Tâm tình của bà Sáu: Mình là thương binh, không muốn làm phiền các con

28/07/2019 12:38 GMT+7

Trở về từ chiến trường với cơ thể không còn lành lặn, sợ thành gánh nặng cho người thân, cô Sáu, một nữ thương binh, đã chọn sống một mình trong căn phòng thuộc khu tập thể ở trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh.

Trong hội trường Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh và người có công Long Đất (thị trấn Long Hải, H.Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu), nhiều thương bệnh binh vỗ tay hát vang theo âm hưởng của ca khúc “Hát mãi khúc quân hành” nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ 27.7. Trên chiếc xe lăn dừng ở phía cuối hội trường, một người nữ thương binh chỉ còn tay phải và chân trái mấp máy môi theo điệu nhạc. Đó là nữ thương binh Lê Thị Sáu (quê Quảng Nam), nay đã 70 tuổi. 

Tâm tình của nữ thương binh mất 1 tay, 1 chân ở Trung tâm điều dưỡng

Sau chiến tranh, bà Sáu định không lập gia đình vì sợ là gánh nặng cho chồng con. Thế rồi duyên số cũng đến, bà lập gia đình với một người thương binh hơn mình gần 20 tuổi.
Bà còn nhớ như in lời chồng nói với mình “Có con có cháu cho vui. Đất nước mình rồi sẽ giàu lên, thương binh sẽ không phải khổ nữa đâu...”.
Từ những lời chân tình cùng niềm tin đó, hai người có với nhau 2 người con gái. Cả gia đình cùng nhau vượt qua những năm tháng khó khăn của thời bao cấp tại trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh. “Hồi đó cứ ai cho lon sữa thì cũng xách bán chứ không ăn uống gì hết. Mỗi tháng được cấp mấy ký thịt cũng lấy đem ra ngoài cổng trung tâm bán lấy tiền”, bà Sáu cười cười, nhớ lại.
Chồng bà Sáu đi trước bà, về với tổ tiên, để lại cho bà hai người con gái khi ấy mới mười một, mười hai tuổi. “Hai đứa con cô là đứa nào cũng ngoan hết, không có đứa nào làm khổ mẹ, không có xin xỏ gì hết, chỉ có mua lại cho mẹ thôi", bà Sáu khoe.

Bà Sáu tự mình nấu ăn và làm mọi việc trong nhà

Ảnh: Nguyễn Anh

Trong gian căn phòng ở khu tập thể rộng hơn 35 m2 được cấp riêng cho những thương bệnh binh tại trung tâm, bà Sáu vẫn một mình làm mọi việc, từ quét nhà, cơm nước, tắm giặt. Những khi trái gió trở trời, bị cơn đau hành hạ, bà mới phải nhờ tới sự giúp đỡ của các hộ lý.
“Những việc thế này có gì khó khăn đâu, ngày xưa cô còn xách nước từ dưới giếng rồi đi lấy củi về nấu cơm, nay có nước máy, nồi cơm điện là khỏe quá rồi”. Bà Sáu nói. Những đứa con của bà giờ đã lớn và lập gia đình, còn bà chọn vẫn ở lại trung tâm: Mình là thương binh, không muốn làm phiền các con...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.