Tết 'cô vít' ở Sài Gòn

Đình Phú
Đình Phú
17/02/2021 09:39 GMT+7

'Miệt mài quên cả mùa xuân/ Vượt qua bao nỗi gian truân nhọc nhằn/ Vạn con tim, một tấm lòng/ Đẩy tan cô vít ( Covid-19 ), mới mong yên bình...'. .

Mùng 2 tết (13.2), trên Báo Thanh Niên điện tử (thanhnien.vn), tôi đọc được những dòng tâm thơ ấy của bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), viết tặng anh chị em y tế chống “giặc cô vít”.
Qua thời điểm giao thừa, Sài Gòn có đến 33 khu vực đang phong tỏa vì dịch Covid-19, với hàng chục ngàn gia đình “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nhiệm vụ chống dịch đầy áp lực và thần tốc. Có lẽ cũng vì thế mà bác sĩ Nguyễn Trí Dũng còn viết: “Mong cho "giặc dữ" lui binh. Anh em mình sẽ linh đình, ăn (tết) sau”.

Đặc sản tết khắp mọi miền được trưng bán ở chợ truyền thống của TP.HCM dịp tết

ẢNH: ĐÌNH PHÚ

Nhớ người mẹ quê nhà

Với những người rời quê nhà đi làm ăn phương xa, tôi thấy ai cũng mong đợi đến tết để lại về quê. Trước tết tầm 2 tuần, mẹ tôi vui khi qua điện thoại biết tôi đã đặt vé về quê nhà ở Huế ăn tết. Những ngày cận tết, khi thông tin ở Sài Gòn xuất hiện hàng chục ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, mẹ tôi chủ động gọi điện chia sẻ, bảo “con ở lại cho an toàn”. Ở quê, mọi người chủ yếu làm nông, hằng ngày đều phải đi lao động. Mẹ tôi lo “lỡ về lúc dịch bệnh rồi có chuyện gì phát sinh ngoài ý muốn, gián đoạn công ăn việc làm ruộng vườn của bà con thì xóm làng thêm khổ”. Mẹ tôi cũng kể có những bà mẹ khác cạnh nhà cũng nhắn gửi con cái mình “đợi hết dịch rồi có dịp hãy về”.
Ở Sài Gòn những ngày cận tết và trong những ngày đầu năm mới, tôi nghe nhiều sẻ chia “tết này con không về”. Mỗi người mỗi quê, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng đều đong đầy yêu thương trước những khó khăn của tình huống bất khả kháng vì dịch bệnh. Cạnh nhà tôi có gia đình người chị, quê Quảng Ngãi. Gần 20 năm xa nhà, cùng với chồng con, năm nào chị cũng về tết để ngủ vài đêm với người mẹ già U.80 cho ấm lòng. Tết nào cũng về, thân thuộc đến mức, cụ biết từng đứa con, đứa cháu thích ăn rau, cá gì trong ngày tết. Và cụ tỉ mẩn chuẩn bị sẵn. Rồi sau bao năm chắt chiu cùng con cháu, cụ làm lại ngôi nhà mới, dành sẵn một phòng riêng để cho con cháu làm ăn xa trở về ngày tết cho tươm tất. Cũng chỉ vì Covid-19, đến giờ cuối gia đình con gái cụ đành hoãn chuyến đi. Chuyện trò qua điện thoại, thấy ai cũng rưng rưng…
Tết “cô vít” ở Sài Gòn

Đường Lê Duẩn, Q.1 vào sáng mùng 1 tết

ẢNH: CAO AN BIÊN

Mong cho “cô vít lui binh”

