Đảo ngọc Phú Quốc đã bị 'băm nát' như thế nào ?: 'Thả nổi' quản lý rừng, 'loạn' phân lô đất nông nghiệp

19/05/2020 07:40 GMT+7

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), công tác quản lý, bảo vệ rừng, quy hoạch đất nông nghiệp… ở Phú Quốc (Kiên Giang) cũng có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Như Thanh Niên số ra ngày 18.5 phản ánh, công tác quản lý nhà nước ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) để xảy ra hàng loạt sai phạm về tài chính đất đai, quy hoạch khiến nhiều nơi ở đảo ngọc này bị “băm nát”.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (thời kỳ 2011 - 2017), công tác quản lý, bảo vệ rừng, quy hoạch đất nông nghiệp… ở Phú Quốc cũng có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Hơn 3.109 ha rừng chưa được thay thế

Căn cứ quy hoạch chung (điều chỉnh) xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 633 (năm 2010) và Quyết định 868 (năm 2015 - Quy hoạch 633 và 868), đất lâm nghiệp được quy hoạch 37.430 ha; trong đó có 6.666 ha đất rừng phòng hộ, 30.764 ha đất rừng đặc dụng. Đây được xem là “lá phổi xanh” góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững về môi trường cho thủ phủ du lịch Phú Quốc.
Tuy nhiên, theo kết luận của TTCP, việc quản lý đất rừng trên địa bàn Kiên Giang, đặc biệt là ở Phú Quốc, chưa được quan tâm đúng mức, có nơi còn có dấu hiệu buông lỏng quản lý, để người dân lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng nhưng chậm được phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.
Dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về lợi ích nhóm, đặc quyền đặc lợi dẫn đến kiểu quản lý “thả nổi” trong việc sử dụng đất rừng ở Phú Quốc, khi mà cơ quan quản lý không nắm rõ cụ thể số hộ, diện tích, nguồn gốc từng hộ dân đang sử dụng đất rừng.
Minh chứng cho nghi vấn này, là theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc, có 60 hộ dân đang sử dụng đất trong ranh rừng. Trong đó có 9 hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng ban quản lý không nắm rõ nguồn gốc, thời gian sử dụng của người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng.
Thậm chí, đối với Vườn quốc gia Phú Quốc, trong diện tích rừng dự kiến chuyển mục đích theo Quy hoạch 633 và 868, thì trên thực tế hiện đang có một số hộ dân sử dụng. Ngoài ra, ở địa bàn xã Gành Dầu có hơn 9.300 m2 thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc bị người dân chặt phá, đốt rừng nhưng cũng chưa được cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo thẩm quyền.
Nghiêm trọng hơn, tính đến nay có gần 7.000 ha đất rừng phòng hộ và Vườn quốc gia Phú Quốc đã chuyển đổi sang mục đích khác (chủ yếu đã giao đất cho các dự án đầu tư bất động sản, thương mại, dịch vụ, du lịch…), trong số này có hơn 3.321 ha thuộc diện phải trồng rừng thay thế, nhưng số diện tích mà các chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế chiếm đến hơn 3.109 ha.

Hàng chục ngàn mét khối gỗ về đâu?

Nhiều bất thường còn phát sinh trong việc tận thu gỗ đối với trường hợp chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác.
Cụ thể, trong thời kỳ từ 2011 - 2017, UBND tỉnh Kiên Giang đã thu hồi hơn 895 ha rừng do Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý, để giao cho các nhà đầu tư thực hiện 13 dự án; trong đó có 8 dự án có kiểm kê khối lượng gỗ đường kính từ 28 cm trở lên có giá trị để tận thu gỗ, với khối lượng 21.428 m3.
Liên quan việc tùy tiện trong việc tận thu gỗ, có dự án chiếm diện tích đến 304 ha với 13.049 m3 gỗ có đường kính từ 28 cm trở lên. Tuy nhiên, với dự án này, trên thực tế chỉ có hơn 118/13.049 m3 gỗ được UBND H.Phú Quốc tổ chức đấu giá, với giá trị thu về cho ngân sách hơn 677 triệu đồng; số gỗ còn lại đến hơn 12.960 m3 đến nay không xác định được đơn vị nào quản lý và số gỗ này được sử dụng như thế nào.
Theo kết luận của TTCP, việc “thả nổi” này là vi phạm pháp luật. Bởi theo quy định, sau khi được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng công trình hoặc chuyển sang mục đích khác, và chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục đền bù, UBND cấp tỉnh giao cho chủ rừng hoặc đơn vị có chức năng khai thác để khai thác tận thu. Tuy nhiên, UBND tỉnh Kiên Giang không giao cho cơ quan nào chịu trách nhiệm khai thác tận thu gỗ, dẫn đến không quản lý được việc khai thác và không quản lý, sử dụng số gỗ tận thu; có nguy cơ gây thiệt hại ngân sách nhà nước.

