Tại sao Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư không cách ly tập trung?

Vũ Hân
Vũ Hân
09/03/2020 16:11 GMT+7

Ngồi cùng khoang với 2 người nhiễm Covid-19 là bệnh nhân thứ 17 N.H.N và bệnh nhân số 21 N.Q.T, tại sao Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lại cách ly ở nhà ?

Lý giải việc Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cách ly tại nhà, thay vì cách ly tập trung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, do ông Dũng đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19), nhà ông Dũng lại là khu vực đủ điều kiện cách ly, chứ không phải bởi ưu tiên.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng âm tính với Covid-19 sau 2 lần kiểm tra

Việc cách ly theo cách này cũng được Hà Nội dự kiến áp dụng một cách rộng rãi, chứ không chỉ cá biệt với trường hợp Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư.
“Tất cả những trường hợp xác định như vài hôm gần đây các quận, huyện vẫn đưa vào cách ly ở bệnh viện, thì bây giờ, nếu ta xét nghiệm âm tính, sức khỏe ổn định thì ta cho cách ly tại nhà. Tất nhiên, phải với điều kiện nhà đó có đủ điều kiện cách ly: có phòng riêng, rộng, thông thoáng, ít người... Nếu nhà chật, không đủ điều kiện thì ta phải đưa ra trạm y tế xã, phường. Chúng ta càng chia nhỏ càng tốt”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
Theo ông Chung, qua quan sát kinh nghiệm chống dịch ở các nước, ông thấy rằng việc cách ly tập trung không phải tối ưu. Điều này ông cũng đã phát biểu khi họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia.
“Kinh nghiệm của Vũ Hán (Trung Quốc - phóng viên) là người ta chỉ đưa vào cách ly tập trung, vào bệnh viện dã chiến với những trường hợp đã dương tính rồi. Còn tập trung chỉ để chờ 14 ngày này mà chẳng may trong phòng có 1 người dương tính như Ninh Bình chẳng hạn, thì nguy cơ của những người bị cách ly cùng phòng là rất cao. Nên càng cách ly riêng càng tốt”, Trưởng ban Phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội nói.
Ông Chung dẫn chứng giải pháp ban đầu và cũng là giải pháp cuối cùng của TP.Vũ Hán để giảm người nhiễm là nhà nào cách ly tại nhà đó, chỉ cho phép 1 người ra ngoài mua thức ăn, đi trên đường phố phải cách nhau 2 m, hạn chế tối đa tiếp xúc. Hà Nội cũng cần học hỏi những kết quả thành công của các nơi khác.
“Mấy hôm nay, tôi có gọi cho các trường hợp bệnh nhân của Hà Nội, cơ bản các trường hợp dương tính tôi đã gọi để hỏi, cả bác sĩ chăm sóc. Tôi cũng đã từng là bệnh nhân, tôi thấy rằng khi cách ly ở nhà người ta cảm thấy tự tin hơn, tâm lý thoải mái hơn, do đó, hệ miễn dịch cũng tốt hơn. Để họ nằm bệnh viện, lo lắng, âu sầu thì hệ miễn dịch của họ khó mà tốt được", ông Chung phân tích.

Nghi ngờ có nguồn lây Covid-19 khác ngoài bệnh nhân số 17 trên chuyến bay VN0054

Phân loại nguy cơ để cách ly tại nhà người có sức khỏe tốt hơn

Ngoài ra, theo ông Chung, các ca đã dương tính đương nhiên phải vào cách ly tập trung, nhưng các trường hợp đã âm tính, chỉ cách ly 14 ngày cho an toàn; hay các ca tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) mà đưa vào bệnh viện thì vài hôm nữa số bệnh nhân mà tăng lên thì chúng ta khó có khả năng đáp ứng.
"Hôm qua, tôi với anh Cảm (Giám đốc Trung tâm Phòng, chống bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm - phóng viên) bàn về việc này. Anh ấy nói làm như vậy cũng phù hợp với quy luật trong công tác dịch tễ thôi”, ông Chung nói.
Do đó, ông Chung yêu cầu thời gian tới, Hà Nội xem xét áp dụng theo cách: với các trường hợp tiếp xúc gần nhưng là người già, sức khỏe yếu, có biểu hiện ho, sốt thì cách ly ở bệnh viện; còn các trường hợp sức khỏe ổn định thì cách ly tại nhà (nhà không đủ điều kiện thì cách ly ở trạm y tế xã).
Tương tự, với các trường hợp đã được đưa vào cách ly tập trung thời gian qua, Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh việc xét nghiệm để có thể đưa họ về cách ly tại nhà, giải tỏa áp lực cho các khu cách ly tập trung cũng như giải tỏa tâm lý cho người bị cách ly.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.