Tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề Thủ Thiêm

10/07/2020 06:19 GMT+7

Thông tin trên được lãnh đạo UBND TP.HCM nhấn mạnh tại kỳ họp HĐND TP khai mạc hôm qua 9.7.

Nội dung kỳ họp, dự kiến kéo dài đến 11.7, nhằm để đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm 2020. Báo cáo tại kỳ họp, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP, cho biết 6 tháng đầu năm tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 163.200 tỉ đồng, bằng 40,2% dự toán cả năm; tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 2% so cùng kỳ; giải ngân đầu tư công triển khai trên thực tế đạt gần 18.000 tỉ đồng, bằng 43% kế hoạch… Sắp tới, TP sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ chuyên gia nước ngoài trở lại làm việc; hoàn thành đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách, giải quyết dứt điểm khiếu nại tập trung đông người ở Khu công nghệ cao, Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói về "bài học" sau sai phạm ở Thủ Thiêm

Đối thoại với người dân Thủ Thiêm trong tháng 7.2020

Liên quan khu 4,39 ha (P.Bình An, Q.2), ông Liêm cho biết TP đã phê duyệt hệ số hoán đổi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đơn giá đất tại các khu đất tái định cư để tính bù trừ chênh lệch diện tích hoặc giải quyết bằng tiền; phê duyệt chính sách giải quyết bồi thường bổ sung cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng.
Trong tháng 6.2020, UBND Q.2 đã công khai chính sách và cách tính bồi thường đối với từng hộ gia đình, cá nhân. Dự kiến trong tháng 7.2020, UBND Q.2 sẽ tiếp xúc, vận động hiệp thương với các hộ dân; hoàn tất hồ sơ và ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung cho từng hộ dân trong tháng 8.2020. Trong tháng 9.2020, Q.2 bàn giao nền đất, căn hộ chung cư và chi trả bổ sung bằng tiền cho các hộ dân bị ảnh hưởng. TP đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phân lô nền với 3 lô đất thuộc khu chức năng số 7 trong KĐTM Thủ Thiêm và 2 lô đất thuộc khu chỉnh trang 294,6 ha kế cận KĐTM Thủ Thiêm để bố trí tái định cư cho người dân.
Liên quan đến buổi đối thoại với người dân 5 khu phố thuộc 3 phường: Bình An, Bình Khánh và An Khánh khiếu nại nhà đất nằm ngoài ranh KĐTM Thủ Thiêm, trao đổi bên lề kỳ họp, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết vào cuối tháng 7.2020, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ cùng các bộ ngành và UBND TP sẽ tổ chức buổi đối thoại với người dân.

Bức tranh kinh tế TP.HCM 6 tháng đầu năm 2020 nhìn từ những con số

Đề xuất dùng hương ước quản lý “loa kẹo kéo”

Cũng tại kỳ họp, trình bày báo cáo kiến nghị của cử tri, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, cho biết cử tri rất bức xúc tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, MTTQ đã 2 lần kiến nghị UBND TP chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các cấp chấn chỉnh hoạt động karaoke, ca nhạc đường phố tại các buổi liên hoan, tiệc tùng ở các khu dân cư với dàn âm thanh công suất lớn, ảnh hưởng sinh hoạt và sức khỏe của người dân.
Tuy nhiên, các đơn vị thiếu kiên quyết trong việc xử lý những trường hợp hát karaoke với tiếng ồn quá lớn, nên nhiều hộ dân vẫn liên tục bị “tra tấn” vì loa karaoke kéo, xảy ra bất hòa, thậm chí còn xảy ra án mạng. “Loại hình karaoke di động không còn là loại hình giải trí đơn thuần mà đã và đang trở thành vấn nạn, gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân”, bà Châu nhận định và đề nghị ngoài việc kiểm tra, xử lý theo Nghị định số 167/2013 của Chính phủ, cần đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào hương ước, quy ước của khu phố, ấp để tuyên truyền, nhắc nhở người dân tự giác thực hiện.

Nếu thành lập, thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM sẽ như thế nào?

Năm 2025 sẽ hết ngập, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông ?

Tại phiên thảo luận tổ chiều 9.7, góp ý cho văn kiện đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11, đại biểu Trần Thanh Trí (Q.12) đề nghị loại bỏ những nội dung trùng lặp. Trong văn kiện, TP đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hết: ngập, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, đại biểu Trí lo ngại về tính khả thi của các mục tiêu này, nhất là tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trở thành vấn nạn nhức nhối trong những năm qua. Mặt khác, 7 chương trình đột phá của nhiệm kỳ hiện nay, trong đó có các chương trình về giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ngập nước nhưng chưa có chương trình nào hoàn thành.
Trao đổi với PV Thanh Niên về đề xuất lập hương ước, bà Châu cho biết nếu được UBND TP nghiên cứu, triển khai thì ban điều hành khu phố, tổ dân phố, ấp cùng các tổ chức đoàn thể cùng thảo luận, xây dựng và áp dụng cho từng cộng đồng. Dù hương ước không có tính pháp lý nhưng nó có tính cộng đồng để điều chỉnh hành vi của cư dân.
Trong khi đó, ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP, nhìn nhận ngoài biện pháp xử phạt thì cũng cần phải tạo sân chơi cho người dân tham gia. Tại một số địa phương, hằng tuần đều tổ chức ca nhạc đờn ca tài tử, hội thi karaoke để người dân tham gia, giao lưu góp phần giảm hát karaoke bằng “loa kẹo kéo”. Về đề xuất dùng hương ước quản lý karaoke kẹo kéo, ông Đức cho rằng TP.HCM là đô thị, khác với các tỉnh nên hương ước chỉ khuyến khích cộng đồng, nâng cao ý thức chứ không thể dùng để thực hiện xử lý vi phạm hành chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.