Tan hoang rừng M’ĐRắk

01/08/2012 03:25 GMT+7

Tận mắt chứng kiến rừng bị phá tan hoang tại hiện trường, PV Thanh Niên ghi nhận những gì cơ quan kiểm lâm địa phương báo cáo là hoàn toàn sai sự thật. Hàng loạt cây lớn bị đốn hạ nhưng báo cáo cho rằng “chưa chặt hạ cây rừng”...

Sáng qua 31.7, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, Hạt Kiểm lâm H.M’ĐRắk và Hạt Kiểm lâm H.Sông Hinh phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Sông Hinh tiến hành kiểm tra khu vực rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh này bị lâm tặc dùng xe cơ giới mở đường, khai thác gỗ trái phép. Phóng viên Thanh Niên cùng đoàn công tác của 2 tỉnh vào tận khu rừng giáp ranh đã bị lâm tặc tàn phá.

Tan hoang rừng M’ĐRắk
Những cây gỗ to đường kính 60 cm bị lâm tặc đốn hạ, chỉ còn trơ gốc - Ảnh: Đức Huy

“Chúng phá cỡ này mà ai bảo là rừng chưa bị tác động ?”

Trên đường vào, chúng tôi ghi nhận lâm tặc đã chọn vị trí trên triền dốc cao để mở đường, sau đó tiến hành khai thác gỗ dọc hai bên triền núi. Nhiều cây to, đường kính gần 60 cm bị đốn hạ bằng cưa lốc trơ gốc. Một số cây chưa kịp tẩu tán ra khỏi rừng. Trên đường đi, ông Trần Ngọc Tiên, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Hòn Đen (BQLRPH Sông Hinh), bức xúc: “Lâm tặc không chỉ đốn hạ những cây trên đường, mà những cây to nằm cách xa đường cũng bị đốn hạ, vận chuyển ra ngoài. Chúng phá cỡ này mà ai bảo là rừng chưa bị tác động?”.

Đoàn công tác đã đo đạc, xác định những cây bị đốn hạ có đường kính từ 24 - 60 cm và hiện còn 15 m3 trong rừng. Trong khi đó, Hạt Kiểm lâm H.M’ĐRắk báo cáo: “Xe máy đào mở đường đi qua nhưng chưa chặt hạ cây rừng, chỉ có những cây gỗ có đường kính nhỏ dưới 30 cm do việc mở đường nên số cây này bị ngã đổ sang 2 bên đường”. Giải thích về báo cáo không đúng sự thật trên, ông Lê Văn Ba, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.M’ĐRắk, thanh minh: “Đây chỉ là báo cáo ban đầu do anh em phối hợp với BQLRPH Sông Hinh kiểm tra. Bây giờ kiểm tra đã có khác, cây bị chặt hạ có cả cây đường kính gần 60 cm”.

Tại buổi làm việc, ông Trần Duy Tấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm H.Sông Hinh, nói thẳng: “Lâm tặc dùng cơ giới mở đường quy mô lớn như thế này là muốn vào sâu bên khu vực rừng phòng hộ do 2 tỉnh quản lý để khai thác trái phép, vì những khu vực này còn gỗ quý và đường kính lớn. Lâm tặc bỏ ra chi phí lớn để mở đường nhưng bị phát hiện, ngăn chặn nên chưa thu được gì. Vì vậy, sau khi lực lượng chức năng rút lui mà không có biện pháp bảo vệ thì lâm tặc sẽ quay trở lại khu vực này để khai thác gỗ trái phép”.

 

Lâm tặc không chỉ đốn hạ những cây trên đường, mà những cây to nằm cách xa đường cũng bị đốn hạ, vận chuyển ra ngoài. Chúng phá cỡ này mà ai bảo là rừng chưa bị tác động?

Ông Trần Ngọc Tiên, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Hòn Đen

Mở đường hơn 20 ngày mới biết

Buổi làm việc bắt đầu căng thẳng khi ông Lê Văn Ba, Hạt Kiểm lâm H.M’ĐRắk, đổ lỗi cho BQLRPH Sông Hinh thiếu kiên quyết trong việc bắt giữ phương tiện phạm pháp quả tang. Ông Ba cho rằng, nếu BQLRPH Sông Hinh lập biên bản tạm giữ máy đào ngay tại hiện trường trong lâm phần do ban này quản lý, rồi chuyển hồ sơ thì vụ việc đã xử lý xong.

