‘Tắc’ đường vành đai, nghẽn giao thông

24/01/2019 09:00 GMT+7

Là xương sống của mạng lưới giao thông nhưng hệ thống 3 đường vành đai của TP.HCM đã được quy hoạch nhiều năm vẫn chưa thể hoàn chỉnh, khiến tình trạng ùn tắc không có lối thoát.

Ùn tắc lan rộng

Những ngày cuối năm, TP.HCM luôn trong tình trạng “ngột ngạt” vì lượng phương tiện tăng cao, ùn tắc xảy ra khắp các tuyến đường. Từ các đường xuyên tâm, đường dẫn vào sân bay, nhà ga, bến xe cho tới khu vực cửa ngõ… lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, xe cộ nối nhau nhích từng bước. Số liệu mới nhất từ Sở GTVT cho biết, thời điểm cuối năm 2017, số điểm có nguy cơ ùn tắc là 34 điểm. Đến tháng 12.2018, còn lại 28 điểm, có 14 điểm chuyển biến tốt, 7 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp và 7 điểm không chuyển biến.
Hà Nội hiện có 4 đường vành đai vừa đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc giao thông, vừa hỗ trợ giãn dân. Muốn TP.HCM thoát khỏi kẹt xe thì phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đường vành đai cùng các công trình giao thông quy mô lớn
Ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở GTVT TP.HCM
Quan sát thực tế có thể thấy một số “điểm đen” ùn tắc của TP những năm trước như đường Trường Sơn, đường Nguyễn Văn Trỗi hướng về khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ngã sáu Công trường Dân chủ, nút giao Mỹ Thủy, đường Trường Chinh… tình hình đã không còn quá căng thẳng nhờ việc đưa vào các công trình giao thông bổ sung hỗ trợ. Nhưng ngược lại, ùn tắc gần như đang có xu hướng lan rộng ra, rải đều khắp thành phố.
Một số tuyến đường như xa lộ Hà Nội, đại lộ Võ Văn Kiệt, đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) được xây dựng mới rộng rãi nhưng chỉ trong vòng 2 năm đã trở nên quá tải. Nhiều tuyến đường khu vực trung tâm như đường Nguyễn Thái Học, Bến Vân Đồn (Q.4) trước đây thông thoáng, giờ cũng liên tục ùn ứ giờ cao điểm.
Trong khi đó, lượng phương tiện đăng ký mới tiếp tục tăng (ô tô tăng 12,95% so với cùng kỳ 2017, số liệu từ Sở GTVT), các dự án cao ốc, chung cư ngày càng nhiều kéo theo lượng lớn dân cư đổ về TP khiến ùn tắc giao thông ngày càng trở thành bài toán không lối thoát của TP.HCM.

