành, có 12 hạng GPLX, gồm: A1, A2, A3, A4, B1 (B1 số tự động và B1), B2, C, D, E, FB2, FD, FE. Còn trong dự thảo luật, Bộ GTVT đề xuất chia GPLX thành 17 hạng, gồm: A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE. BĐ đặc biệt quan tâm đến GPLX hạng A0 (được cấp cho người lái xe gắn máy; kể cả xe máy điện có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW); GPLX hạng A1 (được cấp cho người lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 - 125 cm3; hiện nay là 50 cm3 - dưới 175 cm3; hoặc có công suất động cơ điện trên 4 kW - 11 kW); GPLX hạng A2 đang cấp cho người điều khiển các loại xe mô tô 2 bánh có dung tích trên 175 cm3 và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1 sẽ được gộp chung lại trong GPLX hạng A dành cho xe mô tô 2 bánh trên 125 cm3 hoặc có động cơ trên 11 kW.

Đề nghị nên quy định cụ thể tốc độ tối đa và khoảng cách tối thiểu khi đến gần đường giao nhau, đường nhập làn (kể cả có tín hiệu đèn) để giảm tai nạn thảm khốc khi nhiều xe dừng ở ngã tư ...    

Lê Đức

Cách phân hạng này khiến nhiều BĐ không khỏi “bối rối”. “Bằng A0 không quy định bằng A1, A2 có thể thay thế được hay không và chưa thấy quy định độ tuổi tối thiểu thi bằng lái A0”; “Sao phải chia nhỏ từng chi tiết như vậy, lại còn giảm A1 xuống dưới 125 cm3, phải học lại, thi lại hết. Cải cách hành chính kiểu này đi lên hay đi xuống?”, “Bằng A có thể chạy xe có bằng A1, vậy bằng A1 có thể điều khiển xe có bằng A0 không?”... Đó là hàng loạt thắc mắc tiêu biểu được BĐ nêu ra.

Xe buýt cũng phải “bình đẳng”

Ngoài ra, dự thảo đề cập đến việc các phương tiện nhường đường cho xe buýt, xe đưa đón học sinh, cũng gây ra nhiều tranh luận.
Theo nội dung dự thảo, người điều khiển phương tiện cơ giới phải giảm tốc độ và khi cần thiết phải dừng hẳn lại để nhường đường cho xe buýt, xe đưa đón học sinh thực hiện việc di chuyển ra, vào điểm dừng đón, trả khách trên đường... BĐ Phạm Nhật Trường liên hệ đến hệ thống xe buýt đang hoạt động ở TP.HCM và cho rằng, xe buýt cũng phải “bình đẳng”, xem như tất cả các phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ, trừ các phương tiện đặc biệt đã được quy định.

Xe 2 bánh thì phân bằng A0, A1, A... rồi rốt cuộc cũng chạy 1 làn, cũng cùng tốc độ... Vậy phân biệt để làm gì ngoài việc đóng thêm tiền học lấy bằng?    

L.Hưng

Lý do cũng được nhiều BĐ nêu ra, trong đó có thực trạng xe buýt chạy ẩu, “cắt ngang đầu” các phương tiện đang di chuyển, không ít lần đã gây ra tai nạn giao thông cho người đi đường; xe buýt ra vào trạm dừng, nhà chờ gây ùn ứ cho dòng phương tiện lưu thông phía sau... đã và đang gây bức xúc cho người dân. Hơn nữa, lượng hành khách xe buýt đang tụt giảm nghiêm trọng; ngân sách lại thường xuyên bù lỗ... Bên cạnh đó, một BĐ tên Hưng cũng thắc mắc: Làm sao phân biệt được xe đưa đón học sinh để xe buýt có thể được hưởng những ưu tiên như trong dự thảo?... Chính vì vậy, nhiều BĐ nhận định dự thảo luật còn quá nhiều vấn đề cần được làm rõ. BĐ QHS Cường cho rằng luật thì phải cụ thể, không gây hiểu lầm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.