Tập trung xem xét, quyết định ba đề án quan trọng

08/05/2018 08:49 GMT+7

Thực hiện chương trình làm việc toàn khóa, sáng 7.5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã tiến hành Hội nghị lần thứ bảy.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở một số vấn đề để Trung ương tập trung thảo luận, xem xét, quyết định.
Về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp
Tổng bí thư nhấn mạnh: Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng; đã có nhiều quyết sách rất đúng về cán bộ và công tác cán bộ; kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp, đạt được những kết quả quan trọng. Đây là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước.
Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ, quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi. Cơ cấu giữa các ngành, nghề, lĩnh vực chưa thật sự hợp lý, thiếu sự liên thông giữa các cấp, các ngành; thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ, quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi. Những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.
Trên cơ sở phân tích bối cảnh tình hình đất nước với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với công tác cán bộ trong thời kỳ mới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Để trình hội nghị Trung ương lần này, Đề án và Dự thảo Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉnh sửa nhiều lần, trên cơ sở lắng nghe ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; tham vấn ý kiến của nhiều đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành, các nhân sĩ, trí thức và các nhà khoa học.
Tổng bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu kỹ các dự thảo văn bản và xuất phát từ thực tiễn phong phú của địa phương, đơn vị, thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được, phân tích sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan. Từ đó, đi sâu thảo luận, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài và những nhiệm vụ, giải pháp lớn, có tính đột phá khả thi cao để sớm khắc phục triệt để những hạn chế đã nêu, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Cố gắng chỉ ra khâu đột phá là khâu nào? Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp? Vì sao quy trình đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết gắn bó với sự nghiệp là gì?...
Về cải cách chính sách tiền lương
Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương, vào các năm 1960, 1985, 1993 và năm 2003. Kết luận của Hội nghị Trung ương 8 khóa IX về Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2003 - 2007 đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện theo chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đại hội Đảng các khóa X, XI, XII, đặc biệt là các kết luận của Hội nghị Trung ương 5 và Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về vấn đề này. Nhờ đó, tiền lương trong khu vực công đã từng bước được cải thiện, nhất là ở những vùng và lĩnh vực đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao đời sống của người hưởng lương; tiền lương trong khu vực doanh nghiệp từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Quy định mức lương bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số đã không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Tiền lương cơ bản của khu vực công thấp hơn khu vực doanh nghiệp, chưa bảo đảm nhu cầu thiết yếu của đời sống và chưa phải là nguồn thu nhập chính của nhiều người hưởng lương... Tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp chưa phản ánh đúng quan hệ phân phối theo lao động trong nền kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh...
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ những tiền đề căn bản để cải cách tiền lương; đồng thời yêu cầu Trung ương tập trung thảo luận, từ đó thống nhất nhận thức về sự cần thiết, cấp bách và tính khả thi của việc tiến hành cải cách chính sách tiền lương lần này; xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; tập trung xem xét, quyết định những vấn đề mới, có tính cải cách, những chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, bảo đảm cho cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
Tổng bí thư chỉ rõ: Bảo hiểm xã hội là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm về chính trị - kinh tế - xã hội; có lịch sử phát triển lâu dài trên thế giới, nhất là ở các nước công nghiệp phát triển, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc và phản ánh trình độ phát triển, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở mỗi nước. Riêng ở nước ta, bảo hiểm xã hội mới được bắt đầu thực hiện từ năm 1961, chỉ áp dụng đối với khu vực công, chủ yếu là chế độ hưu trí, tử tuất của thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung và chỉ thực sự bắt đầu đổi mới, phát triển ngày càng đầy đủ, phù hợp hơn với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ quốc tế từ năm 1995 đến nay. Trong nhiệm kỳ khóa XI, tại các hội nghị lần thứ năm và thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, ban hành các kết luận về vấn đề này cùng với vấn đề tiền lương và trợ cấp ưu đãi người có công.
Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trình Trung ương tại hội nghị lần này được xây dựng trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, với mong muốn ban hành một nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực bảo hiểm xã hội thực sự trở thành một động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước và thể hiện được tính nhân văn, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Tổng bí thư đề nghị Trung ương đánh giá khách quan, toàn diện, thống nhất nhận định về tình hình phát triển lĩnh vực bảo hiểm xã hội ở nước ta, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và đặc biệt là nguyên nhân, bài học kinh nghiệm thành công, chưa thành công trong lĩnh vực này. Từ tổng kết thực tiễn và sự phân tích, dự báo một cách khoa học, với tầm nhìn xa tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và thu nhập của người dân trong trung và dài hạn, Trung ương cần trao đổi, thống nhất về chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội trong thời gian tới. Tập trung xác định, làm rõ những quan điểm, mục tiêu đổi mới; nội dung cải cách, nhất là các vấn đề như: Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; bảo đảm cân đối tài chính bảo hiểm xã hội trong dài hạn; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu... Chú ý đến cả khu vực công và tư; người đang làm việc và người đã nghỉ hưu; nơi có quan hệ lao động và nơi chưa có quan hệ lao động, nhất là đối với nông dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội...
