Tận diệt chim trời

28/04/2013 03:25 GMT+7

Thời Cách mạng văn hóa, Trung Quốc thiết lập các công xã nhân dân, lao động tập thể, tuyên bố sẽ tăng sản lượng nông nghiệp lên gấp bội. Bấy giờ truyền khẩu một câu chuyện: Mùa thu hoạch lúa, không hiểu sao chim sẻ lại sinh sôi nảy nở, bay đen trời. Mỗi khi đàn sẻ sà xuống sân phơi, công xã mất hàng tấn lúa. Sà xuống nhiều sân phơi, nhiều công xã mất hàng nghìn tấn lúa...

Cuối cùng họ nghĩ ra một cách, huy động cả nước mang cồng chiêng, trống mỏ, thau chậu, xoong nồi... ra đánh thâu đêm suốt sáng, ngày này qua ngày khác. Chim sẻ sợ bay lên cao, bay mãi, bay mãi, kiệt sức rơi xuống mà chết, không còn một con.

Câu chuyện đượm mùi mưu mẹo kiểu “quân sư” này ngụ ý nói gì chắc ai cũng hiểu. Nhưng những ai tin đó là chuyện thật thì nên hiến kế cho tỉnh Ninh Thuận để họ có thể áp dụng mà diệt một cách hoàn toàn, triệt để đàn chim yến vốn lâu nay người dân “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” nay bị cho là tác nhân lây truyền cúm A/H5N1. Phi cách này, Ninh Thuận không cách nào “hoàn thành oanh liệt” nhiệm vụ đề ra.

Cúm A/H5N1 tất nhiên là nguy hiểm, từ khi xuất hiện ở nước ta đến nay cũng có thể làm thiệt mạng nhiều người (cho dù không bằng số lượng tai nạn giao thông trong một tuần của cả nước, nhưng chết một người cũng đã nguy hiểm, mạng người là quý). Điều đáng nói là cách ứng xử dẫn đến sự hoảng loạn về tinh thần của người nuôi yến, mà tinh thần cũng là vốn quý. Hãy tưởng tượng, người nuôi đầu tư tiền của, công sức “gọi” về từng con chim, nay 50.000 con đã bị diệt, họ đau đớn đến thế nào?

TS Dương Văn Ni nói trên Thanh Niên đại ý rằng trên thế giới không ai làm như cách của Việt Nam, phát hiện một con nhiễm, diệt cả đàn. Sự “nhanh nhảu đoảng” này có gì đó bất bình thường, hoặc là thiếu hiểu biết, thiếu phương pháp hoặc là…sợ trách nhiệm, “giết nhầm hơn bỏ sót”, giết, tức là mình đã “hoàn thành trách nhiệm”. TS Dương Văn Ni dẫn chuyện, khi dịch cúm đến đỉnh điểm thì Thủ tướng Thái Lan lên truyền hình ăn gà rán để trấn an dân, người ta không sợ là vì người ta hiểu biết cơ chế lây lan và tự tin có thể dập tắt được, nhờ đó mà nền chăn nuôi gia cầm của họ không bị sụp đổ. Ở ta thì ngược lại, người dân chưa kịp lo thì chính quyền đã... ra tay.

Bạn đọc Thanh Niên không ai không ngạc nhiên khi đọc thông tin, nhà anh Võ Đình Công nuôi 3 lồng chim cảnh đang yên đang lành thì lực lượng công an, cán bộ P.3, Q.3 (TP.HCM) đến tịch thu để tiêu hủy. Sự “hăng hái” này cho dù nói là thực hiện chỉ thị cấp trên nhưng không thể không… khả nghi, khi các nơi khác việc nuôi và bán chim vẫn diễn ra bình thường.

Người nuôi chim cảnh rất yêu quý vật nuôi của mình, họ có thể biết “tính tình”, biết “nóng lạnh” từng con, chăm như chăm chim cảnh, yêu như yêu chim cảnh. Vậy thì tại sao chính quyền không cùng họ bàn bạc cách phòng, chống dịch bệnh như thế nào mà chỉ “thấy là diệt”? Điều này chỉ có thể lý giải là họ “làm cho xong trách nhiệm”, chỉ nghĩ “an toàn” cho mình.

Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn nhắc lại chuyện ở Quảng Bình quê tôi, thời người ta chưa nghe đến cụm từ H5N1. Thời đó nuôi được con gà con vịt là quý, phải mang đi chợ bán lấy tiền mua gạo, chỉ con nào rù (gọi là gà rù) cho uống nước tỏi không khỏe lại mà chết hẳn mới làm thịt để ăn. Chẳng thấy ai bị bệnh vì ăn gà dịch. Ông bảo, chắc mấy con vi trùng H5N1 cho vô nước sôi nó không sống nổi.

Kể chuyện này không phải để coi thường chuyện cúm A mà để nói đừng quá sợ nó. Nói như TS Dương Văn Ni, phải hiểu được sâu xa cơ chế lây lan, từ đó giải quyết các ổ dịch đúng hướng. Không thể tận diệt chim trời cá nước vì không bao giờ diệt hết được. Vậy nên, phải tìm cách sống với nó.

(Đà Nẵng đang mùa lễ hội, du khách vùng có nhiều ca nhiễm cúm H7N9 đổ vào rất đông, người ta cũng lo chuyện kiểm soát nó mà thôi, không ai cấm tiệt cả).

Nếu diệt hết chim sẻ thì Trung Quốc nay đã đưa chim sẻ vào Sách đỏ rồi!

Nguyễn Thế Thịnh

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.