Tấn công thực phẩm độc hại

11/12/2015 05:48 GMT+7

Hôm qua 10.12, vấn đề thực phẩm độc hại làm “nóng” kỳ họp HĐND TP.HCM khóa 8 trong phiên chất vấn trách nhiệm của UBND TP và các sở ngành.

Hôm qua 10.12, vấn đề thực phẩm độc hại làm “nóng” kỳ họp HĐND TP.HCM khóa 8 trong phiên chất vấn trách nhiệm của UBND TP và các sở ngành.

Đại biểu Phạm Hưng Út phát biểu tại phiên chất vấn - Ảnh: D.Đ.MinhĐại biểu Phạm Hưng Út phát biểu tại phiên chất vấn - Ảnh: D.Đ.Minh
Trong số 27 đại biểu (ĐB) chất vấn, có nhiều ý kiến đề cập thẳng đến những nỗi lo trước vấn nạn thực phẩm độc hại đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân.
Ngoài thực phẩm độc hại, các ĐB còn chất vấn lại 7 vấn đề trước đây HĐND TP.HCM đã chất vấn và ra nghị quyết yêu cầu TP chấn chỉnh, khắc phục những bất cập trong công tác chống ngập, kẹt xe, quy hoạch “treo”, trợ giá xe buýt, cải cách hành chính... Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín trả lời: “Ủy ban đã thấy được vấn đề và đang tập trung dốc sức giải quyết”.
Vấn đề ở các chợ truyền thống
“Hôm qua tôi đã nghe Giám đốc Sở Công thương báo cáo về tình hình thực phẩm tại các siêu thị và các cửa hàng trong nước, tôi và các ĐB cũng như bà con cử tri yên tâm. Nhưng đó chỉ đối với những người có điều kiện và có thời gian mua sắm”, ĐB Phạm Hưng Út nói và chất vấn: “Vấn đề tôi muốn nêu là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP là hết sức báo động. Trước tình hình đó, với trách nhiệm của Sở Công thương với lực lượng trong tay và lực lượng liên ngành như quản lý thị trường, thú y…, thì Sở có biện pháp gì và có đảm bảo được cho người dân và người công nhân ở đây mua được thực phẩm sạch hay không?”.
ĐB Từ Minh Thiện chất vấn tiếp: “Về vệ sinh an toàn thực phẩm có liên quan đến 3 sở là NN-PTNT, Công thương và Y tế. Tôi thấy sở nào cũng nêu lên những biện pháp rất chặt chẽ, nhưng tình trạng vi phạm vẫn tràn lan và không làm cho người dân yên tâm. Tôi đề nghị cần phải đề xuất được có biện pháp công bố công khai những đơn vị vi phạm, đóng cửa những cơ sở vi phạm hay không?”.
Dùng chất cấm do thương lái Trung Quốc ráo riết thu mua
Giải trình chất vấn của ĐB, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương, cho biết hiện nay có 5 doanh nghiệp của TP đã cam kết công bố 246 điểm bán rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm an toàn. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp các sở ngành có liên quan triển khai rộng ra trên các khu vực chợ. Ông Khoa vừa dứt lời, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, nói ngay: “Có một câu hỏi cụ thể mà các ĐB đặt ra, đó là công khai danh tính các đơn vị, các nhà sản xuất kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và đóng cửa có được hay không, đề nghị Sở Công thương nghiên cứu và tiếp tục trả lời”.

Vấn đề tôi muốn nêu là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP là hết sức báo động. Trước tình hình đó, với trách nhiệm của Sở Công thương với lực lượng trong tay và lực lượng liên ngành như quản lý thị trường, thú y..., thì Sở có biện pháp gì?

 

