Tập trung cho cả 'hạ tầng mềm'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
30/12/2020 08:25 GMT+7

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình lưu ý, về hạ tầng, không chỉ tập trung cho hạ tầng giao thông, xây dựng mà còn có hạ tầng cho các lĩnh vực khác, trong đó có hạ tầng kinh tế số.

Nói về những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch cần đặc biệt chú ý, nhất là tập trung lập quy hoạch tổng thể quốc gia, đất đai, quy hoạch vùng và quy hoạch của các bộ quản lý chuyên ngành, các quy hoạch tỉnh, để cơ bản xong trong năm tới.
Cùng với đó, dự trù các nguồn vốn, kế hoạch thực hiện cụ thể với các dự án và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phối hợp với Bộ KH-ĐT xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn. “Việc thực hiện nhiệm vụ năm 2021 không chỉ cho năm 2021 mà còn chuẩn bị cho các năm sau, đặc biệt là vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản. Cần tập trung thực hiện các thủ tục đầu tư, tránh tình trạng dự án 5 năm thì mất 2 năm chuẩn bị. Phải đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho những dự án chậm tiến độ về thủ tục, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn”, ông Dũng nói.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình lưu ý thêm, về hạ tầng, không chỉ tập trung cho hạ tầng giao thông, xây dựng mà còn có hạ tầng cho các lĩnh vực khác, trong đó có hạ tầng kinh tế số.
Theo Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số cần đầu tư nhưng không nhiều, khoảng từ 1 - 1,5% ngân sách hằng năm và 10% số này là dành cho an toàn, an ninh mạng và Bộ TT-TT cùng các doanh nghiệp có thể cung cấp để các bộ, ngành chỉ cần thuê dịch vụ, thuê hạ tầng là cách tiếp cận tốt hơn là tự đầu tư, tự vận hành khai thác.
“Thay vì làm dần dần, làm từng phần thì làm ngay, làm toàn diện, đặt mục tiêu cao và làm nhanh. Đây là sự khác biệt căn bản giữa cách tiếp cận công nghệ thông tin và chuyển đổi số”, ông Hùng nói và cho hay, trong tháng 1.2021, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT-TT và các bộ liên quan, các doanh nghiệp số của Việt Nam sẽ công bố các nền tảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho hợp tác xã, hộ kinh doanh… cũng như một số nền tảng chuyển đổi số cho ngành, nhất là y tế, giáo dục... và miễn phí từ 6 tháng đến 1 năm.
Về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ông Hùng cũng khẳng định không làm tuần tự mà hướng ngay đến mục tiêu 100%, theo đó trong quý 1/2021 sẽ đưa 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngoài kết quả phòng chống Covid-19, trong năm 2020, ngành y tế được đánh giá là điểm sáng của chương trình chuyển đổi số quốc gia với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng thành tựu số trong y học, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ của ngành.
Theo ông Long, dự kiến ngay trong quý 1/2020, ngành y tế sẽ khai trương chương trình điều hành điện tử trạm y tế xã với trên 10.600 trạm và đặc biệt 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân đã được tạo lập trong hơn 5 tháng qua, tiến tới đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, khám điều trị ngoại trú không dùng giấy, giúp người dân theo dõi được tình trạng sức khỏe của mình và xây dựng một nền y tế thông minh...
Đánh giá về kết quả của việc chuyển đổi số trong ngành công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tự tin cho hay, trong công tác xúc tiến thương mại, VN là một trong 2 quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức các hội nghị giao thương, xúc tiến thương mại trực tuyến trong bối cảnh Covid-19. Các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các nền tảng số vào xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu theo hướng kết hợp trực tiếp và trực tuyến đã giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu có hiệu quả ngay tại “nhà”. “Trong năm 2020 đã có trên 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế bằng hình thức trực tuyến, với trên 1 triệu phiên giao thương qua mạng đến khắp 5 châu lục”, ông Tuấn Anh thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.