Sức dân Hậu Giang

22/09/2012 12:31 GMT+7

Trong tổng kinh phí hơn 500 tỉ đồng cho Chiến dịch giao thông-thủy lợi mùa khô và chỉnh trang đô thị năm 2012 ở tỉnh Hậu Giang, số tiền người dân đóng góp lên đến gần 160 tỉ đồng.

>> Hậu Giang: Hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp
>> Hậu Giang sẽ thành lập 4 TAND sơ thẩm khu vực
>> Đại hội Đoàn tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2012 – 2017

Ấp khó “lên đời”

Đầu năm 2012, cán bộ, đảng viên và 54 hộ dân của ấp Xáng Mới B (thị trấn Rạch Gòi, H.Châu Thành A) đã đóng góp gần 450 triệu đồng xây dựng tuyến kè dài hơn 500 m, có nguy cơ sạt lở trong ấp. “Hiện chúng tôi đang vận động nhân dân kè mé khoảng 500 m nữa để hoàn thành cả tuyến đường dài hơn 1 km này”, ông Nguyễn Hoàng Tấn, Trưởng ấp Xáng Mới B tự hào về sự chung tay góp sức của người dân ấp mình.

Cũng trong năm 2012, thị trấn Rạch Gòi còn vận động nhân dân hiến đất và đầu tư 100% kinh phí để làm lộ theo tiêu chí nông thôn mới. Tại ấp Láng Hầm, chính quyền địa phương vận động dân hiến đất, hoa màu và bỏ vốn đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông dài gần 1 km, chiều ngang 3,5m; đồng thời làm cổng rào, treo đèn trước ngõ và kè mé chống sạt lở với tổng kinh phí thực hiện trên 2,7 tỉ đồng. Tuyến đường ấp Láng Hầm hoàn thành đã tạo diện mạo mới cho ấp và cả thị trấn, kéo giảm lượng xe lưu thông qua nội ô chợ Rạch Gòi. “Trên 2,7 tỉ đồng là số tiền không nhỏ, nhưng cái được lớn nhất chính là bài học huy động sức dân, là sự ủng hộ của người dân đối với chính quyền”, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gòi Phan Thanh Lâm nhấn mạnh.

Sức dân Hậu Giang
Đoàn thanh niên góp sức cùng nhân dân xây dựng đường ở thị trấn Ngã Sáu, H.Châu Thành - Ảnh: Trường An

Dân làm... chủ thầu

Đoạn đường hơn 120 m ở kênh Thầy Cai (ấp 6, xã Vị Đông, H.Vị Thủy) trước đây là lộ đất, rồi bị sạt lở sâu vô tới 5 m khiến đường biến thành sông. Dân phải “chữa cháy” bằng cách bắc cầu tạm, chỉ đàn ông, thanh niên mới dám đi, còn phụ nữ, học sinh thì đi… xuồng. Tính ra hơn 10 năm người dân nơi đây bị đoạn đường này “hành”, đi đứng theo kiểu đường không ra đường, cầu không ra cầu.

Đến giữa năm 2011, ông Lê Văn Nhơn (Hai Nhơn) cùng một số hộ dân cố cựu tại đây đề xuất ý tưởng vận động bà con trong xóm hùn tiền kè mé, làm lại đoạn đường này để người dân đi lại thuận tiện. Ông Bùi Văn Hăng, một trong 4 người đầu tiên đưa ra ý kiến xây dựng đoạn đường này, chia sẻ: “Lúc họp dân có đưa ra 3 mức đóng góp, những hộ giàu thì góp 2 triệu đồng/hộ; hộ khá thì từ 1-1,5 triệu đồng/hộ; hộ trung bình thì góp từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/hộ; còn hộ nghèo thì được miễn đóng góp”.

“Ban đầu dự định chỉ kè mé, đổ đất rồi rải đá xô bồ chỉ khoảng 30 triệu đồng, nhưng các hộ lại đề xuất làm hẳn đường bê tông, xây mới một cây cầu, vì thế đã “đẻ thêm” gần 80 triệu đồng. Ngoài tiền dân đóng góp, tôi phải đi xin thêm ở xã và của nhiều mạnh thường quân nữa mới đủ”, ông Hai Nhơn nhớ lại.

Ngoài góp trên 100 ngày công cho đoạn đường này, hơn 30 gia đình ở tuyến kênh Thầy Cai đều tự mình làm đường bê tông trên phần đất của mình dài gần 1 km, ngang 1,6 m, kinh phí không dưới 300 triệu đồng.

Bây giờ, về Hậu Giang, đi đâu cũng nghe nói đến câu chuyện sức dân. Ông Lê Văn Tám (ngụ xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh) nói vui: “Dân Hậu Giang nghèo mà “chịu chơi” lắm. Như trong xây dựng lộ làng, chính quyền có gợi ý là dân làm theo liền, ít xảy ra kỳ kèo nọ kia. Đi vòng ấp tôi với mấy ấp lân cận bây giờ sướng lắm. Đường nhựa, đường bê tông nối liền, trời mưa khỏi xắn quần như hồi đó”.

Ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, bày tỏ: “Khi kinh phí nhà nước có giới hạn thì chuyện khơi sức dân, vận động sự ủng hộ các mạnh thường quân là điều cần thiết, nhưng chúng tôi không lạm dụng vấn đề này. Dân đã hết lòng góp sức thì cấp ủy, chính quyền các cấp cũng nỗ lực hết mình để giúp dân. Những sự đóng góp của người dân chúng tôi luôn trân trọng. Nhờ dân mà diện mạo Hậu Giang có nhiều thay đổi. Nhờ dân mà cuộc sống quê nghèo đã “đơm bông” từng ngày”.

Hoàng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.