Đường vành đai vỡ kế hoạch

Để từng bước tháo gỡ bài toán giao thông, TP.HCM đã ban hành Quyết định số 4341 về kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, khoảng 190 km đường bộ và 46 cây cầu dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng từ nay tới năm 2020 sẽ giúp TP.HCM phần nào thoát khỏi tình trạng kẹt xe trầm trọng. Thế nhưng hệ thống đường vành đai - công trình được các chuyên gia đánh giá là một trong những giải pháp then chốt, lại ì ạch nhiều năm vẫn chưa thể hoàn thành.
Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có 3 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 356 km. Trong đó, đường vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành; đường vành đai 3, vành đai 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Tuy nhiên đến nay, TP mới chỉ đưa vào khai thác được khoảng 71 km đường vành đai (vành đai 2 khoảng 55 km, vành đai 3 hơn 16 km), đường vành đai 4 còn đang trong quá trình chuẩn bị dự án, chưa được đầu tư xây dựng.
Cụ thể, đường vành đai 2 còn 14 km chưa khép kín, được chia thành 3 đoạn tương ứng với 3 dự án, gồm: đoạn từ ngã ba An Lạc (Q.Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (H.Nhà Bè) dài khoảng 5,3 km, đoạn từ cầu Phú Hữu (Q.9) đến xa lộ Hà Nội và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức). Trong đó, đoạn từ ngã ba An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh mới đang ở bước trình xem xét chủ trương đầu tư. Hai đoạn còn lại đã được UBND TP phê duyệt đề xuất dự án từ tháng 12.2016 nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt báo cáo nghiên cứu dự án khả thi do chưa xác lập được phương án tài chính khả thi. Dự kiến theo quy hoạch, các dự án khép kín đường vành đai 2 sẽ được xây dựng năm 2017, hoàn thành, nối 1 vòng TP.HCM vào cuối năm 2019 nhưng đến giờ vẫn còn loay hoay chưa làm được. Như vậy nếu có thể nhanh chóng khởi công ngay trong năm nay, ít nhất phải 2 năm nữa đường vành đai 2 mới có thể khép kín.
Đường vành đai 3 cũng không khá hơn. Việc triển khai các đoạn đều bị chậm so với tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28.9.2011. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 89,3 km đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng hiện mới chỉ làm được 16,3 km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương (chiếm tỷ lệ 17,92%). Trong tờ trình mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận chủ trương đầu tư đường vành đai 3, Bộ GTVT đưa ra lộ trình trong năm nay sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Từ năm 2019 đến 2022, thực hiện thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng. Trong thời gian này cũng tiến hành sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Từ năm 2022 đến 2024 sẽ thi công và đến năm 2025 mới hoàn thành đưa vào sử dụng.

Nghẽn kinh tế

Trong bản triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2019 của Sở GTVT TP.HCM, dự án khép kín đường vành đai 2 được đưa vào danh sách các công trình trọng điểm cần nhanh chóng huy động nguồn vốn, tháo gỡ cơ chế để đầu tư.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở GTVT TP, cho biết thời gian qua, TP đã tích cực triển khai nhiều dự án mở rộng cầu, đường, làm cầu vượt giải tỏa các điểm nghẽn giao thông nhưng đó chỉ là giải pháp mang tính cấp bách, giải quyết cục bộ. “Hà Nội hiện có 4 đường vành đai (đường vành đai 1; 2; 2,5; 3) vừa đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc giao thông cho thủ đô, vừa hỗ trợ giãn dân. Muốn TP.HCM thoát khỏi kẹt xe thì phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đường vành đai cùng các công trình giao thông quy mô lớn”, ông Nguyên nói.
Trong tờ trình gửi Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định việc chưa đầu tư đồng bộ hệ thống đường vành đai đã trở thành điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM cũng như khu vực trọng điểm kinh tế phía nam. Đường vành đai 3 sau khi hoàn thành, đồng bộ cùng hệ thống đường vành đai 2 và 4 không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương mà còn giúp tăng tính kết nối liên vùng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị hóa nông thôn dọc tuyến, kết nối các TP vệ tinh của TP.HCM, góp phần hình thành trung tâm theo hướng đô thị đa tâm. Đồng thời tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh theo quy hoạch, kết nối các tuyến cao tốc trong vùng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, cho rằng bài toán kẹt xe của TP không thể dễ dàng có lời giải nhờ một, hai công trình, vài biện pháp mà phải có sự đồng bộ. Thực trạng các tuyến đường vành đai quá ít so với nhu cầu giao thông thực tế là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn TP.
 
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng nhận xét: “Thiếu trầm trọng giao thông kết nối với các tỉnh dẫn đến tình trạng các tuyến đường độc đạo như xa lộ Hà Nội, các đường liên tỉnh như tỉnh lộ 25, quốc lộ 22... thường xuyên tắc nghẽn. Do đó hệ thống đường vành đai phải là ưu tiên hàng đầu trong số các dự án giao thông mà TP.HCM cần triển khai trong thời gian tới”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.