Người dân kỳ vọng
Đột phá trong công tác cán bộ
Hội nghị Trung ương lần này có 3 chủ đề rất quan trọng và liên quan đến nhau. Tôi kỳ vọng hội nghị sẽ thông qua được đề án xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chiến lược và tham mưu chiến lược và những đề án khác nữa.
Ông Vũ Quốc Hùng Ảnh: H.Q
Quan trọng nhất là yếu tố con người, mà trong tổ chức con người thì quan trọng nhất là cán bộ, là người đứng đầu. Trung ương cần bàn rất kỹ để những đề án đó là một công trình khoa học, công trình tổng kết thực tiễn, có đột phá trong các quy định để sau đó ứng dụng và triển khai có hiệu quả trong thực tiễn. Khi đi vào chấn chỉnh nội bộ, giải quyết tiêu cực trong nội bộ thì sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề, nên mọi người phải sáng suốt, phải nhìn nhận các sự kiện, các sự việc một cách khoa học để xử lý đúng sai phạm, không bỏ lọt sai phạm và xử lý đúng mức độ.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Bên cạnh tài, cần xét đến khía cạnh đạo đức cán bộ
Ông Nguyễn Túc Ảnh: Quang Vinh
Qua thực tiễn những vụ án đã xử và sắp xét xử cho thấy phẩm chất đạo đức của không ít cán bộ đang có vấn đề. Do đó, song song với vấn đề bàn về nâng cao trình độ chuyên môn, hay còn gọi là tài, tại Hội nghị Trung ương 7 lần này thì phần quan trọng còn hơn cả tài đó là giáo dục phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ. Nếu cán bộ không có đức thì dù chuyên môn có giỏi đến mấy cũng không thực hiện được tốt trách nhiệm mà Đảng giao cho. Thậm chí, chuyên môn tốt mà phẩm chất đạo đức không được đảm bảo, lại dùng trí tuệ để phục vụ lợi ích cá nhân thì còn nguy hiểm hơn.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN
Những quyết sách tại hội nghị sớm đi vào cuộc sống
Ông Hoàng Xuân Điền Ảnh: Lê Hiệp
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều việc mà Đảng nói được là làm được, nhiều việc rất được người dân ủng hộ, nhất là trong việc xử lý đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm. Ngay cả những lãnh đạo cao cấp như ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh... cũng bị đưa ra xét xử theo pháp luật thì chúng tôi tin rằng, việc xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm, tham ô, tham nhũng là “không có vùng cấm” đúng như những gì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. Vì vậy, người dân chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Hội nghị Trung ương 7 lần này sẽ thành công và đạt được nhiều kết quả. Hy vọng rằng những quyết sách tại hội nghị sẽ sớm được triển khai vào thực tiễn cuộc sống.
Ông Hoàng Xuân Điền, P.Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội
Có cơ chế trọng dụng và thu hút nhân tài
Thạc sĩ Ngô Thế Nghị Ảnh: NVCC
Hy vọng tại hội nghị lần này, Đảng sẽ có một nghị quyết mới về xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược có đủ tầm, tài, tâm, có tư duy đột phá, kiến tạo sự phát triển, thích ứng với cách mạng khoa học công nghệ 4.0; đồng thời, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong công tác cán bộ, có đội ngũ cán bộ thật sự trong sạch, thật lòng phụng sự Tổ quốc...
Bên cạnh đó, với đề án cải cách tiền lương trình hội nghị lần này, tôi cũng hy vọng chúng ta sẽ xây dựng được chính sách tiền lương tiến bộ, hợp lý, có cơ chế để đãi ngộ, trọng dụng và thu hút nhân tài, đặc biệt là những tài năng trẻ.
Thạc sĩ Ngô Thế Nghị, cán bộ Đoàn, giảng viên Khoa Chính trị học,Học viện Thanh Thiếu niên VN
Cải cách tiền lương sẽ tạo động lực cho người trẻ
Anh Nguyễn Văn Vương Ảnh: NVCC
Tôi kỳ vọng rằng, hội nghị lần này sẽ tạo ra đột phá trong chính sách tiền lương vì đây là một chính sách có tầm ảnh hưởng tới nhiều cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước, nhất là những công chức, viên chức ở địa phương, những người trực tiếp thi hành và tiếp xúc với người dân. Nếu chính sách tiền lương đáp ứng được nhu cầu cơ bản của cuộc sống, thì chất lượng dịch vụ công sẽ được nâng lên, đồng thời tình trạng “tham nhũng vặt” cũng sẽ cơ bản được giải quyết. Bên cạnh đó, nếu chính sách tiền lương tạo được sự công bằng, minh bạch, tránh tình trạng “sống lâu lên lão làng” thì sẽ tạo động lực cống hiến cho những người trẻ vì chính những người trẻ đóng vai trò trực tiếp trong việc hoàn thành các nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Anh Nguyễn Văn Vương, Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía bắc, Tổng cục Biển - Hải đảo VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.