Sống thấp thỏm bên miệng ‘hố tử thần’

03/12/2018 06:24 GMT+7

Sau những tiếng nổ lụp bụp, nền đất bằng phẳng ở Bản Tàn (TT.Bằng Lũng, H.Chợ Đồn, Bắc Kạn) bỗng sụt lún thành những hố sâu hun hút.

“Hố tử thần” xuất hiện ngày càng nhiều áp sát khu dân cư khiến người dân lúc nào cũng thấp thỏm âu lo.
Nền đất sụt lún bất thường liên tiếp xảy ra trong những ngày cuối tháng 11 vừa qua, cùng với khe nứt mỗi ngày một rộng tại cánh đồng Bản Tàn khiến người dân địa phương vô cùng bất an.
[VIDEO] “Hố tử thần” nuốt ao, ruộng, uy hiếp nhà dân
Nuốt chửng bờ tre, ao cá
Gần 3 ngày sau khi mất toàn bộ ao cá với sản lượng 1,5 tấn cá thịt chuẩn bị thu hoạch, ông Cam Văn Khải vẫn bàng hoàng khi kể cho chúng tôi về cảnh tượng sạt lở diễn ra ngay tại ao cá trước nhà.
Hai "hố tử thần" xuất hiện gần nhau nuốt chửng toàn bộ ao cá Ảnh: Phan Hậu
Hai "hố tử thần" xuất hiện gần nhau nuốt chửng toàn bộ ao cá Ảnh: Phan Hậu
Ông Khải kể lại, hiện tượng mặt đất sụt lún được phát hiện lúc 15 giờ ngày 26.11 khi khoảnh đất có bụi tre, bờ trồng chuối rộng vài chục mét vuông có những tiếng nổ lụp bụp dưới lòng đất. Sau đó, nền đất cứ thế tụt dần. Cho đến chập tối, hố sạt lở mở rộng và sâu hoắm, cuốn toàn bộ bụi tre, bờ chuối vào lòng đất không còn thấy cả ngọn. Nước suối chảy vào đây bao nhiêu cũng bị hút sạch bấy nhiêu, miệng hố trơ cạn. Đến hơn 7 giờ tối, gia đình ông Khải đang ngồi ăn cơm trên lán thì bỗng giật mình bởi tiếng nổ từ ao cá vang lên. Khi cầm đèn pin chạy xuống, ông Khải bàng hoàng, không tin vào mắt mình. “Ao cá rộng 3.300 m2, với mực nước sâu 1 - 1,2 m cứ thế trôi tuồn tuột vào chiếc hố lớn mới tạo thành ngay trong lòng ao”, ông Khải kể lại.
Cả đêm không ngủ, gia đình ông Khải huy động anh em hàng xóm soi đèn giăng lưới phía đầu ao gỡ gạc lại ít cá sau gần hai năm đầu tư cả trăm triệu đồng. Nhưng đến khoảng 3 giờ sáng 27.6, một vết sạt lở mới lại xuất hiện phía đầu ao khiến ai nấy đều hoảng sợ. Sau khi bà Đồng Thị Thạch - hàng xóm nhà ông Cam lội ao vớt cá giúp bị sa xuống hố mới sạt, thoát chết trong gang tấc. “Thấy cá bị trôi xuống vũng nước trũng, tôi cầm vợt với theo, không nghĩ đó là điểm sạt mới, cả người lẫn vợt đều bị cuốn vào đáy hố, tôi cố gắng vùng vẫy men theo miệng hố và hô hoán thì được mọi người đến kéo lên, chậm chút nữa là bị rơi xuống hố sâu”, bà Thạch kể lại.
