Sửa luật Phòng chống tham nhũng từ cụ thể chuyển sang 'tù mù'

09/11/2017 21:20 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết bà không yên tâm khi dự thảo luật Phòng chống tham nhũng còn nhiều nội dung, vấn đề gặp bế tắc, chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Cho ý kiến về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ chiều nay (9.11), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga không giấu nổi vẻ thất vọng bởi dự thảo lần này dường như đánh đố các đại biểu Quốc hội.
“Chính phủ là cơ quan tổ chức thi hành, thấy luật không ổn thì đã sửa, đi nước ngoài để tham khảo kinh nghiệm các nước rồi tổng kết... Làm rất nhiều công việc thì phải chọn được phương án tối ưu đưa ra để Quốc hội quyết. Nhưng dự thảo như thế này khiến Quốc hội rất khó bởi vì trước đây đã trả lại 1 lần, không lẽ giờ đã trả lại. Trong khi Nghị quyết của Đảng nói việc này phải làm rất khẩn trương’’, bà Nga nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, khi sửa một dự án luật, đặc biệt là đạo luật có tính chất quan trọng thì cơ quan soạn thảo phải tổng kết thật kỹ như “bác sĩ tìm bệnh”, để lỗi nào thì sửa luật, lỗi nào thì sửa tổ chức. “Tôi lấy ví dụ, vấn đề công khai minh bạch đã sửa một loạt, nhưng thử hỏi các đồng chí ở địa phương khi muốn tiếp cận kết luận thanh tra, kiểm tra có dễ không, chắc rất khó”, bà Nga nói. Bà Nga cho rằng, vấn đề hiện nay là do khâu tổ chức thực hiện chứ không phải do luật. Theo bà Nga, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá luật Phòng chống tham nhũng hiện hành của Việt Nam là rất tiến bộ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trở lại với các nội dung trong dự thảo sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vạch ra hàng loạt vấn đề mà theo bà là rất luẩn quẩn, nửa vời. “Một vấn đề lớn là mở phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước thì không phải mở tất cả, mà một số đối tượng như công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư, tổ chức xã hội với việc yêu cầu các tổ chức này phải công khai minh bạch rồi cho thanh tra, kiểm toán. Trong khi bản thân những tổ chức này đã phải chấp hành những quy định về minh bạch khác rõ hơn, chẳng hạn phải có những báo cáo minh bạch khi lên sàn”.
Bà Nga dẫn lại điều 37 luật hiện hành quy định cấm người đứng đầu bổ nhiệm người nhà như vợ, chồng, anh, em vào các vị trí quản lý, kinh tế tài chính hay thực hiện các giao dịch hợp đồng tại cơ quan đơn vị mình quản lý. Đến nay, dự thảo luật sửa mở rộng đối tượng đến bố mẹ nuôi, em rể, em dâu... mà không nói rõ lý do, đồng thời quy định cấm bố trí làm việc tại có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao. “Mà nguy cơ phát sinh tham nhũng cao lại do Chính phủ quy định. Đang từ chỗ rất minh bạch là mua bán hợp đồng, vật tư lại sửa thành một khái niệm rất là tù mù. Cách sửa như thế nói thật chúng tôi không yên tâm”, bà Nga nói.
Tương tự, bà Nga cũng cho rằng nhiều biện pháp phòng ngừa cũng rất luẩn quẩn, trong đó quy định người có chức vụ quyền hạn phải thanh toán qua tài khoản khi giao dịch số tiền 20 triệu đồng trở lên. "Người có quyền hạn sẵn sàng nhờ người khác giao dịch. Áp dụng đối với một số người, trong khi cả xã hội dùng tiền mặt thì không giải quyết được vấn đề gì cả”, bà Nga cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.