“Loạn” phân lô, bán nền

Theo Quy hoạch 633 và 868, đất nông nghiệp trong Khu kinh tế Phú Quốc được quy hoạch với diện tích khoảng 3.953 ha, trong đó có khoảng 2.719 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đặc biệt từ 2016 đến nay, việc san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng nhà ở trên đất nông nghiệp trên địa bàn Phú Quốc diễn ra ồ ạt, có chiều hướng phức tạp.
TTCP khẳng định các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương ở Phú Quốc đã buông lỏng quản lý, bộc lộ hạn chế, yếu kém, không kiểm soát được tình trạng này, thậm chí có hàng trăm vụ mặc dù có lập biên bản vi phạm nhưng không ra quyết định xử phạt, dẫn đến việc hình thành hàng trăm khu dân cư tự phát trên diện tích đất nông nghiệp hàng trăm héc ta. Tình trạng này, theo TTCP, là vi phạm pháp luật, làm phá vỡ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, do đó cần phải được xử lý nghiêm minh.
Không những thế, việc phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp xảy ra vô tội vạ, và được cơ quan chức năng hợp thức hóa hẳn hoi. Cụ thể, giai đoạn từ 1.1.2016 - 30.4.2018, Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang đã giải quyết tách thửa cho 610 hồ sơ, với tổng diện tích hơn 4,5 triệu m2 (với 17.808 thửa được tách). Đối chiếu Quy hoạch 633 và 868, thì có đến 70,8% (hơn 3,2 triệu/hơn 4,5 triệu m2) các vị trí khu đất tách thửa này được quy hoạch là đất nông nghiệp hoặc đất giao thông, đất công trình công cộng trên tổng diện tích đất cho phép tách thửa; tương đương hơn 61% tổng số thửa được tách (10.891/17.808 thửa).
Theo TTCP, việc “loạn” phân lô, bán nền dẫn đến phát sinh nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung đảo Phú Quốc đã được Thủ tướng phê duyệt, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là trong việc thu hồi, bồi thường để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đáng nói, vào tháng 4.2018, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình từng có ý kiến chỉ đạo, trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trên địa bàn Phú Quốc.
Tuy nhiên, cho đến nay các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đặc biệt là các công trình hạ tầng đã được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn chưa được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Theo khẳng định của TTCP, điều này thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước của địa phương về lĩnh vực đất đai và xây dựng. 

 “Đi ngược” quy định pháp luật

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (công bố tháng 6.2015) có quy định hành lang bảo vệ bờ biển và quyền tiếp cận của người dân với biển (tối thiểu 100 m). Bên cạnh đó, các quyết định của Thủ tướng về quy hoạch Phú Quốc từ 2005 cũng có đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, tháng 11.2016 UBND tỉnh Kiên Giang lại có văn bản không thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tại 20 bãi biển (toàn bộ các bãi tắm biển) trên đảo Phú Quốc.
Theo TTCP, việc UBND tỉnh Kiên Giang ban hành văn bản không thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, là chưa phù hợp quy định pháp luật, dẫn đến sự bức xúc của dư luận.
Một vấn đề hệ trọng khác khiến dư luận đặc biệt bức xúc, đó là việc triển khai các dự án quy mô về bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại, dịch vụ… ở Phú Quốc. Theo kết luận của TTCP, không chỉ có nhiều dự án vi phạm pháp luật khi không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước, quy định pháp luật về môi trường, xây dựng, thuế…, mà thậm chí cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang còn tùy tiện giao đất, miễn giảm tiền sử dụng đất trái quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.