Tâm sáng để phục vụ dân

16/05/2015 08:45 GMT+7

Nhà giáo Ưu tú Hồ Thanh Khôi, nguyên Trưởng khoa Xây dựng Đảng (Trường Cán bộ TP.HCM), cho rằng chúng ta không đòi hỏi người cán bộ, công chức có cái tâm trong sáng như Bác, nhưng ít ra cũng phải có suy nghĩ như Bác để triệt tiêu tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà.

Nhà giáo Ưu tú Hồ Thanh Khôi, nguyên Trưởng khoa Xây dựng Đảng (Trường Cán bộ TP.HCM), cho rằng chúng ta không đòi hỏi người cán bộ, công chức có cái tâm trong sáng như Bác, nhưng ít ra cũng phải có suy nghĩ như Bác để triệt tiêu tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà.

Tâm sáng để phục vụ dânBác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, H.Đại Từ (Thái Nguyên)
vào năm 1954 - Ảnh: T.L
Việc nhũng nhiễu, phiền hà người dân thực ra cũng chỉ vì trục lợi cá nhân của cán bộ, công chức khi thực thi chức năng, nhiệm vụ được giao. Đây là điều không thể chấp nhận được và cần phải sớm chấn chỉnh nghiêm túc, vì cứ để kéo dài là một thiếu sót lớn đối với người dân.
Bây giờ chúng ta cần có đột phá về mặt tư tưởng liên quan đến công tác cán bộ, công chức. Đó là không nên lấy tiêu chuẩn chính trị để bố trí cán bộ, công chức mà phải căn cứ vào tài năng, đức độ. Cần phải xem trọng chuẩn năng lực, trí tuệ, đạo đức khi bố trí cán bộ, công chức. Mục tiêu hàng đầu đặt ra là cán bộ, công chức phải phục vụ hiệu quả các yêu cầu chính đáng của người dân. Nếu phục vụ không tốt thì hoàn toàn có thể thay thế ngay, chứ cơ chế như hiện tại sẽ tạo nên sức ì. Bác đã nói rất rõ là vào Đảng không phải để làm quan, nhưng hiện nay có một số người cứ mong muốn vào Đảng chỉ vì đặc quyền đặc lợi.
Để khắc phục tồn tại này, chúng ta cần có cơ chế về nguyên tắc bảo đảm cho quyền dân chủ trong nội bộ Đảng, quyền phê bình một cách dân chủ với cán bộ lãnh đạo; ngăn chặn triệt để tệ độc đoán, chuyên quyền, quan liêu. Bác cũng đã định hướng cho một cơ chế bảo đảm quyền dân chủ, đó là sự kiểm soát. Kiểm soát từ trên xuống, tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình; và kiểm soát từ dưới lên, tức là người dân và cán bộ, công chức kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo, đồng thời được bày tỏ cách sửa chữa sự sai lầm đó. Làm được điều này mới tránh được sự xa cách giữa cấp dưới cấp trên, tránh được sự tê liệt sức mạnh của Đảng và sẽ tăng sức sáng tạo của cán bộ, công chức để hướng đến việc phục vụ dân tốt hơn.
Trong di chúc Bác cũng đã đề cập rất sâu sắc về việc của người dân, vì theo Bác, đây là một nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Bác dặn dò phải tập trung phát triển kinh tế - xã hội để lo cho đời sống của người dân. Những năm qua chúng ta có nhiều thành tựu nhưng thực tế vẫn còn những cơ chế, chính sách bó hẹp. Vấn đề giảm nghèo vẫn chưa thật sự bền vững, đời sống người dân nhiều vùng miền còn gặp không ít khó khăn, lãng phí trong đầu tư công, tiêu cực tham nhũng, chạy chức chạy quyền... Bây giờ nếu chúng ta thực sự quyết tâm, thì những tồn tại, hạn chế này hoàn toàn có thể sớm được cải thiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.