Như một thói quen hay đi chợ quê ngày tết, lần đầu tiên ăn tết ở Sài Gòn, có hôm tôi rảo ra khu chợ truyền thống cạnh nhà đến 2 - 3 lần. Đi nhưng không sắm sửa gì nhiều. Ra chợ, nhìn cảnh mọi người bán mua cho bớt nhớ chợ quê nhà. Khi phố thị khởi phát và bề thế với hơn chục triệu dân như bây giờ, Sài Gòn là nơi chốn dung nạp, cưu mang của bao người xa xứ đến mưu sinh, lập nghiệp.
Khu phố nơi tôi ở có người Bắc, người Trung, người Nam, và khu chợ cũng có đủ đầy sản vật tết của khắp mọi miền được bày bán, như để giúp cho mọi người bớt thấy thiếu quê nhà mình trong ngày tết. Ở chợ có một cô bán sản vật gợi nhớ quê nhà thân thuộc, đó là trầu cau. Cô bảo trầu cau cô bán lấy từ vùng 18 thôn vườn trầu ở Bà Điểm - Hóc Môn danh tiếng một thuở. Mỗi nhành nhỏ 2 - 3 quả cau tươi, 2 lá trầu xanh quệt sẵn chút vôi, được bán với giá 15.000 đồng. Nhiều người đã tìm đến mua, không ai trả giá. Họ mua để mang về chưng thêm lên bàn thờ, thắp hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Bao năm ở quê, mẹ tôi vẫn hay làm như thế mỗi dịp tết.
Đầu tàu kinh tế của TP.HCM có một chiều dài lịch sử, từ thuở đầu của mấy trăm năm Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM. Cũng vì lịch sử ấy, nhiều người vẫn hay gọi thân thuộc nơi này là Sài Gòn. Sài Gòn xưa là “Sài Gòn của những lưu dân nghèo mà hào hùng, hào hiệp, chịu đựng, chịu khó… để có một Sài Gòn hôm nay, một Sài Gòn từng gốc cây, từng tấc đất, từng cọng cỏ đều thấm đẫm máu và mồ hôi của người đi trước” (Sách Từ Bến Nghé tới Sài Gòn, tác giả Trần Nhật Vy, NXB Văn hóa - Văn nghệ, năm 2015). Tôi thấy Sài Gòn hôm nay, cũng mang đậm dấu ấn của “những lưu dân”. Đô thị trải qua nhiều thay đổi, nhưng tinh thần của thành phố do “người Sài Gòn” đúc kết qua tháng năm vẫn còn nét đặc trưng không thay đổi: cởi mở, rộng lượng, chấp nhận có sự khác biệt, đón nhận đa dạng, đa văn hóa của vùng đất mới… Và người khắp mọi miền bây giờ vẫn đến sinh sống, học tập, làm ăn, gầy dựng sự nghiệp… cứ mỗi ngày thêm đông. Họ như một phần máu thịt không thể tách rời của Sài Gòn, góp phần quan trọng tạo nên sự phồn thịnh nơi “cửa ngõ giao thương” này.
Mấy năm đầu mới đến Sài Gòn, tôi thấy mọi người vẫn hay kể nhau nghe về chuyện Sài Gòn “vắng hoe ngày tết”, bởi nhiều người rời thành phố về quê nhà, hoặc đi đâu đó du xuân… Sau, khi đọc tư liệu của ký giả Yên Sơn từ miền Bắc vào sống ở Sài Gòn đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, thì ngày tết của Sài Gòn khi ấy cũng “chỉ được vui vẻ ồn ào trong mấy ngày trước tết vì nhờ có cảnh buôn bán tấp nập, người đi sắm tết... Ba ngày tết ở Sài Gòn có phần buồn hơn ở lục tỉnh vì phần đông những người làm ăn ở Sài Gòn đều là quê quán ở lục tỉnh nên cứ đến ngày tết họ mới rủ nhau tản mát mỗi người đi một nơi…” (trích dẫn từ Phong tục và tiếng nói Nam kỳ trên Hà Thành Ngọ Báo, năm 1933), tôi thấy, trong trạng thái bình thường, 90 năm trước cũng “y chang” như sau này: Người người về quê nhà, hoặc đi… ăn tết đâu đó. Đó cũng là một nét rất riêng của Sài Gòn.
Tết của “năm cô vít” này, tôi cũng thấy một hình ảnh Sài Gòn “vắng hoe”. Theo như thông tin ngành đường sắt đưa ra, có chuyến tàu từ ga Sài Gòn đi ra Bắc trước tết, có đến 70% lượng vé bán ra bị hủy. Chưa có một con số thống kê cụ thể ở mức độ tổng quát, nhưng qua con số ấy, có thể thấy là lượng người ở lại Sài Gòn rất đông. Ấy vậy mà nhiều đường phố vẫn rất thưa vắng. Lướt Facebook trong mấy ngày tết, tôi thấy khác với mọi năm hình ảnh du xuân đây đó tràn ngập, trên tường “bạn phây” năm nay hầu hết là hình ảnh đầm ấm, sum vầy, bình yên cùng gia đình được chụp từ chính trong ngôi nhà mình.
Cũng có người “than” tết này là tết “cách ly”. Tôi thì không nghĩ vậy! Nhìn những hình ảnh cán bộ, nhân viên y tế căng mình chống dịch “xuyên tết”; những khu phố, chung cư “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; những nữ bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19 “ước mơ chỉ là được ôm các con trong lòng ngày tết”; chính quyền thành phố dốc toàn lực chăm lo tết an lành, cùng lãnh đạo Chính phủ họp đến cận giờ giao thừa cũng chỉ lo phòng chống dịch…, tôi thấy những “hình ảnh ở nhà” ấy càng thêm ý nghĩa. Đó là những hình ảnh rất đẹp của sự đồng hành, của sự sẻ chia, của sự chung sức, của ý thức và cả sự hy sinh “mình vì mọi người, mọi người vì mình”...
Cũng trên Báo Thanh Niên điện tử những ngày tết, tôi đọc bài viết về ông Saadi Salama - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam. Tôi thấy ngài đại sứ có những chia sẻ đầy ý nghĩa, sau 19 lần đón tết cổ truyền Việt Nam. Đại ý là khi gia đình được cố kết như vậy, đó là cơ sở vững chắc để xây dựng xã hội Việt Nam vững chắc. Và cứ mỗi năm, người Việt lại có một khởi đầu mới, từ nguyện ước an lành của những ngày đầu xuân.
Dường như ai cũng thầm mong “giặc dữ” sớm “lui binh” để sự khởi đầu năm mới của mọi người, mọi nhà thuận buồm xuôi gió, không còn lắm gian nan nữa…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.