Táo tợn ‘rút ruột’ hơn 11.000 lít xăng dầu từ xe bồn

Trên đường vận chuyển xăng dầu từ TP.Đà Nẵng đi các tỉnh Tây nguyên, các tài xế tạt vào điểm hẹn để 'xả' bớt hàng. Vụ 'rút ruột' liều lĩnh này vừa bị phát hiện tại Quảng Nam.

Trên đường vận chuyển xăng dầu từ TP.Đà Nẵng đi các tỉnh Tây nguyên, các tài xế tạt vào điểm hẹn để 'xả' bớt hàng. Vụ 'rút ruột' liều lĩnh này vừa bị phát hiện tại Quảng Nam.

Lượng xăng dầu trái phép của bà Thảo tại H.Đại Lộc đang được tạm giữ để mở rộng điều tra - Ảnh: K.TháiLượng xăng dầu trái phép của bà Thảo tại H.Đại Lộc đang được tạm giữ để mở rộng điều tra - Ảnh: K.Thái
Có niêm phong nhưng vẫn bị hút
Đến chiều qua 8.1, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an Quảng Nam vẫn đang đong đếm cụ thể khối lượng xăng dầu trái phép mà đơn vị tạm giữ khi bắt quả tang vụ tài xế xe bồn hút trộm bán cho các điểm mua bán ở H.Đại Lộc.
Lượng xăng dầu hơn 11.000 lít (theo khai báo ban đầu) hiện cất giữ tại kho tang vật của Công an Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ. Mẫu tang vật cũng đang gửi giám định, trong khi xuất xứ nguồn hàng, mua của những tài xế nào… vẫn đang được mở rộng điều tra.
Đây là vụ “rút ruột” xăng dầu quy mô lớn vừa bị PC46 bắt giữ sau hơn 1 tuần tổ chức trinh sát, theo dõi.
Trước đó, chiều ngày 4.1, tổ công tác của PC46 đã bắt quả tang tài xế Huỳnh Đức Hùng (37 tuổi, trú TT.Ái Nghĩa, H.Đại Lộc, Quảng Nam) đang rút hơn 100 lít xăng từ xe bồn BS 43C-00028 để bán cho bà Lương Thị Kim Thảo (36 tuổi, trú xã Đại Hồng, H.Đại Lộc).
Cùng thời điểm này, ở nhà đối diện, tài xế Nguyễn Văn Lâm (49 tuổi, trú Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) cũng đang “rút” 200 lít xăng từ xe bồn BS 43H-3334 để bán cho bà Tăng Thị Xuân Lài (31 tuổi).
Mở rộng kiểm tra, tổ công tác phát hiện bà Thảo đang cất trữ khoảng 6.000 lít xăng dầu trong 26 thùng phuy và 55 can nhựa tại kho chứa. Trong khi đó, ở bãi đất trống cạnh nhà bà Thảo, có hơn 5.000 lít xăng dầu trữ trong 28 thùng phuy nhưng chưa xác định được chủ sở hữu.
Tài xế “thuê lại” tài xế!
Theo kết quả điều tra ban đầu của PC46 Công an Quảng Nam, Hùng là nhân viên thuộc Công ty TNHH Quang Vinh (ở TP.Đà Nẵng), một đơn vị chuyên vận chuyển xăng dầu theo hợp đồng lên Gia Lai. Còn Lâm là tài xế của Công ty CP thương mại và vận tải Petrolimex Đà Nẵng, thường hợp đồng chuyển hàng lên Kon Tum. Nguồn hàng mà các tài xế này vận chuyển đều lấy từ kho của Công ty Xăng dầu khu vực 5 (đóng ở Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng).
Mỗi chuyến vận chuyển, các tài xế “tạt” vào điểm hẹn tại H.Đại Lộc để hút khoảng 100 - 200 lít xăng dầu bán cho các điểm thu mua với giá khoảng 14.000 đồng/lít, thấp hơn 2.000 đồng so với giá thị trường; sau đó, nguồn xăng dầu tích trữ tiếp tục được bán ra thị trường.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Lê Quang Đài, Giám đốc Công ty CP Thương mại và vận tải Petrolimex Đà Nẵng cho hay tài xế Nguyễn Văn Lâm “có liên quan” đến nhân viên của công ty do ông quản lý.
Theo đó, tài xế Lâm được nhân viên của công ty là P.K.H (trú tại TP.Đà Nẵng, làm việc cho công ty hơn 10 năm qua) thuê lại để vận chuyển xăng dầu lên các tỉnh Tây nguyên theo đơn hàng. Tuy nhiên, chỉ đến khi tài xế Lâm bị công an bắt giữ, công ty mới hay tài xế P.K.H vì bị ốm, không thể vận chuyển nên mới thuê lại tài xế tên Lâm thay thế công việc. “Trường hợp lái xe đau ốm gì thì phải báo để công ty điều chuyển nhân viên khác đảm nhận nhiệm vụ vì công ty không thiếu người. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm việc này”, ông Đài khẳng định và kiến nghị, cơ quan công an cần xử lý quyết liệt hành vi tài xế Nguyễn Văn Lâm.
Có dấu hiệu thông đồng?
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, đại tá Lê Văn Hồng (Trưởng phòng PC46 Công an Quảng Nam) cho biết có nhiều điểm phi lý xung quanh đường dây hút trộm xăng dầu này. Trước hết, các xe bồn thường xuyên dừng để xả lượng lớn xăng dầu cho các điểm thu mua trái phép như vậy, nhưng chính quyền địa phương không “phát hiện”.
Đặc biệt là nghi vấn về tình trạng thông đồng giữa bộ phận niêm phong bồn xăng (trước khi xuất bến) với tài xế. Qua kiểm tra, các nẹp chì khá lỏng đủ để tài xế nâng van lên và cho ống vào bồn hút. Hiện cơ quan điều tra cũng đang làm rõ “thủ thuật” thắng nhồi liên tục của các tài xế khi xe bồn sắp đến điểm giao hàng chính để làm tăng độ giãn nở của xăng dầu trong bồn chứa, nhằm đánh lừa khách hàng về lượng hàng hao hụt.
“Các công ty vận chuyển sẽ phải phối hợp kiểm tra, lý giải vì sao các niêm phong lại lỏng lẻo như thế. Nếu không phát hiện, các xe bồn cứ “xả” hàng liên tục như vậy thì còn có bao nhiêu lượng xăng dầu sẽ thất thoát?”, đại tá Hồng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.