Sụt lún không có dấu hiệu ngừng lại

Đình Tuyển
Đình Tuyển
23/11/2019 06:44 GMT+7

Tình trạng sụt lún đất tại ĐBSCL và TP.HCM đang ngày càng nghiêm trọng nhưng không thể chống lại mà chỉ có thể thích ứng “sống chung”.

Vấn đề này được đưa ra tại hội thảo “Sụt lún đất tại ĐBSCL” do Bộ Xây dựng phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ (Đức) tổ chức ngày 22.11 tại Cần Thơ. Đáng chú ý, tại đây, báo cáo quan trắc của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - Môi trường) thực hiện 10 năm qua cho thấy ở TP.HCM và ĐBSCL có những nơi bị lún từ 0,1 - 81,4 cm.

Cần giảm khai thác nước ngầm

Các vấn đề của ĐBSCL, TP.HCM đối diện là cấp bách như sụt lún, ngập lụt. Và để sống chung với những vấn đề này cần phải có những kế hoạch từng bước, như 5 năm và dài hạn hơn. Bởi lẽ vấn đề sụt lún đến mực nước biển và xuống dưới mực nước biển là một khoảng rất dài. Ngay từ bây giờ cần phải có kế hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, các cơ chế phù hợp nhất.

Ông Laurent Umans

Báo cáo của GIZ cho rằng các số liệu vệ tinh được thu thập và xử lý đã vẽ nên một bức tranh khắc nghiệt về tình trạng sụt lún tại ĐBSCL và TP.HCM. Riêng ở ĐBSCL, số liệu thu thập từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2019 cho thấy tốc độ sụt lún không giảm.
Ở các khu vực đô thị như Cần Thơ, nền đất sụt lún ở hầu hết mọi nơi với tốc độ từ 2 - 4 cm/năm và không có dấu hiệu ngừng lại. Ở các vùng nông thôn, vệ tinh phát hiện sụt lún 1 cm/năm.
Đáng chú ý, trong báo cáo về tình hình sụt lún đất và khai thác nước ngầm liên quan đến sụt lún ở TP.HCM và ĐBSCL, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cho biết kết quả quan trắc thực hiện 10 năm qua cho thấy có 306/339 điểm quan trắc bị lún từ 0,1 - 81 cm. Các khu vực quan trắc đều là những nơi có đường giao thông và khu vực đô thị. Nơi lún nhiều nhất là P.An Lạc, Q.Bình Tân (TP.HCM) với tổng độ lún 81 cm trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu có 33 điểm quan trắc ghi nhận không sụt lún, thậm chí được nâng thêm; trong đó TP.HCM có 5 điểm.
Một lần nữa vấn đề khai thác nước ngầm quá mức được “chỉ mặt” là yếu tố chính gây sụt lún. Thống kê toàn vùng có khoảng 9.650 giếng khai thác nước ngầm tập trung quy mô trên 10 m3/ngày, với tổng lưu lượng khoảng 1,97 triệu m3/ngày. Riêng TP.HCM có khoảng 1.920 giếng, với lưu lượng khai thác 520.000 m3/ngày. Ngoài ra, còn khoảng trên 1 triệu giếng khai thác lẻ quy mô hộ gia đình, với lưu lượng khai thác khoảng 840.000 m3/ngày.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng dù ngừng khai thác nước ngầm hoàn toàn thì cũng không thể ngăn chặn được hiện tượng sụt lún, nhưng tốc độ sụt lún có thể giảm thiểu. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của ĐBSCL là phải giảm tỷ lệ sụt lún hiện nay càng nhiều càng tốt.
“Chỉ cần giảm khai thác thì sẽ cải thiện sụt lún. Vì vậy, chính quyền địa phương không cần chờ một nghiên cứu nào mà có thể hành động ngay lập tức”, tiến sĩ Philip Minderhoud, ĐH Utrecht (Hà Lan), đề xuất và cho rằng nước ngầm ở ĐBSCL cần được xem là một nguồn dự trữ chiến lược để sử dụng trong trường hợp xảy ra hạn hán cùng cực trong tương lai do biến đổi khí hậu chứ không phải là nguồn nước dùng cơ bản hằng ngày.

Sụt lún làm tăng xâm nhập mặn sâu hơn

Ông Sepehr Eslami Arab, nghiên cứu sinh từ Đại học Utrecht, đưa ra một quan điểm mới. Đó là sự liên hệ mật thiết giữa tình trạng sụt lún và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Theo ông, sụt lún đất không chỉ gây ngập lụt nghiêm trọng hơn vào mùa mưa lũ, hay khi triều cường dâng cao mà còn là tác nhân khiến cho xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào nội đồng, đặc biệt vào mùa khô hạn.
“Qua những quan sát của chúng tôi, các yếu tố như đập thủy điện giữ lại phù sa, trầm tích, khai thác cát tràn lan và hút nước ngầm quá mức cộng với sụt lún tự nhiên đang làm cho lòng sông ở ĐBSCL sâu hơn. Song song đó, mực nước biển và biên độ nước triều được ghi nhận cũng gia tăng đều đều. Từ đây, “lưỡi” nước mặn dường như “liếm” sâu hơn vào thượng nguồn các con sông”, ông Sepehr Eslami nói và cho rằng: “Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, trong 2 thập niên qua, mực nước biển dâng và biến đổi khí hậu, chỉ chịu trách nhiệm cho 5 - 10% các xu hướng cực đoan của xâm nhập mặn lấn sâu, 90% còn lại chính là bởi các tác động từ con người”.
Nói thêm về các thách thức của ĐBSCL, GS Nguyễn Ngọc Trân đánh giá khu vực này đang đối diện với 4 thách thức toàn cầu là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiếu chủ động nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, và vấn đề nội tại của khu vực.
“Chúng ta đã khai thác tài nguyên quá nhiều, không quản lý chặt chẽ cộng với 3 nguy cơ trên thì có phải chăng ĐBSCL đang đi vào một quá trình ngược lại đó là lún chìm và xói mòn?”, GS Trân phát biểu.
Chia sẻ về giải pháp cho ĐBSCL và TP.HCM, ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất về nước và biến đổi khí hậu - Đại sứ quán Hà Lan tại VN, nhận định vấn đề cốt lõi của ĐBSCL cũng như TP.HCM trong ứng phó với sụt lún và những hệ lụy của nó là “xem những thử thách là cơ hội”. Như tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ đó là phát triển thuận theo quy luật tự nhiên, chuyển đổi cây trồng, con giống để tạo giá trị lớn hơn thay vì cố gắng làm trái với tự nhiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.