Sông Vệ mùa don

03/08/2021 09:09 GMT+7

Thương nhớ làm gì có mùa. Nhưng người sông Vệ tha hương hay nói mùa này sao mà nghe nhớ thương quê nhà quá đỗi. Cũng phải thôi. Mùa hè tới thì mùa don về, đánh thức bao nhiêu là hoài niệm.

Cả làng hàm ơn dòng sông

Thật ra thì don không mùa. Sống dưới đáy sông, don lúc nào cũng có. Nhưng người sông Vệ hay nói những tháng nắng hung nắng dữ thì bắt don mới dễ, và con don mới dâng hết độ ngon.
Tôi ghé thăm làng An Mô, xã Đức Lợi (H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) vào một ngày hè. Sông Vệ chảy qua đây bỗng dưng vòng vèo uốn khúc quanh làng. Đi hướng nào cũng gặp sông lặng lờ trôi. Mùa khô, dòng chảy hoang dã từ thượng nguồn về hạ du đã hết xiết. Sông chảy dềnh dàng, trễ nải. Trước khi ra Cửa Lở để hòa vào biển lớn, sông chảy ngập ngừng. Hay là sông quyến luyến những bờ tre, bịn rịn những hàng cau ở cái làng An Mô xinh đẹp này? Sông chầm chậm trôi, để lại những bãi sa bồi rộng ngút tầm mắt. Nơi đây là “thủ phủ” của loài don. Bây giờ, địa danh Quảng Ngãi “khúc ruột miền Trung” không còn xa lạ với người dân hai miền Nam - Bắc. Và món ngon được làm nên từ con don thấm đẫm hương vị dòng sông Vệ có lẽ cũng chẳng còn mấy ai bỡ ngỡ.

Ra sông, ngâm mình trong nước để cào don, tuy khó nhọc nhưng được nhiều hơn

Don là loài nhuyễn thể, có “bà con” với hến, dài khoảng 1 phân. Con lớn nhất chỉ bằng móng tay út. Vỏ được tạo bởi hai mảnh mỏng. Thịt don màu vàng nhạt, có tua nhỏ viền xung quanh. Sáng sớm nước rút, từng nhóm người lom khom trên bãi sông. Họ đang bắt don. Những “vỉa” don nằm dưới lớp cát mỏng, chỉ cần dùng tay đào sơ là thấy. Nhưng thường thì không chỉ có don mà có cả hến, ốc lẫn vào đó. Tất nhiên trước khi nấu hoặc đem bán, những gì ngoài don được đãi riêng ra. Don mùa sông cạn rất dễ bắt. Với người khỏe mạnh thì đây là một nghề mưu sinh tuy nhọc nhằn nhưng thu nhập khá. Với người già, trẻ con, bắt don chủ yếu là để... chơi với sông cho vui, dĩ nhiên cũng là để cải thiện bữa ăn.
Cụ Lê Thị Gặp, 85 tuổi, người làng này, đang lui cui đào don. Dù tuổi tác khiến cụ giảm đi sự nhanh nhẹn nhưng thao tác vẫn gọn gàng lắm. Cụ kể cụ không gặp khó khăn gì trong đời sống. Con cháu lo tất. Cụ bắt don trên bãi coi như lao động cho khỏi mỏi mình, để ngắm dòng sông gắn bó từ thời thơ ấu. Bữa nào bắt nhiều thì gửi lên phố cho con. Ít thì nấu canh rau muống húp cho mát. Ở nhà buồn buồn, nằm lên nằm xuống bệnh thêm. Nhìn xa xăm ra sông, cụ nói: “Làng này hàm ơn sông nhiều lắm. Bao nhiêu đứa đi học xa, phần nào cũng nhờ con hến con don”.
Sông Vệ mùa don