Ông Cam Văn Khải bên miệng "hố tử thần" rộng gần 300 m2, không xác định được độ sâu xuất hiện trong ngày 26.11 gần ao cá của gia đình
Ông Cam Văn Khải bên miệng "hố tử thần" rộng gần 300 m2, không xác định được độ sâu xuất hiện trong ngày 26.11 gần ao cá của gia đình
Cách ao cá ông Khải không xa, ao cá rộng hàng nghìn mét vuông nhà ông Phạm Văn Tí cũng xuất hiện những hiện tượng bất thường. Bờ ao không bục vỡ, không rỉ nước nhưng hàng nghìn mét khối nước cứ từ từ bị hút cạn. Khi cạn đến đáy, ông Tí tá hỏa thấy bùn đất trôi vào miệng một vết nứt dài “chém” ngang ao. Dù chưa mất hết cá nhưng ao này giờ đành bỏ không vì không thể giữ nước nuôi cá.
Ao cá rộng 3.300 m2, với mực nước sâu 1 - 1,2 m cứ thế trôi tuồn tuột vào chiếc hố lớn mới tạo thành ngay trong lòng ao
Ông Cam Văn Khải, Bản Tàn, TT.Bằng Lũng, H.Chợ Đồn, Bắc Kạn

Tài sản mất trắng, ao cá bỏ không vì sụt lún bất ngờ nhưng người dân Bản Tàn ngày càng bất an khi tính mạng bị uy hiếp. Sự việc xảy ra vào sáng sớm 23.11, anh Hoàng Văn Chấn trong khi lội qua suối Bản Tàn bất ngờ bị tụt xuống điểm sập sụt rộng khoảng 2 m và sâu 3 m. “Khi tôi đang lội bộ qua suối thì thấy đất dưới chân lún xuống, khi nước ngập ngang người, may mắn chiếc áo phao mặc trên người phồng lên giúp tôi vẫn còn đủ thời gian bám vào miệng hố để thoát lên bờ, may mắn thoát nạn nhưng bị thương nhẹ, chân tay xây xước do va chạm với đá”, anh Chấn kể.
Uy hiếp nhà dân
Cánh đồng Bản Tàn với những mảnh ruộng bậc thang màu mỡ, với hàng chục ao nuôi cá nhưng giờ đã lỗ chỗ “hố tử thần”. Chính quyền địa phương giăng dây cảnh báo, ngăn người dân không đến gần.
Nhà cách “hố tử thần” mới nhất khoảng vài trăm mét, ông Phùng Văn Hùng nói: Ngay trên cánh đồng Bản Tàn hiện giờ có khoảng 9 điểm sập sụt lớn, nhỏ. Nhưng đáng lo nhất là vệt đất nứt rộng ngoác chạy dọc thửa ruộng bậc thang trước nhà. Theo ông Hùng, mùa mưa những năm trước đây, nước từ trên khe núi chảy xuống chân ruộng bậc thang tuần hoàn chảy từ trên xuống dưới. Nhưng theo dõi suốt mùa mưa năm nay, dòng nước cứ đến thửa ruộng có vết nứt là chảy tuột xuống, bên dưới gần như không có đáy. “Nhiều vụ sụt lún đã xảy ra rồi, ụp một cái là nền đất sụt xuống, vết nứt ngay cạnh nhà cũng sợ chứ nhưng biết chuyển đi đâu bây giờ”, ông Hùng nói với giọng lo lắng.
Theo biên bản xác nhận của UBND H.Chợ Đồn, các điểm sụt lún xảy ra chiều 26.11 tại cánh đồng Bản Tàn đang uy hiếp 3 hộ dân trong khu vực này. Trong số 3 vị trí xảy ra sập sụt mới được ghi nhận thì điểm rộng nhất có diện tích lên tới gần 300 m2 và không thể xác định được độ sâu của hố. Dù dòng nước từ khe suối Khuổi Ngoài liên tục chảy vào hố sụt nước nhưng không đầy hố.
Đáng lưu ý, khu vực Bản Tàn là nơi đang có nhiều mỏ khai thác khoáng sản như mỏ Nà Tùm, thuộc Công ty khai khoáng Bắc Kạn; mỏ Nà Bốp và Pù Sáp của Công ty khoáng sản Bắc Kạn. Trước đó năm 2016, nhiều địa phương xung quanh các mỏ khoáng sản này ghi nhận xảy ra nhiều vụ sập sụt tạo ra những “hố tử thần”.
