Tàn sát gỗ quý ở nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
31/03/2019 03:00 GMT+7

Dư luận ở Quảng Bình không khỏi bàng hoàng sau khi cơ quan chức năng địa phương liên tiếp phát hiện 2 vụ phá rừng nghiêm trọng, trong đó lâm tặc tàn sát gỗ quý tại những nơi xung yếu được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ...

Hôm qua 30.3, Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh Quảng Bình điều động lực lượng kiểm lâm cơ động với trang thiết bị hiện đại đến khu vực biên giới Việt - Lào (thuộc địa bàn xã Thượng Trạch, H.Bố Trạch) để hỗ trợ tiếp tục tìm kiếm và bảo vệ số gỗ mun được chôn giấu tinh vi vừa tìm thấy.
Lực lượng chức năng phát hiện lượng lớn gỗ mun chôn giấu tại Thượng Trạch ngày 29.3 ẢNH: HUÊ MINH
Lực lượng chức năng phát hiện lượng lớn gỗ mun chôn giấu tại Thượng Trạch ngày 29.3 ẢNH: HUÊ MINH
Trước đó, ngày 28.3, một người giấu mặt đã liên lạc với lãnh đạo CCKL báo tin có lượng lớn gỗ mun cất giấu trong rừng và trong vườn nhà dân địa phương. Nguồn tin đề nghị CCKL cử lực lượng trinh sát bí mật lên Thượng Trạch để người này dẫn đến nơi giấu gỗ. Thế nhưng sau đó “người giấu mặt” báo tin về nạn tàn sát gỗ quý, là gỗ đã được tẩu tán hết.
Tuy nhiên, bằng trực quan và các biện pháp nghiệp vụ, Hạt Kiểm lâm Bố Trạch vẫn được giao nhiệm vụ tìm kiếm số gỗ như tin báo, đồng thời các lực lượng trên địa bàn như kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, biên phòng, công an... cũng vào cuộc phối hợp.
Ngày 29.3, các lực lượng tìm thấy tổng cộng 96 phách gỗ, tương đương 6,5 m3, nhận định ban đầu là gỗ mun. Các phách gỗ đã được cưa xẻ vuông cạnh kích cỡ 30 - 50 cm, dài 3 - 4 m, được giấu dưới hố, lấp đất và phủ cây cỏ lên trên. Trên thị trường, loại gỗ này rất hiếm và có giá trị rất cao.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng CCKL Quảng Bình, cho hay hiện gỗ đã được tập kết về trụ sở chính quyền địa phương, được phối hợp canh giữ, bảo vệ nghiêm ngặt. Vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc, chi cục đã tăng cường lực lượng canh giữ.

Nhiều nghi vấn

Câu hỏi đặt ra là số gỗ mun này xuất xứ từ đâu, có liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng vừa được phát hiện trong lâm phận Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (thuộc xã Thượng Trạch) hay không? Theo một cán bộ kiểm lâm, để trả lời cần giám định và xác minh gỗ tang vật.
Trước đó, ngày 4.3, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Bình với nội dung: cuối tháng 2, Ban Quản lý vườn kiểm tra hiện trạng rừng trong lâm phận quản lý tại khu vực biên giới xã Thượng Trạch, phát hiện 66 cây gỗ bị khai thác trái phép tại các tiểu khu 649, 650 với tổng khối lượng thiệt hại khoảng 70 m3. Trong đó, có 45 cây gỗ mun (nhóm IIA); 21 cây các loại như táu, trâm, bài lài, bộp… (bị cưa đổ để phục vụ việc khai thác gỗ mun). Các cây gỗ đều bị hạ bằng máy cưa xăng, thời gian khai thác khoảng tháng 11 - 12.2018. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng của vườn quốc gia còn phát hiện, thu giữ 1,4 m3 gỗ không có giấy tờ hợp pháp (trong đó có 0,96 m3 gỗ mun) nghi là tang vật của vụ việc đang cất giấu tại một nhà dân ở bản Cóc, xã Thượng Trạch.
Với tính chất nghiêm trọng, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, đã có ý kiến chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Theo đó, lực lượng liên ngành của tỉnh Quảng Bình và H.Bố Trạch đến Thượng Trạch kiểm đếm, khám nghiệm hiện trường phá rừng.
Nguồn tin của PV Thanh Niên cho hay, kết quả xác định có đến hơn 100 m3 gỗ bị chặt hạ, trong đó gần 60 m3 là gỗ mun. Đáng chú ý, sau khi tàn sát gỗ quý, lâm tặc để lại hiện trường đến hơn 80 m3 gỗ (kể cả gỗ mun), chỉ lấy đi khoảng 20 m3 gỗ mun giá trị loại lâu năm, không bị sâu mọt, kích cỡ lớn...
Vụ phá rừng tại Phong Nha - Kẻ Bàng chưa nguôi, thì lực lượng kiểm lâm H.Quảng Ninh lại phát hiện rừng trong lâm phận Lâm trường Trường Sơn (xã Trường Sơn), thuộc Công ty TNHH MTV lâm công nghiệp Long Đại, bị lâm tặc "tùng xẻo" để lấy gỗ lim. Cụ thể, tại tiểu khu 329 có 45 cây gỗ quý như lim, gõ bị chặt hạ; 21 lóng gỗ chưa kịp di chuyển khỏi hiện trường có khối lượng hơn 16 m3, và gần 5 m3 gỗ khác cất giấu trong rừng. Thời điểm chặt hạ cũng được xác định vào cuối năm 2018.
Vụ tàn sát gỗ quý này đặt ra nhiều câu hỏi về quản lý rừng và có hay không sự tiếp tay, thông đồng của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Bởi hiện trường chỉ cách đường Hồ Chí Minh nhánh tây khoảng 2 km, nằm trong rừng sản xuất có trồng cây keo, nhất là rất gần với Trạm quản lý và bảo vệ rừng của Lâm trường Trường Sơn.
Hai khu vực rừng có nhiều gỗ quý bị tàn sát đều nằm ở thế độc đạo và đường đi đến có rất nhiều trạm, tổ kiểm soát lâm sản. Liên quan vụ việc, 2 ông Nguyễn Hoài Nam (Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Thượng Trạch) và Cao Thái Hưng (trạm phó) đã bị kỷ luật cách chức; 1 nhân viên bị cảnh cáo và 4 nhân viên kiểm lâm khác bị khiển trách. Ông Hoàng Văn Toản (Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Lâm trường Trường Sơn) bị cách chức; 3 nhân viên của trạm bị thuyên chuyển công tác khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.