ĐB Phạm Hưng Út
Được mời lên trả lời chất vấn của ĐB, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT, trần tình: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Bộ NN- PTNT cũng như lãnh đạo UBND TP về những bức xúc liên quan đến bất cập giữa quy định của luật và thực tế. Sau đó Bộ cũng có những văn bản trả lời nhưng hết sức chung chung”. Cụ thể, ông nêu ví dụ là theo quy định của Bộ, khi phát hiện gia súc có chất cấm vẫn có thể giữ lại cho đến khi chúng thải ra hết, nếu không còn nữa thì cho giết mổ. Tuy nhiên, điều này rất nguy hiểm vì không cho tiêu hủy chúng có thể phát dịch, và thực tế ở TP.HCM đã xảy ra rồi.
“Khi tôi đặt vấn đề này ra thì đồng chí Bộ trưởng đã giao trách nhiệm Cục trưởng Cục Chăn nuôi nghiên cứu trong một tuần phải sửa thông tư, mà đến hơn một tháng mới sửa nhưng chỉ sửa nửa vời, tức là vẫn cho phép giữ lại, hoặc là tiêu hủy”, ông Trung cho biết.
Theo ông Trung, tình trạng sử dụng chất tạo nạc nổi lên thời gian qua là do thương lái Trung Quốc ráo riết thu mua heo có trọng lượng trên 120 kg đưa qua biên giới nên đã kích thích nhiều người chăn nuôi sử dụng chất cấm, một số thì đem vào tiêu thụ nội địa.
Cũng về vấn đề thực phẩm “bẩn”, ông Phan Hoàng Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP, không trả lời thẳng vào vấn đề trách nhiệm của đơn vị mà chỉ báo cáo chung chung. Lập tức bà Quyết Tâm ngắt lời: “Những số liệu đó đã báo cáo rồi, các ĐB đều đã biết. Yêu cầu các đơn vị trả lời chất vấn phải chỉ rõ nguyên nhân tại sao hiện nay tình trạng mất an toàn thực phẩm xảy ra tràn lan, thực phẩm mất an toàn lại có nhiều trên bàn ăn của người dân, cơ quan thị trường có trách nhiệm, vai trò gì và giải pháp nào cho thực trạng trên”.
Dù chủ tọa kỳ họp đã nhấn mạnh như vậy, nhưng ông Kiếm tiếp tục lòng vòng: “Đề nghị thời gian tới cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, các sở ngành của TP để giải quyết vấn đề này”. “Nhưng ai sẽ là nhạc trưởng trong vấn đề này?”, bà Tâm phản ứng. “Chia lửa” với các sở ngành, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP, hứa sẽ “quyết liệt hơn nữa, triệt để hơn nữa trong việc tham gia phối hợp xử lý chất cấm”.
Phải làm mạnh tay hơn nữa
Sau khi các “tư lệnh ngành” của TP lên tiếng, tưởng chừng vấn nạn thực phẩm độc hại lắng xuống, nhưng ĐB Vương Đức Hoàng Quân tiếp tục chất vấn: “Phải chăng việc chống thực phẩm độc hại đang bị động, vì dường như chỉ chú ý vào thực phẩm mà không chú ý đúng mức đến người tạo ra nó”. Nhiều ĐB cũng tỏ ra chưa thật sự yên tâm vì sở ngành TP vẫn chưa có những cam kết cụ thể, rõ ràng; sự phối hợp vẫn chưa hiệu quả, đồng bộ.
Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm khẳng định TP đã có ban chỉ đạo đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, và “nhạc trưởng” là Sở Y tế (cơ quan thường trực). “Trong chừng mực nào đó thì anh em cũng đều tay nhưng có lúc này lúc kia không kịp thời”, ông Liêm nói.
Ông Liêm cũng khẳng định từ nay đến sau Tết Nguyên đán Bính Thân, TP mở đợt cao điểm tấn công thực phẩm độc hại. 
Đà Nẵng: Đề xuất đặt tên đường, tên cầu Nguyễn Bá Thanh
Tại phiên bế mạc kỳ họp 15, HĐND TP.Đà Nẵng khóa 8 vào sáng qua 10.12, ĐB Trần Văn Lĩnh đã đề xuất việc TP nên đặt tên đường hoặc tên cầu Nguyễn Bá Thanh (cố Trưởng ban Nội chính T.Ư, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) để tri ân những công lao của ông đối với sự nghiệp phát triển TP. Cũng theo ông Lĩnh, nếu không đặt tên đường thì UBND TP nên nghiên cứu đặt tên cầu Nguyễn Bá Thanh thay cho 2 cây cầu Thuận Phước hoặc cầu Sông Hàn.
Trong khi đó, ông Vũ Hùng, Trưởng ban Văn hóa - xã hội (HĐND TP.Đà Nẵng), cho rằng vấn đề trên “không phải vội” vì ông Thanh mất chưa tròn năm, và nên có một cuộc hội thảo để nghiên cứu, tính toán vấn đề này. Ông Trần Thọ, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, cho biết việc đặt tên đường cho người qua đời phải sau 5 năm.
Hoàng Sơn
HĐND tỉnh Tây Ninh: “Nóng” chuyện chất tạo nạc
Chiều 10.12, vấn đề sử dụng chất cấm salbutamol đã làm nóng nghị trường tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Tây Ninh. Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong, toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 162 trang trại chăn nuôi heo (quy mô từ 50 con trở lên), trong thời gian qua, ngành chức năng tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất 15 trang trại đã phát hiện đến 6 cơ sở chăn nuôi dương tính với chất cấm salbutamol. Ông Trong khẳng định những cơ sở vi phạm sẽ xử lý nặng, nếu tái phạm sẽ tịch thu, tiêu hủy. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thành Tuân lo lắng giải pháp mà ngành chức năng tỉnh đang làm chưa thật sự khiến người dân an tâm.
Giang Phương
 
* Cùng ngày, tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Lạng Sơn chiều 10.12, ông Tô Hùng Khoa, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, được bầu giữ chức Phó chủ tịch HĐND tỉnh. Các ông Phạm Ngọc Thưởng, nguyên Bí thư Huyện ủy Chi Lăng; Nguyễn Công Trưởng, Giám đốc Sở Tài chính, được bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.
* Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa 2 đã bầu ông Nguyễn Bốn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh, thay ông Lê Diễn vừa được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy; đồng thời bầu ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT và ông Trương Thanh Tùng, Bí thư Huyện ủy Cư Jút, làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2011 - 2016.
* Kỳ họp lần thứ 18 HĐND tỉnh Bình Dương khóa 8 hôm qua đã bầu ông Trần Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đặng Minh Hưng, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, được bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh.
* Tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa 8, các đại biểu đã bầu bà Lê Thị Ái Nam, Phó bí thư Tỉnh ủy, giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Dương Thành Trung, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; ông Phan Như Nguyện, Giám đốc Sở Tài chính và ông Vương Phương Nam, Chủ tịch UBND TP.Bạc Liêu, làm Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011 - 2016.
* HĐND tỉnh Long An đã bầu ông Phạm Văn Rạnh, Bí thư Tỉnh ủy, làm Chủ tịch HĐND tỉnh; bầu ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh và ông Lê Tấn Dũng, Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa, làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, nhiệm kỳ 2011 - 2016.
* Các đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Long chiều cùng ngày cũng đã bầu ông Lữ Quang Ngời, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy và ông Trần Hoàng Tựu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GTVT tỉnh, làm Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011- 2016.
Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.