Có mặt ở hiện trường ngay sau vụ sập sụt xảy ra tại Bản Tàn, ông Nguyễn Quốc Khánh, nghiên cứu viên Viện Địa chất khoáng sản, chủ trì nhóm nghiên cứu, đánh giá về sập sụt tại H.Chợ Đồn cho biết, thống kê từ trước đến nay đã ghi nhận có 80 hố do sụt đất. Ở những vị trí xảy ra sập sụt đều có điểm chung là rỗng hàm ếch, khe nứt phát triển sẽ xảy ra sạt trượt trên tầng đất phủ. Trong đó, đất phủ ở đây có thành phần chủ yếu là đất cát lẫn cuội sỏi dễ bị rửa trôi. Khu vực xảy ra sạt lở cũng là địa bàn có phân bố hệ thống hang ngầm caster phức tạp. Khi có sự tác động của các yếu tố như bơm hút nước ngầm, mạch nước ngầm cạn dễ dẫn đến sập sụt.
“Dấu hiệu đầu tiên của những vụ sập sụt là các khe nứt xuất hiện, khi nước chảy xuống sẽ mở rộng hố sụt. Vùng hiện trường khảo sát đánh giá rộng khoảng 15 km2, mặt đất vẫn xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài nên nguy cơ cao vẫn còn xảy ra sụt lún trong thời gian tới”, ông Khánh nói.
Liên quan đến hiện tượng sạt lở xảy ra trong ngày 26.11 vừa qua, UBND H.Chợ Đồn cho biết, ngày 1.9 Công ty khai khoáng Bắc Kạn có tạm dừng bơm hút nước cạn từ mỏ chì kẽm Nà Tùm... chỉ bơm duy trì mực nước trong moong ở mức khoảng 20 m và bơm bù nước vào các lỗ khoan. Đến ngày 3.10, công ty tiếp tục bơm nước, tháo khô mỏ, mở rộng moong và khai thác dưới đáy moong. Khi công ty bơm tháo nước cạn trong moong khoảng 10 ngày thì xảy ra sụt đất tại cánh đồng Bản Tàn.
Cuối năm 2019 sẽ khoanh được vùng nguy hiểm
Khoảng tháng 10.2016, khu vực tổ 10, TT.Bằng Lũng và địa bàn các xã Ngọc Phái, Bằng Lãng xuất hiện các “hố tử thần” khiến nhiều hộ dân phải di chuyển chỗ ở. Đến tháng 2.2017, UBND tỉnh Bắc Kạn và Tổng cục Địa chất khoáng sản (Bộ TN-MT) đã có những đánh giá bước đầu về nguyên nhân của hiện tượng sụt lún là do hệ thống hang caster phân bố phức tạp, tạo thành kênh dẫn nước. Đá carbonat nứt nẻ, dập vỡ bị nước hòa tan và rửa trôi. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác nước ngầm dân sinh, khai thác khoáng sản trong khu vực và vùng lân cận có thể là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới sụt lún. Tổng cục Địa chất và khoáng sản khuyến cáo có thể chủ động phòng ngừa sụt lún bằng cách hạn chế hút mạch nước ngầm. Để truy tìm nguyên nhân, UBND tỉnh Bắc Kạn phối hợp với các đơn vị của Bộ TN-MT lập đề án đánh giá, nghiên cứu hiện tượng sụt lún ở TT.Bằng Lũng, xã Bằng Lãng và Ngọc Phái, cụ thể là Viện Địa chất khoáng sản chủ trì thực hiện.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, hiện tại nhóm cán bộ kỹ thuật, các chuyên gia của Viện Địa chất khoáng sản đo địa vật lý để xác định chính xác hệ thống đá vôi, hang caster ngầm phân bố ra sao, kết hợp với các tài liệu phân tích địa chất thủy văn. Dự kiến đến cuối năm 2019, nhóm nghiên cứu mới có thể hoàn thành khối lượng công việc đánh giá chính xác nguyên nhân dẫn đến sạt lở, đồng thời thiết lập bản đồ, vị trí khu vực nguy hiểm cảnh báo đến người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.