Phản pháo lại, ông Võ Trọng Bình, Phó giám đốc BQLRPH Sông Hinh, nói: “Lực lượng chúng tôi mỏng nên mới đề nghị phía Kiểm lâm H.M’ĐRắk tăng cường phối hợp để tạm giữ tang vật, vì lâm tặc hung hãn, nguy hiểm đến tính mạng của anh em. Nếu Hạt Kiểm lâm H.M’ĐRắk tăng cường số lượng đông thì cùng với phía Sông Hinh đã giữ được xe tại hiện trường, nhưng rất tiếc...”.

Vì sao Hạt Kiểm lâm H.M’ĐRắk không điều động thêm nhiều kiểm lâm và xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo huyện để tăng cường lực lượng? Ông Lê Văn Ba phân bua: “Đến chiều 24.7, chúng tôi mới nhận chỉ đạo từ Sở NN-PTNT nên tạm thời cử anh Hồ Văn Lành, kiểm lâm viên địa bàn xã CưPrao, đến hiện trường quan sát. Ngay sáng 25.7, tôi cũng cử thêm 2 cán bộ kiểm lâm nữa vào hiện trường. Và đến trưa cùng ngày, tôi cử anh Lê Ngọc Tam, Tổ phó tổ cơ động đến tăng cường. Lực lượng chúng tôi mỏng, dàn trải nên phải có thời gian mới điều động được”. Tổng cộng, lực lượng mà Hạt Kiểm lâm H.M’ĐRắk điều động đến hỗ trợ trong vụ việc này là ... 4 người.

Ông Ba cũng thừa nhận Kiểm lâm H.M’ĐRắk “có lơ là” trong việc tuần tra nên chưa phát hiện kịp thời vụ phá rừng này. “Lâm tặc phá rừng, mở đường phải hơn 20 ngày, kiểm lâm mới phát hiện”, ông Ba nói. Trong khi đó, ông Lê Văn Bé, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, nhận định: “Nếu BQLRPH Sông Hinh phát hiện không kịp thời thì vụ việc còn phức tạp hơn nữa, rừng bị phá sẽ nghiêm trọng hơn”.

Tan hoang rừng M’ĐRắk
Kiểm lâm 2 tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk đo đạc, thống kê số lượng cây bị đốn hạ

Đẩy trách nhiệm cho chính quyền xã

Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên chưa đả động gì đến trách nhiệm của kiểm lâm trong việc có làm ngơ hay không cho lâm tặc phá rừng, có lẽ vì sợ... mất lòng giữa 2 đơn vị. Trong khi đó, tại buổi làm việc hôm qua, phía kiểm lâm đã đẩy trách nhiệm vụ việc sang phía chính quyền cấp xã.

Ông Lê Văn Ba cho rằng, lâm phần bị lâm tặc mở đường đã giao lại cho xã CưPrao quản lý. Còn ông Trần Duy Tấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sông Hinh, thì nói: “Lâm tặc mở đường không phải chỉ mới 5-10 ngày mà đã lâu rồi, nhưng địa phương không triển khai ngăn chặn. Đây là trách nhiệm của chính quyền xã CưPrao. Nói vậy chứ chính quyền xã làm sao lại không biết được xe của ông nào, ở đâu vào khai thác. Nói chung là chính quyền xã biết hết chứ sao không biết”. Tuy nhiên ông Tấn cũng đề nghị cần xử lý trách nhiệm cán bộ kiểm lâm xã phụ trách lâm phần này.

Kết thúc buổi làm việc hôm qua, kiểm lâm 2 tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk thống nhất lập tổ chốt chặn ngay tại cửa rừng và thường xuyên tuần tra trong vùng giáp ranh lâm tặc đã mở đường để bảo vệ, không cho chúng vào khai thác khu vực rừng đã bị tác động. Để tiếp tục làm rõ vụ việc, ông Huỳnh Văn Tiếu, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Đắk Lắk sẽ vào cuộc, điều tra vụ phá rừng này.

Né phóng viên

Tại hiện trường, PV Thanh Niên đề nghị làm việc với ông Huỳnh Văn Tiếu, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk để làm rõ có hay không việc kiểm lâm làm ngơ cho lâm tặc phá rừng, nhưng ông Tiếu hẹn “khi có thống nhất với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên” thì trả lời. Thế nhưng, khi buổi làm việc kết thúc thì ông Tiếu lại nói là theo phân công của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, ông không phải là người phát ngôn với báo chí !

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.