Những tô don vừa nấu

Nhớ don rồi mới... nhớ quê

Anh Trà, sinh viên ở TP.HCM, về quê nghỉ dịch Covid, đang lúi húi đào don. Cái túi ni lông đựng don để cạnh cô bé gần đầy. Trà khoe: “Săn don vui lắm chú! Vừa cho mẹ chạy chợ, vừa để cấp đông ăn dần. Thích nhất là được gần gũi, hít thở cho no mùi sông quê rồi có xa cũng đỡ nhớ. Thiệt tình là mẹ không cho ra bãi bắt don vì “việc của con là đèn sách”. Cháu “đấu tranh” mãi mới được. Giờ thì việc của cháu là sáng sớm bắt don. Nửa buổi học online. Chiều cùng mẹ nấu don rồi cả nhà bên nhau xì xụp”.
Bắt don trên bãi mỏi mình lắm nhưng vui vì xung quanh có người để “tám”. Còn lặn ngụp ở giữa sông kia là những bóng người lặng thầm, như những cái chấm nhỏ xíu. Đúng ra là những “nửa người” vì chỉ thấy phần thân trên nhô lên mặt nước. Men theo triền sông, tôi gặp hai người cào don gần bờ nhất. Cả hai đều có khuôn mặt khắc khổ, da đen sạm, nón lá xập xệ. Họ là một đàn ông, một đàn bà. Cạnh họ là mấy cái thau nhựa đựng don được buộc dây ở thắt lưng để người lội tới đâu, của trôi theo đó. Dụng cụ cào của họ chìm dưới đáy sông. Người đàn ông rướn sức đẩy cào về phía trước. Nhưng người đàn bà lại kéo cào ngược về phía sau. Khoảng sáu bảy bước thì họ dừng lại, nhấc cào lên, đổ “chiến lợi phẩm” vào thau. Hai người đều đổ mồ hôi ròng ròng. Nước sông lờ lợ có lẽ do hòa nhiều mồ hôi của những người làm nghề sông nước.
Hỏi ông bạn “thổ địa” về chuyện “kẻ tới người lui” khi cào mới hay, đẩy tới là bắt hến, kéo lui là bắt don. Hến nằm trên mặt cát nên đẩy cào đỡ mệt vì ít có lực cản. Còn don nằm dưới lớp cát hơn nửa gang tay. Phải kéo ngược thì cào mới xẻ cát, nhũi sâu xuống đúng chỗ có don. Đẩy tới đỡ tốn sức hơn kéo ngược. Về nhà nghe mẹ bạn “bình” thêm: “Hến rẻ hơn don. Anh cào hến vợ con ổn định. Chuyện thu nhập không đặt nặng, được chăng hay chớ. Don thì đắt hơn hến nhiều. Chị cào don chồng mất sớm, đang nuôi hai con nhỏ ăn học nên tiền nong là mục đích. Giữa cái đỡ tốn sức với con được đến trường, chị biết mình phải chọn cái nào”.
Ở làng này có một số gia đình khai thác don chuyên nghiệp. Từ đây don đi khá xa, tận Sài Gòn. Nửa ký don chín, thêm hai bịch nước cốt, giá 150.000 đồng. Cứ vậy tính tới. Dạo phố, người quê bất chợt thấy quán cóc đề chữ “Don Quảng Ngãi” là nhớ quê đến cồn cào. Ghé ăn, thấy cũng ngon nhưng nước don hơi ngọt một cách thiếu tự nhiên. Khẩu vị Sài Gòn vậy mà. Có quán chỉ đề một chữ trụi lủi: “Don”. Vậy mà người Sài Gòn vẫn biết món này là gì và xuất xứ từ đâu.
Có câu “Món ngon nhớ lâu/Nỗi đau nhớ đời”. Cho nên cô bạn mê don đang sống ở phố, viết lên “phây” như vầy: Xin lỗi quê nhà. Đôi khi đứa con sông Vệ này thấy nhớ don rồi mới... nhớ quê. Dường như nỗi nhớ quê không từ con tim mà từ... bao tử.

Ráng kiếm con vợ bán don

Trong ẩm thực, đôi khi sự đơn giản lại là một nghệ thuật. Có lẽ món don nằm trong trường hợp này. Nấu don không khó, chỉ tốn công ở giai đoạn ngâm don cho sạch cát và nấu chín don để đãi lấy ruột. Sau đó nấu ruột don với nước cốt của lần đầu. Cho hành lá và hành tây xắt sợi vào, thêm các loại gia vị, mắm muối cho vừa miệng. Vậy là có một nồi don đúng điệu. Don được ăn với bánh tráng sống xen bánh tráng chín. Cứ bẻ miếng nhỏ thả vô tô don rồi múc từng muỗng nhâm nhi. Một... tín đồ của don ví von: “Liệu đời tao rồi sẽ ra sao nếu một ngày “em don” không còn trong dòng sông Vệ?”.
Ăn don phải húp mới ngon. Nếu có thể, húp xoàn xoạt lại càng ngon. Đấy là nước. Còn cái, là con don, thì nên nhai một cách từ tốn để lắng nghe vị ngọt thanh của don, nghe mùi sông nước trong lành, mùi bùn non chân chất. Dễ gì có món nào gợi lên hồn cốt quê nhà như món don Sông Vệ? Miếng hành tây uốn cong lưỡi liềm. Những đoạn hành lá ngắn ngủn màu xanh biếc. Những miếng bánh tráng thơm mùi gạo mới. Mấy thứ ấy làm con don thêm phần đằm thắm. Đây nữa, nhai vài tép tỏi Lý Sơn giòn giòn, cắn rôm rốp trái ớt xanh, độ cay nồng khiến tô don ngon riết róng.
Giờ một số quán don ở thành phố Quảng Ngãi có bán thêm trứng vịt lộn. Mục đích của “phân khúc” này là lạ hóa món don. Một cặp vợ chồng trẻ vô quán. Họ gọi don, lột trứng bỏ vào tô nhưng chỉ ăn qua loa. Anh chồng nói: “Trứng là trứng, don là don. Chung chạ kiểu này làm mùi don đội nón ra đi”. Chị vợ thẳng thừng: “Đây không phải tô don mà là tô... trứng vịt lộn don. Làm mới kiểu này, những người đã phải lòng tô don truyền thống dẫu không ăn nhưng bụng lăn tăn lắm”.
Từ lâu, các làng mạc ven sông Vệ mọc lên nhiều quán don. Tôi và những người bạn vẫn thích vô quán don sơ sài nhưng sạch sẽ. Còn cái “view” thì đã có những chiều tà mặt sông lồng bóng hàng cau. Tha hồ ngắm. Thư thả với tô don ấm nóng, vừa ăn vừa ngắm những tia nắng chiều cháy trầm trong nước. Ngẫm cái thú nào bằng?
Một người sông Vệ “lâu năm” kể, xưa các cô hay gánh don đi bán dạo. Nhác thấy đàn ông, có cô bạo miệng cất tiếng rao: “Ai... don! Gái còn son không bằng tô don sông Vệ”. Nghe vậy, đấng mày râu nào mà không mua?
Lại kể, gánh don gồm hai cái vò nhỏ (còn gọi là cặp ui) làm bằng đất nung. Một vò đựng don. Vò kia là tô, muỗng... Đầu gánh treo chồng bánh tráng. Gái bán don cô nào cũng có duyên nên con trai hay hát ghẹo: “Nghèo nghèo nợ nợ cũng ráng kiếm con vợ bán don/Rủi mai nó mất cũng còn cặp ui”. Cô hàng don thẹn đỏ mặt. Nhưng bù lại, cô bán đắt hàng. Còn người mua ăn tô don tự dưng nghe ngon gấp bội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.