Sương mù có thể nặng hơn trong vài ngày tới

Ngày 8.2, Nam bộ xảy ra hiện tượng sương mù dày đặc, người dân TP.HCM có cảm giác như mình đang sống ở Đà Lạt.

Buổi sáng, nhiều tòa nhà cao tầng bị sương mù bao phủ, giao thông trên đường cũng gặp khó khăn vì tầm nhìn hạn chế.
Ở Cần Thơ, anh Quốc Trung cho biết buổi sáng ra đường, khoảng cách hơn 100 m gần như không thấy gì, dù đã 8 - 9 giờ sáng mà vẫn phải mở đèn mới thấy đường chạy xe. Nhiều người dân ở Nam bộ đều lấy làm lạ trước hiện tượng sương mù bất thường như thế trong mùa khô.
Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho biết: Từ ngày 7.2, không khí lạnh đã về tới miền Bắc nước ta. Tuy nó chưa ảnh hưởng đến Nam bộ nhưng cũng góp phần tác động làm giảm nhiệt độ ở khu vực này, đặc biệt vào ban đêm.
Đêm và rạng sáng 8.2, nhiệt độ ở khu vực Nam bộ giảm từ 0,4 - 1,40C so với ngày trước đó. Cụ thể như ở Đồng Phú (Bình Phước) chỉ còn 20,90C, Tây Ninh 210C, Tân Sơn Hòa (TP.HCM) 230C, Long Khánh (Đồng Nai) 19,50C, Ba Tri (Bến Tre) 21,40C.
Nhiệt độ giảm là yếu tố đầu tiên. Kết hợp với đó là mấy ngày trước có mưa trái mùa với diện rộng và lượng lớn tạo độ ẩm cao trong không khí. Tại TP.HCM lúc 6 giờ 30 phút độ ẩm lên đến 94% và đến 9 - 10 giờ vẫn còn trên 80%. Yếu tố thứ ba chính là ban ngày có nắng và gió nhẹ, không đủ sức đẩy hơi ẩm lên các tầng cao nên nó vẫn tồn tại ở tầng thấp. Ba yếu tố này kết hợp lại tạo thành sương mù dày đặc như chúng ta thấy, bà Lan giải thích.
Cũng theo bà Lan, ở Bình Dương và Hậu Giang hiện tượng sương mù xảy ra còn nặng hơn TP.HCM. Ở miền Tây như Châu Đốc (An Giang), Trà Vinh, Bạc Liêu, Bến Tre là hiện tượng sương mù kết hợp với mù khô; TP.HCM là hiện tượng sương mù hỗn hợp (kết hợp với mù khô do ô nhiễm khói bụi trong không khí).
Vì sương mù bức xạ sẽ tan khi có ánh nắng mặt trời, còn sương mù hỗn hợp vẫn tồn tại dù đến giữa trưa. Tình trạng sương mù trên khu vực Nam bộ có khả năng xuất hiện khá thường xuyên trong những ngày tới do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường. Mức độ đậm đặc của sương mù cũng có thể tăng thêm. “Đáng chú ý là sương mù hỗn hợp ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là đường hô hấp của người già và trẻ nhỏ, cần chú ý đề phòng và hạn chế ra đường nếu không cần thiết”, bà Lan khuyến cáo.
Trong khi đó ở miền Bắc, chiều 8.2 không khí lạnh đã ảnh hưởng hầu hết các tỉnh vùng núi phía bắc. Rạng sáng ngày 9.2, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến Bắc và trung Trung bộ. Ở Bắc bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có giông.
Từ ngày 9 - 11.2, ở Bắc bộ và bắc Trung bộ trời chuyển rét, khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ trời rét đậm, có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng phổ biến 13 - 160C, trung du và vùng núi 9 - 120C, vùng núi cao dưới 80C. Hà Nội từ ngày 9 - 11.2 trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13 - 150C. Ở vịnh Bắc bộ và khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.