Tăng tốc tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm ưu tiên

Liên Châu
Liên Châu
11/03/2021 07:31 GMT+7

Bộ Y tế đã yêu cầu các điểm tiêm chủng vắc xin Covid-19 tăng tốc tiêm, đảm bảo số lượng tiêm kịp thời, an toàn.

Một số trường hợp phản ứng sau tiêm hiện đã ổn định

Ngày 10.3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết 2021 là năm bản lề trong tiến trình thực hiện đổi mới mạnh mẽ của ngành y tế trên nhiều lĩnh vực, như: khám chữa bệnh, y tế dự phòng và đào tạo nhân lực y tế... Theo ông Long, ngành y tế đang tập trung ưu tiên triển khai thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19. Bộ Y tế đã yêu cầu các điểm tiêm chủng tăng tốc tiêm, đảm bảo số lượng tiêm kịp thời, an toàn.

Sáng 11.3: Không có ca mắc mới Covid-19, bệnh nhân nặng nhất đang tập tự thở

Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR), sau 2 ngày đầu (8 - 9.3) tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam, 522 người trong nhóm ưu tiên đã được tiêm. Cơ quan y tế đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin của AstraZeneca, đa số là phản ứng thông thường sau tiêm đã được khuyến cáo trước đó như: đau cơ, mệt mỏi, sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng đau tại chỗ tiêm, buồn nôn. Có 5 trường hợp được theo dõi xử trí tại bệnh viện (BV); trong đó có 2 trường hợp phản vệ độ 2, đã được xử lý theo quy định và tình trạng sức khỏe đã trở lại bình thường; 3 trường hợp có biểu hiện tiêu chảy, dị ứng... Sức khỏe của tất cả các trường hợp trên hiện đã ổn định.
Theo lưu ý từ Chương trình TCMR, vắc xin Covid-19 là vắc xin mới, người được tiêm phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế. Các điểm tiêm chủng đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lưu giữ và bảo quản vắc xin, bố trí các khu vực chức năng (chỗ đón tiếp, nơi ngồi chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng xử lý sốc phản vệ), được trang bị hộp chống sốc và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch. Tất cả những người đi tiêm chủng đều được khám sàng lọc và phổ biến cách theo dõi sức khỏe cũng như phản ứng sau tiêm để được xử lý và điều trị kịp thời.

Tâm sự cô giáo Hải Dương trở thành người đầu tiên tiêm vắc xin Covid-19

Sau tiêm vắc xin Covid-19, nhiều người có triệu chứng giống cúm

Ngày 10.3, nguồn tin riêng của PV Thanh Niên cho biết, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã có báo cáo tình hình tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca cho hơn 100 nhân viên y tế BV này. Theo đó, sau tiêm vắc xin Covid-19, có 48% người có triệu chứng giống cúm: sốt, đau mỏi người và hiện đã ổn; 2 người bị mẫn ngứa và uống thuốc cũng đã hết. Hiện tất cả đều đi làm bình thường.
Trước đó, sáng 8.3, Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam(VNVC) đã chuyển vắc xin đến BV Bệnh nhiệt đới để tiêm cho hơn 100 cán bộ nhân viên BV này. Ngày tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên diễn ra tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM an toàn. Hiện còn 800 nhân viên y tế BV này chuẩn bị tiêm các đợt tiếp theo.
Trong khi đó, với 8.000 liều vắc xin Covid-19 mà Bộ Y tế cấp, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết đang chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 đợt 1 đúng đối tượng ưu tiên.
Duy Tính

Vắc xin Covid-19 “made in VN” được tiêm cho tình nguyện viên 76 tuổi

Cùng ngày, thông tin từ Học viện Quân y (HVQY, Bộ Quốc phòng) cho biết, Trung tâm nghiên cứu lâm sàng và tương đương sinh học của HV đã hoàn thành tiêm mũi 1 vắc xin Nano Covax cho 560 người tình nguyện. Mũi 2 sẽ được tiêm cách mũi 1 sau 18 ngày. Đây là những người tình nguyện tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax do HVQY thực hiện. Trong lần tiêm này, người cao tuổi nhất là tình nguyện viên 76 tuổi đã được tiêm vắc xin, và cũng là người lớn tuổi nhất tham gia TNLS đến thời điểm này.
Trước đó, từ tháng 12.2020 - 2.2021, HVQY đã hoàn thành giai đoạn 1 nghiên cứu TNLS vắc xin Nano Covax do Công ty Nanogen (TP.HCM) nghiên cứu phát triển. Giai đoạn 1 có 60 người tình nguyện được tiêm, đều cho kết quả an toàn với 2 mũi tiêm. Trong giai đoạn 2, Bộ Y tế cho phép tiêm cho các tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18 đến trên 65, thay vì chỉ đến 65 tuổi như giai đoạn 1.
* Tại Trường ĐH Y Hà Nội, ngày 15.3 sẽ chính thức triển khai nghiên cứu TNLS giai đoạn 1 vắc xin Covivac (do Viện Vắc xin và sinh phẩm, Bộ Y tế, nghiên cứu phát triển).

Vắc xin Covid-19 được bảo quản thế nào trong kho lạnh ở Việt Nam?

Lộ trình tiếp nhận và cung ứng 60 triệu liều vắc xin Covid-19 tại Việt Nam

Tối 10.3, Bộ Y tế cho biết đã có kế hoạch tiếp nhận 60 triệu liều vắc xin Covid-19 do COVAX Facility (COVAX) cung cấp và từ nguồn nhập khẩu. Trong đó, theo thông báo của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), ngày 25.3, lô vắc xin đầu tiên từ nguồn COVAX với 1,37 triệu liều trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều sẽ về đến Việt Nam. Lô tiếp theo với 2,8 triệu liều tiếp tục về Việt Nam ngày 25.4.
Như vậy, đến hết tháng 4, Việt Nam sẽ tiếp nhận 4,17 triệu liều vắc xin Covid-19 (AstraZeneca sản xuất) từ nguồn hỗ trợ của COVAX. Khoảng 25,9 triệu liều vắc xin còn lại được chuyển về Việt Nam trong thời gian từ tháng 8 - 11 năm nay.
Về 30 triệu liều vắc xin Covid-19 Việt Nam mua từ AstraZeneca, thông qua Công ty VNVC cung ứng, Bộ Y tế cho biết, VNVC là một trong 3 tổ chức được AstraZeneca đồng ý cung cấp vắc xin tại Việt Nam. VNVC sẽ chuyển giao vắc xin mua được từ AstraZeneca cho Bộ Y tế theo cơ chế phi lợi nhuận, với tổng kinh phí đã chi trả 30 triệu USD. Lô đầu tiên 117.600 liều đã về Việt Nam, đang được tiêm cho nhóm ưu tiên. Dự kiến, các đợt vắc xin tiếp theo với tổng số 29,87 triệu liều sẽ về đến Việt Nam vào tháng 4 (1,48 triệu liều), tháng 5 (2,76 triệu liều), tháng 6 (5,04 triệu liều), tháng 7 (7,32 triệu liều) và tháng 8 (13,27 triệu liều).    
Liên Châu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.