Tết 2016, nhiều nơi xác pháo đỏ đường

16/02/2016 06:30 GMT+7

Dù đã bị cấm, nhưng những ngày tết vừa qua tình trạng đốt pháo vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Dù đã bị cấm, nhưng những ngày tết vừa qua tình trạng đốt pháo vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Xác pháo đầy đường ở H.Diễn Châu - Ảnh: Công NguyênXác pháo đầy đường ở H.Diễn Châu - Ảnh: Công Nguyên
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khu vực gần ngã ba Cầu Bùng (giao nhau giữa tỉnh lộ 538 với QL1 thuộc xã Diễn Kỷ, H.Diễn Châu, Nghệ An) xuất hiện nhiều xác pháo trước nhiều cửa hàng buôn bán, nhà dân.
Nhiều hộp pháo hoa in chữ Trung Quốc, Lào bỏ lăn lóc trên đường. Nhiều người dân địa phương cho rằng, pháo được đốt trong đêm giao thừa để “trừ tà, xua đuổi ma, mong một năm mới làm ăn phát tài”.
Anh H. (người dân xã Diễn Thái, H.Diễn Châu) cho biết trong đêm giao thừa nhiều nhà dân ở xã Diễn Thái đốt pháo. Các loại pháo hoa, pháo trống được đầu nậu nhập lậu từ Trung Quốc, Lào về bán với giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. “Nhà tôi không giàu có gì, nhưng tết đến cũng bỏ ra hơn 1 triệu đồng mua pháo về đốt cho bằng hàng xóm”, H. thừa nhận.
Trong đêm giao thừa, tại xã Đồng Thành, H.Yên Thành, Nghệ An tiếng pháo nổ khắp nơi, kèm theo ánh sáng pháo hoa sáng rực trên bầu trời. Theo ông Y. (người dân xã Đồng Thành): “Hai năm nay, ở đây loạn đốt pháo, nhà nhà đốt pháo. Mọi người đua nhau săn lùng mua pháo lậu về đốt cầu may trong năm mới. Những người buôn bán pháo lậu chủ yếu lấy hàng từ Lào hoặc Trung Quốc”.
Ngày 14.2, ông Trần Văn Hiến, Chánh văn phòng UBND H.Diễn Châu (Nghệ An) thừa nhận có tình trạng đốt pháo trên địa bàn trong đêm giao thừa Tết Bính Thân nhưng do đang trong thời gian nghỉ tết nên chưa thể thông tin cụ thể.
Ông Hiến cũng cho biết mức độ đốt pháo như thế nào và diễn ra ở địa bàn xã nào, UBND huyện sẽ tổ chức cuộc họp để có hướng xử lý.
Trước đó, ngày 5.2, tại buổi họp báo tuyên truyền phòng chống đốt pháo nổ trên địa bàn trong dịp tết, Công an tỉnh Nghệ An cho biết từ tháng 9.2015 đến cuối tháng 1.2016 đã bắt giữ 203 vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ và thu giữ gần 2,6 tấn pháo các loại. Trung tá Nguyễn Đức Hải, Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, thừa nhận mặc dù lực lượng công an đã quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển pháo nổ nhưng do pháo được nhập lậu từ biên giới vào nội địa và việc buôn bán rất tinh vi, các đối tượng tìm mọi cách để lách nên khó khăn trong việc ngăn chặn.
Theo ông Hải, ngoài việc tuyên truyền người dân không đốt pháo, công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng, ban và công an các huyện phải trực 100% quân số để xử lý các trường hợp đốt pháo trong đêm giao thừa nhưng do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên rất khó để ngăn chặn việc đốt pháo.
Tại Quảng Bình, tình trạng đốt pháo xảy ra ở rất nhiều nơi mặc dù trước đó chính quyền địa phương cấp phường, xã đã tuyên truyền liên tục trên loa phóng thanh. Người dân chủ yếu đốt pháo nhiều vào đêm giao thừa và đốt pháo hoa.
Thông tin từ Bệnh viện hữu nghị VN - Cu Ba Đồng Hới cho biết có 3 người bị thương do đốt pháo, trong đó có 1 người phải cắt bỏ bàn tay phải.
Ngất xỉu vì đốt pháo dưới ghe
Công an Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) cho biết đang củng cố hồ sơ làm rõ hành vi đốt pháo xảy ra bên bờ sông Hậu (thuộc thủy phận Q.Ninh Kiều) vào đêm giao thừa.
Qua xác minh, khoảng 22 giờ 45 ngày 7.2 (nhằm 29 tết), rất đông người dân phát hiện bên bờ sông Hậu xảy ra vụ đốt pháo. Tổ tuần tra thuộc Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an TP.Cần Thơ) đã tiếp cận, phát hiện vụ đốt pháo xảy ra trên chiếc ghe đang neo cặp bờ sông. Trên ghe, chị Nguyễn Thị Ngọc Yến (20 tuổi) nằm ngất xỉu.
Sau khi tỉnh lại, Yến thừa nhận chính mình đã đốt pháo. Theo lời Yến, viên pháo chị nhặt được trong lúc dọn dẹp trên ghe. Tối giao thừa, gia đình Yến chạy ghe từ Cái Răng đến bến Ninh Kiều xem bắn pháo hoa. Yến tưởng viên pháo nhặt được là pháo sáng nên đốt "cho vui”, nhưng do pháo nổ lớn nên đã ngất xỉu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.